Nóng giá cát xây dựng
Theo báo cáo diễn biến thị trường vật liệu xây dựng của Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng), trong tháng 6/2025, giá cát xây dựng tăng từ 30-58,45% so với tháng trước. Đồng thời, giá đá xây dựng tăng từ 7,3-11,1%. Đây là mức tăng đột biến trong bối cảnh thị trường vật liệu đang bước vào mùa cao điểm xây dựng.
Tại nhiều tỉnh thành, giá cát hiện phổ biến quanh mức 700.000-800.000 đồng/m3, có nơi vượt 1 triệu đồng/m3. Giá đá xây dựng cũng tăng thêm từ 50.000-100.000 đồng/m3 so với cùng kỳ.
Lý giải nguyên nhân khiến giá cát và đá tăng mạnh, Viện Kinh tế xây dựng cho rằng nguồn cung suy giảm là yếu tố chủ yếu. Nhiều mỏ vật liệu phải dừng khai thác vì hết hạn giấy phép, xảy ra sạt lở, chồng lấn ranh giới hoặc chủ động ngừng khai thác do các vấn đề pháp lý.
Trong khi đó, nhu cầu xây dựng tại nhiều địa phương tăng cao, đặc biệt ở các khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh, dẫn đến mất cân đối cung - cầu trên thị trường.
Trong tháng 6/2025, giá cát xây dựng tăng từ 30-58,45% so với tháng trước đó
Tương tự, giá nhựa đường tăng 200 đồng/kg các loại, tăng 0,16-0,33% so với tháng trước. Nguyên nhân giá nhựa đường tăng là do ảnh hưởng giá xăng dầu và chi phí vận chuyển.
Giá gạch tuynel hiện đang dao động từ 1.600-1.900 đồng/viên, tăng gần gấp đôi so với mức giá từ đầu năm.
Giá thép xây dựng bình quân tháng tăng 100.000-270.000 đồng/tấn tùy các loại và từng vùng, tính trung bình tăng 1,2% so với tháng 5/2025.
Mới đây, nhiều doanh nghiệp thép lớn tại Việt Nam đã thông báo điều chỉnh giá bán sản phẩm thép cây và thép cuộn.
Theo thống kê của SteelOnline, tính đến ngày 1/7, giá thép xây dựng trong nước đang dao động từ:
- Thép Hòa Phát: 13,1-13,5 triệu đồng/tấn
- Thép Việt Ý: 13,2-13,5 triệu đồng/tấn
- Thép Việt Đức: 13-13,3 triệu đồng/tấn
- Thép TungHo: 13,4-13,6 triệu đồng/tấn
- Thép Pomina: 14,3-14,4 triệu đồng/tấn
- Thép miền Nam: 14,1-14,2 triệu đồng/tấn
Trong giai đoạn này, giá xi măng ổn định, không biến động so với tháng trước. Các dây chuyền sản xuất xi măng đủ đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu ra các nước trên thế giới. Mặc dù chi phí sản xuất cũng tăng lên nhưng do lượng cung lớn, các nhà máy sản xuất phải cân đối để đạt được lợi nhuận.
Trước đó, tháng 4/2025, nhiều doanh nghiệp lớn như Vicem Bỉm Sơn, Vicem Bút Sơn, Vicem Hoàng Mai, The Vissai, Xuân Thành và Vĩnh Sơn… đã đồng loạt điều chỉnh tăng giá bán thêm 50.000 đồng/tấn đối với cả xi măng bao và xi măng rời. Đây là lần tăng giá bán xi măng thứ 3 tính từ đầu năm 2025 đến nay. Hiện giá xi măng đang ở mức 1,4-1,6 triệu đồng/tấn.
Theo nhận định của Viện Kinh tế xây dựng, nhìn chung trong tháng 6/2025, các loại vật liệu xây dựng như xi măng, thép, nhựa đường ổn định, không biến động nhiều so với tháng trước, chỉ có giá cát và đá xây dựng tăng cao.
Tính chung trong tháng 6, giá vật liệu biến động khiến giá trị các loại công trình xây dựng tăng từ 0,68% đến 3,14% so với tháng trước.
Tăng cường quản lý, bình ổn giá vật liệu xây dựng
Theo Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, giá vật liệu xây dựng trong nửa cuối năm 2025 sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như chính sách tài chính, sự mất cân đối cung - cầu, chi phí năng lượng tăng cao và biến động của thị trường bất động sản. Các doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm nguồn cung ổn định, tăng cường dự trữ vật liệu cho các dự án để giảm thiểu rủi ro do biến động về giá.
