Cơ quan chức năng, chính quyền địa phương vẫn mơ hồ, nông dân gần như không nắm bắt được gì cho dù đã nửa tháng kể từ thời điểm Tập đoàn FLC tổ chức khởi công giai đoạn II của đại dự án vào ngày 6/3/2016.

Người dân thôn Cam Giá trước nỗi lo mất đất.

Quy trình thần tốc

Sở TN-MT tỉnh Vĩnh Phúc, cơ quan quản lý đất đai và tham mưu cho UBND tỉnh Vĩnh Phúc đến thời điểm hiện tại mới chỉ được biết rằng dự án đang ở giai đoạn được phê duyệt, chưa đưa vào kế hoạch sử dụng đất.

Thừa lệnh Giám đốc Sở, ông Chu Quốc Hải - Phó Giám đốc Sở mở đầu buổi làm việc với PV bằng quan điểm hết sức rõ ràng: Nếu lấy đất lúa phải xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, bao giờ Thủ tướng đồng ý thì mới được làm. Kể cả việc quy hoạch cũng vậy. Phải lấy ý kiến từ người dân đến các cấp, các ngành liên quan. Quan điểm của Sở TN-MT là phải theo pháp luật. Xin được nói thêm rằng, ông Hải là người đại diện Sở TN-MT ký văn bản số 330/STNMT-CCQLĐĐ về việc tham gia ý kiến về dự án Quần thể du lịch sinh thái và vui chơi giải trí cao cấp FLC An Tường - Vĩnh Thịnh gửi Sở KH-ĐT tỉnh Vĩnh Phúc.

Trong văn bản này đã chỉ rõ một số nội dung quan trọng mà phía chủ đầu tư chưa thể đáp ứng theo quy định để xin phê duyệt chủ trương đầu tư. Cụ thể, về việc đánh giá tác động môi trường của dự án của FLC, Sở TN-MT khẳng định, hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư của dự án có đề cập đến các tác động của dự án vào môi trường, tuy nhiên nội dung đề cập còn sơ sài, chỉ mang tính khái lược. Vì vậy Sở TN-MT yêu cầu dự án cần phải lập đánh giá tác động môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường để trình cơ quan thẩm quyền xét duyệt tại bước phê duyệt đầu tư dự án theo quy định.

Về phương án bồi thường, GPMB, trong báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án, chủ đầu tư chưa xác định đúng, đủ, chi phí bồi thường, GPMB dự án. Đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư phải thực hiện việc xác định kê khai số tiền phải nộp vào ngân sách Nhà nước tương ứng với số diện tích đất lúa cần chuyển mục đích sử dụng để thực hiện dự án theo Quy định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ... Nhu cầu sử dụng đất phải đảm bảo quỹ đất của địa phương, đảm bảo công tác GPMB, kế hoạch chuyển mục đích sử dụng đất của địa phương...

Phạm vi khảo sát, nghiên cứu thực hiện dự án mặc dù đã được UBND tỉnh chấp thuận ranh giới lập quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000, tuy nhiên phạm vi khu đất trên có trùng vào phạm vi đất đã được quy hoạch làm KCN Vĩnh Thịnh đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Đề nghị lưu ý để không chồng chéo...

Văn bản đóng góp ý kiến này được ông Hải ký gửi Sở KH-ĐT vào ngày 1/3/2016, chỉ hai ngày sau, tức ngày 3/3/2016, UBND tỉnh Vĩnh Phúc có Quyết định 272/QĐ-UBND phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng tỉ lệ 1/2000 Khu đô thị du lịch sinh thái Vĩnh Thịnh – An Tường.

Tại Quyết định phê duyệt, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã giao chủ đầu tư dự án “trường hợp bổ sung sân golf phải thực hiện đúng theo quy định của pháp luật hiện hành về điều kiện quy hoạch sân golf và phải được đồng ý của Thủ tướng Chính phủ”. Và, “do khu vực có vị trí nằm trong phạm vi phòng chống lũ của sông Hồng, việc triển khai dự án phải tuân thủ Luật Đê điều, đồng thời tuân thủ Quy hoạch phòng chống lũ và Quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng. Trước khi thực hiện dự án, yêu cầu chủ đầu tư dự án phải lấy ý kiến thống nhất của Bộ NN-PTNT”.

