22/03/2018 3:39 PM
Để rộng đường dư luận sau bài viết: “Nhà tái định cư thiếu thực tế”, phản ánh nhiều dự án chung cư tái định cư (TĐC) bị bỏ hoang, người dân không vào ở… Báo ĐTTC ghi lại ý kiến của ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM.

Hiện nay TPHCM còn gần 14.000 căn hộ và nền đất TĐC để trống, TP sẽ giữ lại hơn 8.500 căn hộ, nền đất để bố trí TĐC cho 460 dự án chỉnh trang đô thị (trong số này dự định dùng 1.000 căn tạm cư cho các trường hợp cấp bách, sạt lở, cháy nổ, di dời khẩn cấp các chung cư cũ, hư hỏng), số còn lại sẽ được mang bán đấu giá (trong đó gồm 3.790 căn hộ thuộc chương trình 12.500 căn hộ TĐC của dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2; 1.000 căn hộ tại khu TĐC xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh; 200 căn hộ tại dự án TĐC Phú Mỹ, quận 7…).

Do chính sách thay đổi

Về việc gần 14.000 căn hộ, nền đất phục vụ TĐC tại TPHCM dư thừa là yếu tố khách quan của chính sách và pháp luật quy định của từng thời kỳ thoáng hơn. Cụ thể, năm 1998 kéo dài đến năm 2007, TP thực hiện TĐC theo Nghị định 22. Khi giải tỏa, Nhà nước đền bù theo giá quy định, hoặc bố trí 1 căn hộ mới. Lúc đó nhận nhà có lợi hơn nhận tiền bồi thường, nên người dân chọn phương án nhận nhà để bán lại cho người khác kiếm lời.

Căn hộ TĐC lúc đó thiếu trầm trọng. Vì vậy, lãnh đạo UBND TP nhanh chóng đầu tư khu TĐC Vĩnh Lộc B và khu 12.500 căn hộ tại Thủ Thiêm, với ý nghĩa giải quyết nhu cầu TĐC, cũng như hình thành các khu nhà ở bảo đảm hạ tầng. Thời đó, tôi là Phó Chủ tịch UBND quận 4, rất vất vả chạy khắp dự án để mua từng căn hộ TĐC về bố trí cho dân.

TPHCM đang triển khai nhiều dự án trọng điểm. Do vậy quỹ nhà TĐC không chỉ phục vụ riêng cho từng dự án, mà phải tính đến các dự án khác trên địa bàn. Quỹ nhà TĐC phải tồn tại song song với dự án trong quá trình triển khai, thông thường là 3-4 năm.

Sau khi dự án hoàn thành, nếu người dân chọn phương thức nhận tiền tự lo chỗ ở mới, quỹ nhà dư ra, TP sẽ tính toán dùng quỹ nhà cho các dự án sau, hoặc kiến nghị cơ quan chức năng cho phép bán đấu giá thu hồi vốn.

Tuy nhiên, ít năm sau chính sách lại thay đổi. Lúc này theo quy định pháp luật, giải tỏa phải bồi thường theo giá trị thị trường, giá nhà TĐC cũng cao bằng giá thị trường, nên người dân muốn nhận tiền để tự lựa chọn nơi ở, dẫn đến việc dư thừa các khu TĐC.

Một nguyên nhân nữa là quy định khi muốn giải tỏa nơi nào, yêu cầu phải có nhà TĐC trước khi di dời người dân, nên TP phải chuẩn bị quỹ nhà TĐC lớn. Điều này khiến quỹ nhà TĐC do Nhà nước chuẩn bị dư ra.

Thực trạng căn hộ TĐC dôi dư hiện nay còn mang tính lịch sử. 20 năm trở lại đây chúng ta thực hiện hàng trăm dự án, nhưng không phải dự án nào cũng sử dụng hết quỹ nhà TĐC, có cái thiếu có cái thừa rồi cộng dồn lại thành ra con số hiện nay.

