06/04/2025 8:19 AM
Ngày 4/4, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã tổ chức họp giao ban khối Lâm nghiệp nhằm thảo luận các tác động từ việc Mỹ áp thuế đối với gỗ Việt Nam cũng như các giải pháp nhằm ứng phó trong bối cảnh thị trường xuất khẩu chủ lực bị siết chặt.

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Ngô Sỹ Hoài cho biết, so với các ngành hàng khác, gỗ và sản phẩm gỗ nằm trong nhóm được dự báo chịu ảnh hưởng nhiều nhất của sắc thuế mới.

Năm 2024, xuất khẩu các sản phẩm gỗ sang Mỹ chiếm trên 55% tổng kim ngạch của ngành, cao gần gấp đôi so với mức bình quân của cả nền kinh tế vào khoảng 30%.

Trong 2 tháng đầu năm 2025, tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 2,45 tỷ USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, Mỹ vẫn là thị trường dẫn đầu, với 1,3 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2024.

Nhiều mặt hàng gỗ xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên, như: ghế ngồi đạt 2,78 tỷ USD (chiếm 31,6% giá trị xuất khẩu gỗ sang Mỹ); đồ nội thất bằng gỗ khác khoảng 1,53 tỷ USD (chiếm 17,4%); đồ gỗ nội thất phòng ngủ 1,19 triệu USD (tương đương 13,5%); đồ gỗ nội thất phòng bếp 1 tỷ USD (chiếm 11,5%)...

Các nhà sản xuất đồ gỗ Việt họp, tìm giải pháp trước áp lực thuế quan từ Mỹ- Ảnh 1.

Các nhà sản xuất đồ gỗ Việt Nam bàn biện pháp nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ Mỹ

“Hiệp hội đã lường trước khả năng Mỹ nâng thuế lên các mặt hàng này, nhưng dự báo chỉ ở mức 25%. Việc áp thuế đối ứng 46% khiến tất cả chúng tôi bất ngờ", lãnh đạo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam chia sẻ và cho biết đây là thách thức nhưng cũng là động lực để doanh nghiệp triệt để thay đổi mô hình tăng trưởng.

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết hiện các doanh nghiệp vẫn đang chờ Chính phủ đứng ra đàm phán để Mỹ xem xét giảm bớt rào cản thương mại, đồng thời có những chính sách hài hòa lợi ích với cả hai bên.

Trước mắt, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam khuyến nghị các doanh nghiệp cần chú ý đến những thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Trung Quốc vì hai thị trường này chúng ta mới chủ yếu xuất khẩu viên nén, dăm gỗ.

Đồng thời tăng cường chế biến để có sản phẩm tinh xảo hơn, giá trị hơn nhằm khẳng định được thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế.

Về lâu dài, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm nghiên cứu chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư sang Mỹ. Đây là điều mà Tổng thống Mỹ Donald Trump hoan nghênh và Việt Nam có nhiều cơ hội, bởi nhu cầu về sản phẩm gỗ tại đây rất lớn.

“Ngoài ra, Mỹ miễn thuế với một số mặt hàng đạt tỉ lệ nhất định về nội địa hóa, hoặc có nguyên liệu xuất xứ từ Mỹ. Nếu nhập nguồn gỗ nguyên liệu từ Mỹ, chế biến, rồi xuất khẩu ngược lại, chúng ta có thể được hưởng ưu đãi về thuế” Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam thông tin.

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Quốc Trị giao Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm sớm tổng hợp dữ liệu, báo cáo các vấn đề liên quan tới thuế đối ứng mà Mỹ đưa ra. Trong đó, làm rõ việc doanh nghiệp ngành gỗ sẽ bị ảnh hưởng như thế nào.

“Chúng tôi sẽ tham mưu với Chính phủ và sớm làm việc với các hiệp hội để tìm ra giải pháp thích ứng”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhấn mạnh.

Thiên An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.