Cũng chỉ ba ngày sau, ngày 6/3/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc trao Giấy chứng nhận đầu tư cho FLC. Và, nếu nhìn lại cả quá trình xây dựng từ giai đoạn I dự án của FLC thì tốc độ thực hiện càng nhanh hơn nữa. Theo thông tin của NNVN, giai đoạn II của dự án xây dựng Khu đô thị du lịch sinh thái Vĩnh Thịnh – An Tường (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) do Công ty cổ phần FLC Travel làm chủ đầu tư được mở rộng thêm hơn 256 ha đất lúa dựa trên diện tích hơn 7 ha của giai đoạn I.

Tiền thân của Công ty Cổ phần FLC Travel là Công ty Cổ phần Trang trại và Nông sản Quý Giáp. Trước khi triển khai giai đoạn I của của dự án, công ty này đã lập dự án xin đầu tư trang trại nuôi lợn với quy mô 7,08 ha, trên đất nông nghiệp. Một thời gian sau, công ty này xin chuyển đổi thành dự án Khu tổ hợp nghỉ dưỡng và thể thao giải trí công cộng đa chức năng FLC Vĩnh Thịnh Resort với hàng loạt các hạng mục như xây dựng khách sạn, nhà hàng, nhà nghỉ, sân thể thao, khu vui chơi…

Toàn bộ quy trình chuyển từ trang trại chăn nuôi lợn sang khu nghỉ dưỡng chỉ vỏn vẹn có vài tháng trời mà thôi. "Đất đai xét cho cùng cũng nhằm mục đích phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Kế hoạch sử dụng đất phải dựa trên cơ sở các quy hoạch. Từ quy hoạch chung đến các quy hoạch riêng phải được các cấp thẩm quyền phê duyệt. Hiện tại, các huyện đang khoanh định chỉ tiêu đất lúa để bảo vệ. Đất thì ở đâu cũng hạn chế, có sinh sôi nảy nở đâu, nên điều quan trọng bây giờ là chính sách đối với người dân sở tại. Hơn nữa, đấy còn là vùng trọng điểm nuôi bò của tỉnh Vĩnh Phúc", ông Hải nói. Trong khi đó, ông Trần Mạnh Cường, Trưởng phòng Quy hoạch, Chi cục Quản lý đất đai (Sở TN-MT) cho biết: Theo quy định, sau khi dự án có chủ trương đầu tư mở rộng, phê duyệt quy hoạch xây dựng sẽ cập nhật điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất và đăng ký vào kế hoạch sử dụng đất, tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Sở TN-MT chưa nhận được văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, chỉ biết UBND tỉnh đã công bố khi FLC tổ chức khởi công giai đoạn II. Có thể, theo quy trình này, UBND tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tổ chức thu hồi đất và giao cho Tập đoàn FLC.

Nói tóm lại là khi tỉnh đưa vào dự án trọng điểm rồi thì chắc chắn sẽ quyết tâm thực hiện. Tất nhiên hồ sơ pháp lý của dự án này chưa đâu vào đâu cả. Về quy hoạch sử dụng đất của tỉnh hiện nay đang điều chỉnh quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất theo Luật Đất đai 2013, và, đối với một dự án lớn như thế này thì đương nhiên phải xin ý kiến của các Bộ, ngành Trung ương. Hơn nữa trong quy hoạch đất đai của tỉnh mới chỉ có 18 KCN được Thủ tướng phê duyệt, đối với dự án này phải đưa vào điều chỉnh vì thực tế trong quy hoạch chưa có.

Đền bao nhiêu cũng không đồng ý

Khi giai đoạn II của dự án triển khai, gần như toàn bộ người dân thôn Cam Giá (xã An Tường, huyện Vĩnh Tường) sẽ mất hết đất sản xuất.

