Trung tâm quản lý nhà và giám định xây dựng trực thuộc Sở Xây dựng TP.HCM đang được giao quản lý 9.434 căn hộ và hơn 2.500 nền đất tái định cư bỏ hoang. Để bảo trì gần 10.000 căn hộ này, năm 2020, UBND TP.HCM phải chi khoảng 71 tỉ đồng.

Hàng chục ngàn căn hộ bỏ hoang, không bóng người, thành phố phải chi tiền tỉ duy tu, bảo dưỡng rất lãng phí  /// Ảnh: Đình Sơn

Hàng chục ngàn căn hộ bỏ hoang, không bóng người, thành phố phải chi tiền tỉ duy tu, bảo dưỡng rất lãng phí. Ảnh: Đình Sơn

Gần 10.000 căn hộ bỏ hoang

Mới đây trong buổi giám sát của HĐND TP.HCM tại Sở Xây dựng và Sở Tài nguyên - Môi trường về công tác sử dụng quản lý nhà, đất công trên địa bàn TP, Trung tâm quản lý nhà và giám định xây dựng trực thuộc Sở Xây dựng cho biết hiện nơi đây đang được giao quản lý 9.434 căn hộ và hơn 2.500 nền đất tái định cư trống. Trong đó, gần 4.800 căn đang được quản lý để chờ bán đấu giá, hơn 2.000 căn đang chờ bố trí tái định cư cho các dự án trong tương lai.

Trong số gần 10.000 căn hộ tái định cư bỏ hoang, có đến hơn một nửa, tức 5.300 căn thuộc các dự án tại khu đô thị mới Thủ Thiêm ở các lô từ R1 đến R7 trong khu tái định cư 38,4 ha Bình Khánh, gần 1.000 căn hộ tại dự án tái định cư Vĩnh Lộc B (H.Bình Chánh), một chung cư ở Q.12 còn 320 căn, 220 căn hộ tại chung cư Tân Mỹ (Q.7), 470 căn hộ tái định cư tại Q.Bình Thạnh... UBND TP.HCM đã có chủ trương bán đấu giá 3.790 căn hộ tại Thủ Thiêm và gần 1.000 căn tại chung cư Vĩnh Lộc B.

Hàng chục ngàn căn hộ, nền đất tái định cư bỏ hoang nhiều năm qua gây lãng phí rất lớn là điều ai cũng nhìn thấy. Bởi với cùng vị trí như tại chung cư New City của Công ty Thuận Việt đang bán mỗi căn hộ 2 phòng ngủ diện tích 60 m2 có giá từ 3,9 - 4,4 tỉ đồng, mỗi mét vuông có giá lên đến 73 triệu đồng. Đây là giá bán được đưa ra từ năm 2019. Chung cư New City cũng được chủ đầu tư là Công ty Thuận Việt “nâng cấp” từ chung cư tái định cư lên chung cư thương mại. Khu chung cư này cũng nằm trong chương trình 12.500 căn hộ tái định cư Thủ Thiêm của TP. Tuy nhiên, khi TP không có nhu cầu tái định cư, Công ty Thuận Việt đã xin chủ trương cho chuyển đổi lên căn hộ thương mại. Đến nay dù dự án này vẫn chưa hoàn tất thủ tục chuyển đổi từ chung cư tái định cư lên chung cư thương mại nhưng các căn hộ đã bán gần hết.

Như vậy, chỉ riêng 5.300 căn hộ tại Thủ Thiêm, nếu tính bình quân mỗi căn hộ 2 phòng ngủ có giá thấp nhất là 3,9 tỉ đồng thì số tiền của ngân sách đang “ngâm” hơn 20.000 tỉ đồng. Không chỉ dừng lại ở đây, do những căn hộ để lâu không sử dụng đã dẫn đến tình trạng xuống cấp trầm trọng và để quản lý, duy tu bảo trì số căn hộ này rất tốn kém. Theo Trung tâm quản lý nhà và giám định xây dựng, năm 2020, UBND TP.HCM ghi vốn chi khoảng 71 tỉ đồng để duy tu bảo dưỡng số lượng căn hộ tái định cư bỏ hoang này.

Một cán bộ của Sở Xây dựng TP.HCM cho biết số căn hộ bỏ trống nhưng vẫn phải có người làm vệ sinh, duy tu bảo dưỡng, quản lý, bảo vệ hằng ngày, nếu không sẽ rất mau xuống cấp. Trong khi đó, do chung cư bỏ hoang nên đơn vị quản lý hiện nay không có nguồn thu, đành phải xin tiền ngân sách để duy tu, bảo dưỡng, gia cố trước khi đưa ra bán đấu giá.

Chia nhỏ bán hoặc cho thuê

Sở dĩ số lượng nhà tái định cư bỏ hoang quá lớn là do thời gian qua TP đã đưa ra nhiều lô chung cư để đấu giá nhưng không bán được. Trong khi rất nhiều người dân không có nhà ở, việc để hoang hàng chục ngàn căn hộ không chỉ nghịch lý mà còn hết sức lãng phí.

Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở Xây dựng, cho biết căn hộ tại khu đô thị mới Thủ Thiêm đã được bán đấu giá 2 lần nhưng chưa có người mua thành công do số lượng căn hộ quá lớn. UBND TP có chủ trương sẽ chia nhỏ số lượng căn hộ trong lần bán đấu giá sắp tới để dễ bán hơn.

