Gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng được ban hành đã tạo tâm lý phấn chấn cho thị trường bất động sản và những người có nhu cầu mua nhà ở. Tuy nhiên, để gói hỗ trợ này có sức lan tỏa đến toàn thị trường, các bộ, ngành và chính quyền địa phương cần phải hành động quyết liệt hơn nữa.

Từ khi có Luật Nhà ở năm 2005 đến nay, hành lang pháp lý cho thị trường bất động sản đã tương đối đồng bộ và hoàn chỉnh, giúp thị trường bất động sản Việt Nam phát triển. Tuy nhiên, dù đã có những bước phát triển và đạt được những kết quả khả quan, nhưng hiện nay thị trường bất động sản vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng nhà ở của đa số người dân, nhất là bộ phận người có thu nhập thấp và cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang.

Theo số liệu của Sở Xây dựng TP. HCM, hiện trên địa bàn Thành phố có khoảng 150.000 công chức, viên chức, chiến sỹ… đủ điều kiện mua, thuê mua nhà ở xã hội, chưa tính đến những đối tượng có thu nhập thấp. Đến nay, UBND TP. HCM đã chấp thuận cho khoảng 25 dự án với khoảng 21.000 căn hộ phục vụ cho đối tượng nhà ở xã hội, trong đó, có một số dự án đã đưa vào sử dụng, một số đang thi công và một số dự án đang thực hiện hồ sơ pháp lý. Dự kiến, đầu tháng 6 này, Thành phố sẽ có khoảng 2.400 căn hộ nhà ở xã hội được hoàn thành và đưa ra thị trường.

Trong những năm qua, quá trình đô thị hóa, dân số tăng nhanh, nhất là dân số ở các khu đô thị lớn như TP. HCM và Hà Nội khiến nhu cầu về nhà ở tăng lên, đặc biệt là cho đối tượng cán bộ công chức, người có thu nhập thấp. Do vậy, việc giải quyết nhà ở cho các đối tượng này đang là một vấn đề rất bức xúc hiện nay. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, các doanh nghiệp chỉ chạy theo lợi nhuận, phát triển các dự án nhà ở cao cấp, khiến thị trường bất động sản mất cân đối. Đến khi kinh tế khó khăn, tín dụng bị thắt chặt, thị trường bất động sản đóng băng đã khiến hàng tồn kho tăng cao, trong khi các đối tượng có nhu cầu thực về nhà ở không thể mua được nhà. Trước thực trạng trên, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, trong đó, ưu tiên cho các dự án nhà ở xã hội, cho phép chuyển đổi công năng từ nhà ở thương mại sang làm nhà ở xã hội, cho phép chia nhỏ căn hộ lớn thành các căn hộ nhỏ. Mặt khác, Nhà nước cũng đã tạo điều kiện khuyến khích các doanh nghiệp phát triển nhà ở thương mại để bán, cho thuê, cho thuê mua theo cơ chế thị trường, nhằm đáp ứng nhu cầu của các đối tượng có khả năng chi trả, đồng thời có cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở để giải quyết cho các nhóm đối tượng chính sách xã hội gặp khó khăn về nhà ở, nhưng không đủ khả năng thanh toán theo cơ chế thị trường.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu “Phấn đấu đến năm 2015 xây dựng tối thiểu 10 triệu m2 nhà ở xã hội” (theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở của nhóm đối tượng nêu trên, thì cần thiết các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt thực hiện để đưa các cơ chế, chính sách của Nhà nước sớm đi vào thực tiễn. Cụ thể:

Các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Xây dựng và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở ban ngành, quận huyện trực thuộc đẩy nhanh các thủ tục pháp lý liên quan đến dự án để chủ đầu tư sớm triển khai xây dựng dự án nhà ở xã hội.

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành đề xuất với Chính phủ duy trì hàng năm việc giải ngân khoản cho vay tái cấp vốn 30.000 tỷ đồng.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đặc biệt là TP. HCM và Hà Nội xem xét hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong phạm vi dự án cho chủ đầu tư, nhằm giảm giá thành sản phẩm.

Giới hạn thời gian chuyển nhượng nhà ở xã hội theo hình thức thuê mua sau 5 năm kể từ khi ký hợp đồng và nhà đó đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, thay vì 10 năm như hiện nay. Đồng thời, được quyền thế chấp chính căn hộ này để thanh toán tiền mua cho chủ đầu tư.

Nên mở rộng đối tượng được hưởng ưu đãi tín dụng cho chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại giá rẻ, có diện tích nhỏ hơn 70 m2 với giá thành dưới 15 triệu đồng/m2 được vay vốn ưu đãi với mức lãi suất không quá 8%/năm và chỉ định tất cả các ngân hàng trên toàn quốc tham gia chương trình này.

TS. Trương Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam
Đầu tư chứng khoán
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.