24/08/2022 10:11 AM
Xứ sở vạn đảo Indonesia với đường xích đạo chạy ngang qua đang sở hữu những tiềm năng to lớn để thu hút vốn đầu tư, trong đó có cả lĩnh vực kinh doanh bất động sản.

Về mặt địa lý, Indonesia nằm giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, giữa châu Á và châu Đại Dương, trên một tuyến đường giao thương chiến lược. Về dân số, Indonesia là quốc gia đông dân thứ tư thế giới. Những lợi thế này khiến Indonesia được dự báo sẽ trở thành một cường quốc kinh tế mới.

Chủ tịch của quỹ đầu tư Hamershlag Private, Mychal Jefferson, đã giải thích điều này trong Diễn đàn Đầu tư Indonesia:

“Indonesia là cường quốc kinh tế lớn thứ 4 thế giới nếu xét về mặt địa lý, dân số và tài nguyên thiên nhiên”, trang web MediaIndonesia.com dẫn lời của Jefferson cho biết.

Điều này cũng có tác động mạnh mẽ đến môi trường đầu tư bất động sản tại quốc gia này. Câu hỏi đặt ra là, thị trường bất động sản Indonesia sẽ ra sao sau đại dịch Covid-19?

Indonesia là điểm đến về đầu tư bất động sản

Trong báo cáo Cập nhật Thị trường Bất động sản Jakarta, công ty tư vấn bất động sản JLL Indonesia cho rằng quốc gia này vẫn sẽ là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư sau đại dịch.

Ông James Allan, Tổng giám đốc của JLL Indonesia, giải thích: “Indonesia sẽ tiếp tục là một điểm đến thu hút dòng vốn đầu tư nhờ vào triển vọng kinh tế - xã hội”.

Theo ông, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang tích cực tìm kiếm cơ hội trong một số loại hình bất động sản như hậu cần, trung tâm dữ liệu và nhà ở.

Không chỉ thu hút các nhà đầu tư phương Tây, thị trường bất động sản Indonesia còn là điểm đến đang lên với các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Dễ dàng thấy rằng Indonesia và Việt Nam có nhiều đặc điểm tương đồng. Hai quốc gia nhiệt đới này đều được mệnh danh là đất nước nông nghiệp trù phú và xinh đẹp. Kinh tế Indonesia và Việt Nam cùng dựa vào các mũi nhọn như công nghiệp, du lịch và khai thác mỏ. Nếu lấy thủ đô làm tiêu chuẩn để đánh giá thì cả hai quốc gia này đều đang phát triển nhanh chóng.

Về khả năng kết nối, nhiều hãng hàng không quốc tế đã mở đường bay thẳng khứ hồi Jakarta - Hà Nội với giá cả tương đối bình dân. Điều này cũng phù hợp với bối cảnh khả năng miễn dịch được cải thiện và số ca mắc Covid-19 ở Indonesia đã giảm.

Allan cho rằng việc mở rộng cơ sở hạ tầng, vốn vẫn là ưu tiên của chính phủ Indonesia, cũng có tác động tích cực đến sự phát triển tại các thành phố lớn.

Ông nói: “Mặc dù Jakarta vẫn là tâm điểm thu hút vốn đầu tư, việc xây dựng các đoạn đường thu phí mới được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản tại các thành phố khác”.

Một cuộc khảo sát của Ngân hàng Indonesia cho thấy giá nhà ở trên thị trường sơ cấp của Indonesia đã tăng trưởng tích cực kể từ năm 2021. Điều này cũng được phản ánh trong Chỉ số Giá Nhà của Indonesia (IHPR) trong Q4/2021, với mức tăng 1,47% so với cùng kỳ năm trước đó.

Xu hướng của thị trường bất động sản Indonesia

Những triển vọng to lớn kể trên đã thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường bất động sản Indonesia từ rất sớm.

Dưới đây là một số điểm đến về đầu tư bất động sản nổi bật tại Indonesia.