Theo bà Phan Thị Thắng - Phó chủ tịch HĐND TP.HCM, có những căn hộ tái định cư để trống đến 20 năm chưa được bố trí, trong đó có những khu tái định cư vị trí khá đẹp như ở Q.Bình Thạnh. Chính vì vậy, Sở Xây dựng phải tính toán giải pháp để giải quyết số lượng căn hộ, nền đất tái định cư bỏ hoang chứ không thể để kéo dài gây tốn kém ngân sách, hao hụt giá trị tài sản công như vậy được. “Cần thiết có thể thương lượng với các chủ đầu tư nhà thương mại để bán tái định cư cho người dân, không nên chăm chăm giữ nhà tái định cư mãi như vậy”, bà Thắng cho hay.

Lãnh đạo một công ty bất động sản cho rằng khi TP đem đấu giá 3.700 căn hộ tái định cư ở Thủ Thiêm, công ty ông đã mua hồ sơ, đăng ký tham gia. Tuy nhiên mức giá khởi điểm đưa ra khá cao, cộng với chất lượng công trình không được kiểm soát và thiết kế nhà tái định cư “lạc hậu” nên đã âm thầm rút lui. Theo vị này, TP đã đem đấu giá nhiều lô chung cư tái định cư nhưng thất bại vì số lượng lớn, cần lượng tiền mặt quá nhiều.

Trong khi đó, nhà tái định cư chất lượng cũng như thiết kế không thể bằng nhà thương mại. Chính vì vậy, thay vì bán nguyên một lô mấy ngàn căn, TP có thể chia nhỏ ra làm nhiều gói, mỗi gói mấy chục căn, thậm chí có thể chia nhỏ ra mỗi gói 5 - 10 căn hoặc bán lẻ từng căn để mở rộng đối tượng khách hàng tham gia đấu giá. Nếu làm được điều này sẽ tạo điều kiện cho những người dân có nhu cầu thật mua nhà. Nếu không thể bán đấu giá, TP có thể ký hợp đồng với một doanh nghiệp bất động sản của nhà nước đứng ra tổ chức bán lẻ căn hộ tái định cư cho người dân có nhu cầu thật sự về nhà ở. Nếu chia nhỏ, với mức giá hợp lý sẽ rất nhiều người mua.

Trong trường hợp xấu nhất không bán được, có thể giao cho đơn vị sự nghiệp, công ty nhà nước có chức năng kinh doanh bất động sản để kinh doanh cho thuê, tạo được nguồn thu về cho ngân sách.

Hoặc làm nhà ở xã hội

Lãnh đạo một công ty bất động sản phân tích TP đang tồn kho khá nhiều chung cư tái định cư. Càng để lâu giá càng giảm vì chất lượng sẽ càng xuống cấp, trong khi bán đấu giá nhiều nơi không khả thi. Giải pháp tối ưu là TP nên chuyển đổi thành nhà ở xã hội để người dân gần đó, cán bộ công chức, những người khó khăn về nhà ở có thể mua hoặc thuê.

Đồng tình với quan điểm trên, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu cũng cho rằng nhà nước cần đem các chung cư trên chuyển sang nhà ở xã hội. Theo quy định, các dự án bất động sản trên địa bàn TP phải dành 20% quỹ đất để xây nhà ở xã hội. Nếu không đóng bằng đất, có thể hoán đổi bằng quỹ nhà hoặc đóng tiền. Nhưng thực tế thời gian qua đa số các doanh nghiệp chọn giải pháp đóng tiền nên quỹ nhà ở xã hội không nhiều. Vì vậy, có thể chuyển các nhà tái định cư sang nhà ở xã hội để tạo thêm nguồn nhưng phải rà soát lại chất lượng, tiện ích, đảm bảo cho người dân vào ở.

“Như tại chung cư Vĩnh Lộc B, một đoạn đường ngắn dẫn vào chung cư vẫn còn lầy lội, chưa được trải nhựa. Để thu hút được dân về ở, đầu tiên phải làm lại đoạn đường này. Ngoài ra, phải tăng thêm dịch vụ, tiện ích, tăng cường kết nối giao thông, các dịch vụ chuyên chở công cộng từ khu chung cư lên trung tâm TP. Bởi hiện nay khu chung cư này quá xa, mỗi khi vào trung tâm TP mất rất nhiều thời gian”, ông Châu khuyến nghị.

Theo nhiều chuyên gia, nếu TP còn dùng dằng, để càng lâu các khu chung cư tái định cư sẽ càng khó bán, thất thoát ngày càng tăng vì chất lượng xuống cấp, thiết kế lỗi thời và phải xuất thêm tiền ngân sách bảo trì trong lúc các chung cư thương mại chất lượng, thiết kế, tiện ích ngày càng “xịn”.

Chủ đề: Bỏ hoang,
  • Ngàn tỷ chôn theo khu tái định cư “ma”

    Ngàn tỷ chôn theo khu tái định cư “ma”

    Hàng ngàn căn hộ tái định cư tại TP.HCM không đảm bảo chất lượng, hoặc bán với giá cao đang bị bỏ hoang nhiều năm, chôn theo hàng ngàn tỷ đồng, gây lãng phí nguồn lực lớn.

Đình Sơn (Thanh Niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.