Người dân, doanh nghiệp xây dựng gặp khó vì giá cát, vật liệu tăng cao
Để kịp thời chấn chỉnh, xử lý, khắc phục các hạn chế, bình ổn giá vật liệu xây dựng và đảm bảo tiến độ thi công các công trình trọng điểm cũng như đáp ứng nhu cầu xây dựng các công trình dân sinh, nhà ở của người dân, các dự án bất động sản, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 85/CĐ-TTg về việc tăng cường các giải pháp quản lý, bình ổn giá vật liệu xây dựng.
Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Xây dựng đôn đốc, phối hợp chặt chẽ với các địa phương theo dõi, nắm bắt thường xuyên diễn biến thị trường, biến động giá vật liệu xây dựng trên thị trường. Việc này nhằm chủ động có giải pháp giảm giá kịp thời, hiệu quả nhất là vật liệu xây dựng, cát, đá, sỏi, gạch, vật liệu san nền, đắp nền đường…
Khẩn trương cho rà soát, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương rà soát, đánh giá, tổng hợp nhu cầu vật liệu xây dựng trên địa bàn; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương quy hoạch, xác định các mỏ, các nguồn cung, công suất, khả năng cung cấp để bảo đảm cân đối cung cầu.
Tăng cường hướng dẫn các địa phương kịp thời cập nhật, công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng thuộc địa bàn quản lý, đảm bảo phản ánh đúng chi phí cấu thành giá vật liệu và phù hợp với mặt bằng giá thị trường.
Bộ Công Thương được yêu cầu chỉ đạo cơ quan chức năng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý hàng hoá vật liệu xây dựng. Xử lý triệt để hàng hoá vật liệu xây dựng không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan điều tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi thao túng thị trường, đầu cơ trục lợi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng và các hành vi bao che, bảo kê, tham nhũng, làm ngơ để tình trạng vi phạm tái diễn, không xử lý triệt để.
Thanh tra Chính phủ khẩn trương xác định và tiến hành ngay việc thanh tra các nguồn cung cấp vật liệu xây dựng thông thường tại các địa bàn trọng điểm và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành khẩn trương rà soát, đánh giá, tổng hợp nhu cầu vật liệu xây dựng trên địa bàn; quy hoạch, xác định các mỏ, đẩy nhanh việc cấp phép và kiểm soát việc kê khai, niêm yết giá theo quy định, đảm bảo công khai, minh bạch, tránh các hiện tượng “đầu cơ, thổi giá”.
Các địa phương kịp thời cập nhật, công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng đảm bảo phản ánh đúng chi phí cấu thành giá vật liệu và phù hợp với mặt bằng giá thị trường.
-
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an vào cuộc điều tra việc thao túng thị trường vật liệu xây dựng
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an phối hợp điều tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi thao túng thị trường, đầu cơ trục lợi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng. Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ khẩn trương xác định và tiến hành ngay việc thanh tra các nguồn cung cấp vật liệu xây dựng thông thường tại các địa bàn trọng điểm.
-
Cập nhật giá vật liệu xây dựng tháng 5/2025: Cát xây dựng tiếp tục là điểm nóng
Thị trường vật liệu xây dựng tháng 5/2025 tiếp tục ghi nhận những biến động đáng chú ý, trong đó giá cát xây dựng tiếp tục tăng mạnh và trở thành tâm điểm của toàn ngành.
-
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an vào cuộc điều tra việc cung ứng vật liệu xây dựng
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an vào cuộc điều tra việc cung ứng vật liệu đắp cho các dự án trọng điểm khu vực phía Nam. Bên cạnh đó, các địa phương được yêu cầu khẩn trương giao nhà thầu trực tiếp các mỏ để chủ động về nguồn vật liệu đáp ứng tiến độ hoàn thành dự án.








-
Chủ đầu tư, nhà thầu “oằn lưng” với giá vật liệu
Giá vật liệu xây dựng tăng mạnh dẫn đến nhiều công trình bị ngừng trệ, gây khó khăn cho các nhà thầu xây dựng, ảnh hưởng tới chủ đầu tư và có nguy cơ làm tăng giá nhà trong thời gian tới.
-
Xi măng, kính và các vật liệu xây dựng sẽ có nhãn năng lượng: Lợi ích gì cho công trình của bạn?
Các dự án bất động sản, đặc biệt là công trình nhà ở để bán hoặc cho thuê sẽ từng bước phải công bố mức tiêu thụ năng lượng, mức phát thải tương ứng. Điều này giúp người dân có thể lựa chọn công trình tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường....
-
Mỏ cát ở Quảng Nam định giá gần 2 tỷ, được đấu giá lên đến 138 tỷ
Một mỏ cát tại huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) có trữ lượng gần 197.000m3, giá khởi điểm hơn 1,8 tỷ đồng, vừa được doanh nghiệp trúng đấu giá với mức hơn 138 tỷ đồng, cao gấp 77 lần so với mức giá khởi điểm....