Thủ đô Jakarta

Jakarta là thủ đô và trung tâm kinh tế lớn nhất của Indonesia.

Công ty tư vấn bất động sản Colliers International Indonesia cho rằng, đà phục hồi kinh tế sẽ làm tăng niềm tin của doanh nghiệp và nâng cao tâm lý tích cực đối với thị trường bất động sản cho thuê.

Theo công ty này, trong Q2/2022, các tòa nhà văn phòng tại quận tài chính trung tâm của Jakarta đạt tỷ lệ lấp đầy trung bình là 74,9%. Trong khi đó, khu vực ngoài trung tâm duy trì kết quả ổn định ở mức 75,4%.

Đảo Java

Bất động sản công nghiệp cũng là một lĩnh vực đang phát triển ở Indonesia.

Dựa trên số liệu của Bộ Công nghiệp, đảo Java sở hữu 18.752,45 héc-ta đất công nghiệp, chiếm khoảng 59,26% tổng diện tích đất công nghiệp trên toàn quốc.

Cơ sở hạ tầng là động lực chính giúp bất động sản công nghiệp tại đảo Java thu hút nhà đầu tư. Đối với họ, Java là nơi có các cơ sở hạ tầng phụ trợ chính như đường thu phí và cảng biển. Điều này cũng góp phần thúc đẩy tốc độ phát triển của thị trường nhà ở thế chấp tại các khu vực xung quanh.

Đảo Sumatra

Đảo Sumatra cũng có tiềm năng về đầu tư bất động sản không thua kém gì đảo Java.

Điển hình là Batam, thành phố lớn nhất ở tỉnh Riau Islands, đang mang đến nhiều cơ hội to lớn cho các nhà đầu tư bất động sản. Thành phố này có biệt danh là Bandar Dunia Madani, là tam giác giao thương giữa Indonesia, Malaysia và Singapore. Batam sở hữu vị trí chiến lược với nhiều cảng biển nhất Indonesia, trong đó phải kể đến Cảng Quốc tế Sekupang, Cảng Trung tâm Batam và Cảng Nongsa Pura.

Batam cũng được coi là thiên đường mua sắm với hàng loạt trung tâm thương mại. Ngoài cơ sở hạ tầng phát triển, Batam còn là một trung tâm kinh doanh đầy hứa hẹn nhờ chính sách phi thuế quan.

Một thành phố triển vọng khác ở Sumatra là Medan, nổi tiếng với du lịch ngắm cảnh hồ Toba và là điểm nghỉ dưỡng chính của du khách nước ngoài. Các yếu tố này tạo ra tương lai đầy hứa hẹn cho hoạt động cho thuê bất động sản của Indonesia.

Đảo Borneo

Kalimantan thuộc khu vực đảo Borneo sở hữu nhiều đặc điểm để thu hút vốn đầu tư bất động sản. Gần đây nhất, chính phủ Indonesia đã quyết định chuyển thủ đô từ Jakarta về huyện Penajam Paser Utara nằm ở khu vực Đông Kalimantan. Thủ đô mới sẽ được xây dựng ngay trên đảo Borneo, mang tên Nusantara với tổng diện tích đất dự kiến là 256.142 héc-ta và diện tích biển là 68.189 héc-ta. Quá trình xây dựng thủ đô mới sẽ diễn ra theo 5 giai đoạn, kéo dài từ năm 2022 đến năm 2045.

Đảo Sulawesi

Đảo Sulawesi là cái tên tiếp theo trong danh sách các điểm đến đầu tư bất động sản hấp dẫn nhất tại Indonesia.

Trên hòn đảo này có thành phố Makassar, một trong những trung tâm kinh doanh lớn nhất của cả nước. Makassar có cơ sở hạ tầng và giao thông hoàn chỉnh, bao gồm cả cảng container. Sự phát triển của hệ thống hạ tầng và tiện ích mang lại cho thành phố này nhiều lợi thế, một trong số đó là giá bất động sản tăng lên đáng kể.