Khắc phục hậu quả

TĐC không chỉ giải quyết chỗ ở, mà còn giải quyết nơi ở cho người dân với không gian sống phù hợp và đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, cũng như các chính sách an sinh xã hội tiếp theo như đào tạo nghề, giải quyết việc làm…

Vì thế, trong quá trình TĐC, lãnh đạo TP và các sở, ban ngành, quận huyện đã rút ra được nhiều bài học. Trong đó không thể giải quyết cơ học bằng việc bố trí người dân từ địa bàn này đến địa bàn xa, không thuận tiện cho sinh hoạt và công việc. Thay vào đó, cần phải TĐC tại chỗ, đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho người dân.

Trước kia khi giải tỏa một dự án, chúng ta chỉ điều tra về mặt pháp lý của căn nhà, không quan tâm đến đời sống công ăn việc làm của người dân sau khi bị giải tỏa chuyển về nơi ở mới, để từ đó có những dự báo đưa ra các giải pháp chưa phù hợp. Lấy đơn cử chuyện dư thừa và hoang tàn khu TĐC Vĩnh Lộc B đã để lại bài học xương máu về công tác giải tỏa, đền bù.

Lúc đó chúng ta không tính đến việc người dân quận 1, quận 6 khi về Bình Chánh làm nghề gì để sống? Còn nay sẽ phải điều tra xã hội học, dự báo nhu cầu hình thức TĐC, xây dựng nhà ở xã hội cho thuê. Cụ thể, phải đổi mới công tác dự báo nhà TĐC trên cơ sở điều tra xã hội học liên quan đến các hộ dân bị giải tỏa, để có chính sách phù hợp hơn cho người dân bị giải tỏa.

Gần 4.000 căn tại khu TĐC Thủ Thiêm sẽ được bán đấu giá để thu hồi ngân sách.

Chính sách thiết thực hơn

Bên cạnh đó là phát triển loại hình nhà ở xã hội cho thuê để đáp ứng nhu cầu người dân, đặc biệt là các hộ dân bị giải tỏa nhưng không đủ điều kiện để bố trí TĐC. Hiện tại, TPHCM đã được Chính phủ chấp thuận đấu giá 5.222 căn hộ, nền đất bán sang nhà ở thương mại. Đồng thời cho tổ chức đấu giá bổ sung 184 căn hộ không còn nhu cầu sử dụng.

Bởi lẽ, khu TĐC mới Thủ Thiêm được cho là đất vàng, việc áp dụng chuyển đổi thành nhà ở thương mại nhằm tăng thêm giá trị tiền để bù vào khoản lãng phí là hợp lý. Hay đối với khu TĐC Vĩnh Lộc B, cách hay nhất là chuyển thành nhà ở xã hội để tạo điều kiện cho người thu nhập thấp, người trẻ về đây sinh sống.

Qua đó, tạo ra khu đô thị vùng ven sinh động hơn. Hơn nữa, đất ở Vĩnh Lộc còn trống, nên chúng ta hoàn toàn có thể cho chủ đầu tư nâng cấp quy mô theo quy định dự án nhà ở xã hội.

Về các nguồn nhà TP đem bán đấu giá là các dự án TP đã bỏ tiền mua lại từ các doanh nghiệp, hoặc dự án đó đã được đầu tư thực hiện từ ngân sách nhà nước, nay không có nhu cầu sẽ bán đấu giá. Chẳng hạn trường hợp dự án của liên danh Thuận Việt- Sacomreal, TP chưa trả tiền cho doanh nghiệp, nên tài sản vẫn là của doanh nghiệp. Nay TP không có nhu cầu nữa, nên doanh nghiệp tự kinh doanh.

Tuy nhiên, TP sẽ tính toán phần tiền sử dụng đất theo giá thị trường để thu ngân sách cho Nhà nước.

Nhà tái định cư thiếu thực tế: Người dân chê không ở

Trần Trọng Tuấn (SGĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.