14/11/2023 12:46 PM
Nhận định trên được Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đưa ra khi phát biểu kết luận tại Hội nghị ‘Tín dụng đối với bất động sản và phát triển nhà ở xã hội” vừa diễn ra.

Theo Bộ trưởng Nghị, thị trường bất động sản đã có dấu hiệu tích cực hơn, đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn trước mắt cần vượt qua trong thời gian tới.

Về phía Bộ Xây dựng, sẽ phối hợp cùng các cơ quan của Quốc hội rà soát hoàn thiện hai dự án luật, đó là Luật Nhà ở sửa đổi và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi, tham gia có ý kiến Luật Đất đai, ban hành các văn bản hướng dẫn, rà soát những Nghị định, Thông tư để đơn giản hoá thủ tục cho người dân, doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho thị trường bất động sản.

Với đề án hướng tới 1 triệu nhà ở xã hội, sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính để tháo gỡ khó khăn liên quan đến tín dụng, thị trường trái phiếu… nghiên cứu đề xuất cơ chế để tạo lập nguồn vốn ổn định cho thị trường bất động sản.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: SBV

Theo bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 9/2023, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản của các tổ chức tín dụng đạt 2,74 triệu tỷ đồng, tăng 6,04% so với 31/12/2022, chiếm tỷ trọng 21,46% tổng dư nợ đối với nền kinh tế.

Trong đó, tín dụng bất động sản tập trung vào mục đích tiêu dùng/tự sử dụng chiếm 64% và dư nợ đối với hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm tỷ trọng 36% dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản

Bà Giang nhận định, trong 9 tháng đầu năm, tín dụng kinh doanh bất động sản có sự tăng trưởng rất cao tăng 21,86% cao hơn tỷ lệ tăng trưởng tín dụng chung và cùng kỳ năm trước, điều này có thể cho thấy các giải pháp, nỗ lực của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản đang dần phát huy hiệu quả.

Rất ít những căn hộ có giá dưới 25 triệu đồng/m2

Phát biểu tại Hội nghị, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, tình hình thị trường bất động sản theo các đại biểu phát biểu có dấu hiệu khởi sắc hơn, đặc biệt theo đánh giá lại thị trường qua thời điểm khó khăn nhất đang dần hồi phục, các khó khăn, vướng mắc, dần được tháo gỡ.

Tuy nhiên, thị trường vẫn còn gặp khó khăn vướng mắc. Nhiều ý kiến đánh giá vướng mắc quan trọng nhất và chiếm tỷ lệ cao nhất trên 70% đó là vướng mắc về mặt pháp lý.

Ngoài ra, thị trường mất cân đối cung cầu lớn, nguồn cung chủ yếu là phân khúc cao cấp và trung cấp. Phân khúc cấp thấp phục vụ cho người dân thu nhập thấp còn hạn chế. Theo tổng hợp của đơn vị chức năng Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng thì gần như những căn hộ giá dưới 25 triệu đồng/m2 rất ít.

Đây là điểm lớn, cho nên phát triển thị trường bất động sản an toàn lành mạnh, bền vững đòi hỏi phải có giải pháp về phía cung, đó là đòi hỏi các chính sách tăng cung nhà ở xã hội. Hiện, Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt Bộ Xây dựng làm đầu mối phối hợp các địa phương có nhiều giải pháp chương trình triển khai.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh: SBV

Về phía cầu, cầu vay mua nhà của người có thu nhập thấp, công nhân vẫn rất thấp. Qua đánh giá thấy thu nhập của người dân, công nhân rất thấp và đặc biệt là sau đại dịch Covid-19 lại càng khó khăn.Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết rất chú ý thông tin của Cục Quản lý nhà ở cung cấp, đó là 50% nhu cầu nhà ở không thể chuyển sang nhu cầu đi vay được.

Đối với cầu mua nhà để đầu tư, Thống đốc cho rằng, vấn đề niềm tin vô cùng quan trọng. Niềm tin sẽ giải quyết bằng yếu tố pháp lý. Nếu pháp lý được giải quyết thì nhà đầu tư sẽ yên tâm khi mua nhà. Ngoài ra, tính minh bạch của các dự án hay vấn đề về giá cũng có thể khuyến khích cầu đầu tư vào nhà ở.

Để tháo gỡ khó khăn trên, Thống đốc đề nghị các bộ, ngành địa phương cần tập trung ưu tiên giải quyết vấn đề pháp lý liên quan đến thủ tục đầu tư, thủ tục đấu thầu nhất là đối với các dự án nhà ở xã hội hay các vấn đề giải ngân, cấp tín dụng, giải pháp về tín dụng, lãi suất…

Về phía các doanh nghiệp, tập đoàn cũng cần quản trị doanh nghiệp, cân đối giữa mục tiêu lợi nhuận, cơ cấu sản phẩm, cân nhắc về giảm giá bán… thì lúc đó cùng với các giải pháp của các bộ, ngành, địa phương sẽ khuyến khích được nhu cầu đầu tư của thị trường này.

Về nguồn vốn tín dụng, vấn đề cho vay, các thủ tục, lãi suất, tài sản đảm bảo… Thống đốc đề nghị các tổ chức tín dụng cân đối nguồn vốn của mình để tích cực cung ứng nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế nói chung, trong đó có thị trường bất động sản nói riêng.

Thống đốc yêu cầu các Tổ chức tín dụng tiếp tục xem xét, rà soát thủ tục để rút ngắn nhất có thể thời gian phê duyệt tín dụng, nhưng đồng thời cũng yêu cầu đòi hỏi các doanh nghiệp phải sẵn sàng minh bạch các hồ sơ, rõ ràng và lành mạnh trong hoạt động.

Về lãi suất, bà Hồng cho biết, doanh nghiệp bao giờ cũng mong muốn lãi suất tiếp tục giảm, cho vay mới hiện nay đã giảm 0,5%, còn mặt bằng lãi suất cũ và mới có giảm, theo các ngân hàng có báo cáo cũng cần phải theo các kỳ hạn của người gửi tiền. Đó là điểm các ngân hàng giải thích tại sao lãi suất cho vay bất động sản dài hạn vẫn còn cao là do nhu cầu vốn, chủ yếu là nguồn vốn ngắn hạn, phải tuân thủ quy định về giới hạn an toàn là rất quan trọng.

Bà Hồng cho biết, mặt bằng lãi suất đã giảm về mặt bằng trước thời điểm Covid-19. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục chỉ đạo các tổ chức cần phải tiết giảm các chi phí, ứng dụng công nghệ để có thể tiếp tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp uy tín, tín nhiệm để vay vốn.

  • Doanh nghiệp bất động sản kêu lãi suất cao, ngân hàng nói gì?

    Doanh nghiệp bất động sản kêu lãi suất cao, ngân hàng nói gì?

    Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Vietcombank, lãi vay phụ thuộc vào năng lực tài chính mỗi ngân hàng. Tinh thần chung các ngân hàng đều giảm lãi suất cho vay, song việc giảm đến đâu còn phụ thuộc vào cơ cấu nguồn vốn của ngân hàng, nếu cơ cấu nguồn vốn giá cao thì phải cho vay lãi suất cao.

Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.