Thực ra, những thông tin về việc triển khai giai đoạn II của dự án đã xuất hiện từ năm 2015. Nhưng thời điểm ấy, người dân đã nhất quán không đồng ý, bẵng đi một thời gian cũng không thấy ai đề cập gì, thế nên nhiều người nông dân cần mẫn, chất phác ở nơi này tự an ủi mình và hi vọng rằng đó chỉ là những tin đồn thất thiệt. Nhưng đến hôm nay thì những hi vọng ấy chính thức vụt tắt. Họ đang phải đối mặt với điều mình lo sợ nhất: Mất đất. Nhận được quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch của UBND tỉnh, chính quyền xã An Tường đã cho phô tô rồi gửi xuống các thôn. Chủ tịch UBND xã An Tường, ông Lê Xuân Thành cũng thừa nhận: Giai đoạn II của dự án sẽ lấy khoảng 78 ha và gần như nằm trọn hết ở thôn Cam Giá.

Đa số nông dân Vĩnh Thịnh không đồng thuận nhường đất cho dự án Có nhiều gia đình chỉ có duy nhất ruộng ở trong thôn, ngoài ra còn khoảng 1.000 con bò, chúng tôi đã có văn bản báo cáo lên UBND tỉnh và công ty FLC cũng có hứa sẽ có những bồi thường, giải phóng mặt bằng, đồng thời hỗ trợ mặt này mặt kia. Tất nhiên là họ (FLC) phải phối hợp với địa phương làm việc với các hộ dân mất đất nhưng đến bây giờ việc ấy chưa làm được cho nên chúng tôi cũng chưa thể nắm có bao nhiêu hộ đồng ý, bao nhiêu hộ không đồng ý với dự án này. Nhưng tôi khẳng định rằng để đồng thuận tất chắc là không có. Cũng có người không tha thiết với đồng ruộng lắm, nhưng những người tập trung vào chăn nuôi sẽ không đồng thuận. Bởi vì hiện nay đất trồng cỏ nuôi bò, nếu thu hồi tất thì không có diện tích trồng cỏ sẽ khó khăn cho họ.

Gia đình bà Lê Thị Dung ở thôn Cam Giá nuôi 6 con bò. Tất tật trông vào 5 sào ruộng. Khi nghe thông tin về dự án giai đoạn II của FLC, bà nói: Đại đa số nhân dân chúng tôi không đồng ý bán đất ruộng. Cả thôn này nhà nhiều nhà ít đều nuôi 5-6 con bò, mỗi con trị giá bây giờ tầm từ 50-60 triệu đồng, phải giữ đất để trồng cỏ chứ, bán đất đi bò của chúng tôi sống bằng gì?".

Khi chúng tôi đang dở câu chuyện với bà Dung, một người đàn bà dáng khắc khổ chen vào: Lấy đất ruộng đi chúng tôi sống bằng gì? Đền bù bao nhiêu chúng tôi cũng không nghe. Bán đất đi, lấy tiền rồi cũng tiêu hết, sau này con cháu ti tỉ chúng tôi chết tất à?".

Có một người mà nhóm PV đã rất kỳ vọng sẽ trả lời được những câu hỏi, thắc mắc, trăn trở của người dân là Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Vĩnh Tường, ông Nguyễn Văn Quỳnh. Nhưng không, người đứng đầu ngành nông nghiệp huyện Vĩnh Tường một mực khẳng định rằng: Về dự án này, tôi có được tham gia đâu mà biết. Tôi chỉ nghe thôi chứ chính thức không được mời và cũng không nhận được bất cứ văn bản gì cả. Còn vấn đề tỉnh quyết định cắt đất thì chúng tôi chấp hành thôi.

Chúng tôi vẫn thường nói với nhau lấy một mét vuông cũng phải có quyết định của tỉnh, bởi theo quy định Luật Đất đai chuyển đổi đất lúa khó lắm, có khi xin mãi chả được. Vậy còn 8.000 con bò sẽ không còn đất sống khi giai đoạn II dự án triển khai sẽ ra sao? “Cái đấy khó nhỉ. Nói thật là người nông dân đang chăn nuôi và họ không muốn thay đổi. Giữ lại bò sữa thì phải quy hoạch trồng cỏ sang vùng khác. Khó ở chỗ là muốn làm thế thì phải mua, thuê đất ở các xã lân cận”, ông Quỳnh trả lời câu hỏi của phóng viên.

Hoàng Anh (NNVN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.