Ngoài Makassar, thành phố Manado cũng là một điểm đến đầu tư nhiều triển vọng nhờ có cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp và là một điểm du lịch hấp dẫn.

Các khu vực khác

Các khu vực như Bali, Tây Nusa Tenggara, Maluku, Papua đều là những điểm du lịch nổi tiếng thế giới, sở hữu khung cảnh tự nhiên và hệ sinh thái biển đa dạng.

Một báo cáo của Colliers International Indonesia trích dẫn số liệu từ Văn phòng Du lịch tỉnh Bali cho biết, tổng số khách quốc tế đến sân bay Ngurah Rai trong 4 tháng đầu năm 2022 là 74.268 lượt (với 80% đến vào tháng 4). Du khách Úc chiếm thị phần lớn nhất với 22,1%. Du khách Trung Quốc sụt giảm so với trước đại dịch, chủ yếu là do hạn chế ra nước ngoài của chính phủ. Xét theo khu vực, thị trường châu Á - Thái Bình Dương (bao gồm Đông Nam Á) vẫn mang lại nguồn khách lớn nhất cho Bali với tỷ lệ 43,8%, xếp sau là các nước châu Âu với 40,1%.

Sở hữu cảnh quan nhiên và nền văn hóa đa dạng cùng ngành du lịch đang tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất, Indonesia sẽ là thỏi nam châm thu hút vốn đầu tư trong lĩnh vực bất động sản khách sạn.

Quy định về sở hữu bất động sản đối với người nước ngoài tại Indonesia

Công dân nước ngoài được phép sở hữu nhà hoặc căn hộ ở Indonesia kể từ cuối năm 2015. Tuy nhiên, các quy định đặc biệt đã giới hạn quyền sở hữu và loại hình bất động sản mà họ được sở hữu.

Ban đầu, cơ sở pháp lý quy định quyền sở hữu bất động sản đối với người nước ngoài được nêu trong Quy định số 103 của chính phủ Indonesia ban hành vào năm 2015.

Các quy tắc này được cập nhật trong Quy định số 13 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Quy hoạch Không gian ban hành vào năm 2016.

Gần đây, cơ sở pháp lý liên quan được làm rõ hơn thông qua Quy định số 18 về Quy trình Áp dụng Quyền quản lý và Quyền đất đai của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Quy hoạch Không gian ban hành vào năm 2021.

Quyền sở hữu bất động sản của người nước ngoài tại Indonesia

Căn cứ theo các văn bản trên, quyền sở hữu nhà ở của người nước ngoài tại Indonesia được quy định như sau:

Theo các tài liệu trên, người nước ngoài được quyền sử dụng có thời hạn đối với đất đai thuộc sở hữu của nhà nước hoặc tư nhân; quyền sở hữu có thời hạn đối với các công trình xây dựng trên đất; và quyền sở hữu vĩnh viễn đối với các căn hộ.

Người nước ngoài chỉ cần đáp ứng một số yêu cầu khá đơn giản để có thể sở hữu bất động sản tại Indonesia. Đó là có giấy tờ nhập cảnh để đảm bảo tình trạng cư trú ở dạng thị thực, hộ chiếu hoặc giấy phép cư trú do các cơ quan liên quan cấp.

Quyền sử dụng hoặc quyền tài sản có thời hạn tối đa là 30 năm và được phép gia hạn thêm 20 năm. Chủ sở hữu bất động sản có thể xin cấp giấp phép mới thêm 30 năm tiếp theo hoặc phải chuyển nhượng bất động sản trong trường hợp ngược lại.

Hy vọng rằng bài viết này đã cung cấp cho độc giả những thông tin hữu ích về triển vọng và tiềm năng đầu tư bất động sản tại Indonesia.

Độc giả có thể tham khảo thêm các tin tức về thị trường bất động sản và cơ hội đầu tư vào Indonesia tại website Artin.rumah123.com.

Nếu muốn tìm một ngôi nhà mơ ước cho bản thân và gia đình tại Indonesia, độc giả vui lòng truy cập Rumah123.com.

Lam Vy (99co)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.