Ảnh minh hoạ
Tiềm năng vẫn dồi dào
Ngành du lịch Việt Nam những năm qua đã chứng kiến bước chuyển mình tích cực, với tốc độ tăng trưởng ổn định cả về lượt khách nội địa và khách quốc tế. Đây là một trong những tiền đề cơ bản giúp đảm bảo doanh thu cho các nhà đầu tư vào BĐS nghỉ dưỡng, thúc đẩy phân khúc này phát triển.
Số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch cho thấy, Việt Nam đã đón khoảng 15,5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 80 triệu lượt khách nội địa năm 2018. Trong 10 tháng của năm 2019, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt gần 14,5 triệu lượt, tăng 13% so với cùng kỳ 2018. Trong số đó, khách Trung Quốc và Hàn Quốc chiếm gần 56% lượng khách quốc tế đến Việt Nam.
Theo đánh giá của Tổng cục Du lịch, đây là mức tăng trưởng ấn tượng, cao hơn đáng kể mức bình quân chung của thế giới cũng như khu vực.
Đơn vị này dự báo đến năm 2020, Việt Nam sẽ đón 21 triệu lượt khách quốc tế, và đến 2025 con số này sẽ tăng lên 32 triệu lượt. Theo đó, đến năm 2020, dự báo cả nước cần 650.000-700.000 phòng lưu trú; đến năm 2025 cần có từ 950.000-1.050.000 phòng lưu trú.
Trước cơ hội lớn đến từ nguồn khách du lịch dồi dào, các doanh nghiệp bất động sản đã nhanh chóng nắm bắt, phát triển các khu nghỉ dưỡng nhằm đáp ứng nhu cầu lưu trú cho du khách, nhất là là tại các vùng có lợi thế về du lịch biển như Đà Nẵng, Nha Trang, Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu.
CBRE Việt Nam cho rằng, cùng với cú hích từ hệ thống cơ sở hạ tầng, nguồn khách du lịch gia tăng mạnh mẽ hằng năm sẽ là đòn bẩy kích thích sự phát triển bền vững cho phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.
Theo ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, trong trung và dài hạn, phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, nhất là khu vực ven biển sẽ vẫn là điểm sáng của thị trường. Mặc dù có dư địa phát triển lớn, miếng bánh trên thị trường bất động sản du lịch “rất ngon”, nhưng không phải ai cũng ăn được.
Ông Nam cho rằng, ngành du lịch trong nước và quốc tế đang có sự thay đổi rất nhanh, với nhiều cơ hội mở ra cho các chủ đầu tư, không chỉ tăng trưởng nhu cầu phòng mà còn tăng trưởng các đối tượng khách hàng mới.
Do đó, nếu đơn thuần chỉ phát triển một dự án theo kiểu truyền thống sẽ không đảm bảo tính cạnh tranh cũng như phù hợp với nhu cầu của khách hàng trong trung và dài hạn.
Cũng theo vị này, làn sóng đầu tư vào các thị trường mới đang lan rộng với sự dẫn dắt của các nhà phát triển du lịch, các doanh nghiệp quy mô lớn. Thay vì lướt sóng, nhiều nhà đầu tư đã tìm kiếm cơ hội dài hạn tại những tổ hợp bất động sản du lịch lớn có hệ sinh thái tiện ích hoàn thiện, có lợi thế phát triển kinh tế vùng theo hướng bền vững, nhằm đảm bảo cho khoản đầu tư gia tăng giá trị trong tương lai.
"Nhận diện được cơ hội đó, một số chủ đầu tư đã tiên phong nhập cuộc và sẵn sàng kiến tạo các loại hình sản phẩm mới, kết hợp các xu hướng mới vào dự án trong tương lai, hướng tới đa trải nghiệm cho khách hàng và tạo ra dấu ấn riêng cho dự án", ông Nam khẳng định.
Lối đi mới cho chủ đầu tư
GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, để phát triển một dự án bất động sản du lịch, mô hình hay sản phẩm phẩm mới, chủ đầu tư phải tạo ra được sự khác biệt để có thể cạnh tranh, thu hút du khách, giữ chân được du khách.
Theo ông, chủ đầu tư phải có dự án thoả mãn một số yếu tố như điểm khác biệt với các quốc gia trên thế giới, có kiến trúc đẳng cấp, khu vui chơi giải trí mới lạ, thỏa mãn không chỉ sự tiện dụng, tiện lợi, tiện nghi mà còn bao gồm cả yếu tố nhân văn.
“Có thể nói, khách du lịch chính là yếu tố quyết định sự thành công của một dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Doanh nghiệp phải hiểu được cốt lõi vấn đề này mới có thể thành công khi phát triển dự án”, ông Võ nhận định.
Ông cho biết, hiện chúng ta mới chỉ đáp ứng được các khách du lịch ngắn ngày từ Hàn Quốc, Trung Quốc sang, nhưng những khách này chỉ mang tính tham quan. Còn một nguồn khách tiềm năng hơn từ Âu Mỹ với xu hướng trải nghiệm về đời sống người dân bản địa, trải nghiệm mạo hiểm, chữa bệnh nhưng chưa được khai thác.
Trước sự chuyển dịch xu hướng du lịch nói trên, theo ông Võ, doanh nghiệp phát triển bất động sản hay các nhà đầu tư sẽ buộc phải thay đổi chiến lược mới, tạo ra các sản phẩm bất động sản du lịch không chỉ dừng lại căn hộ đơn độc mà phải có tính năng tạo ra sự trải nghiệm. Đó là các tổ hợp du lịch trải nghiệm quy mô lớn, đa chức năng, có khu vui chơi cho trẻ em, cho người lớn, khu casino...
“Nếu đi được theo hướng đó với khung pháp lý hiện đại, chúng ta có thể có cơ hội để phát triển một thị trường du lịch mạnh”, ông Võ nhấn mạnh.
Ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, cho rằng để thu hút được khách du lịch và phát triển loại hình bất động sản du lịch cần những “con sếu đầu đàn” về làm tổ. Những doanh nghiệp này phải là những người định hình chân dung du lịch ở các địa phương và xuyên suốt cho cả ngành.
Chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng để phát triển du lịch, trước tiên cần hướng tới các nhóm khách hàng du lịch bình dân. Bên cạnh đó, thị trường vẫn cần những khu nghỉ dưỡng, khách sạn 5 sao, các cơ sở hạ tầng, tiện ích để hướng tới phân khúc khách du lịch cấp cao.
-
Tương lai bất động sản nghỉ dưỡng sau cú sốc Cocobay
CafeLand - Từng là kênh đầu tư “hot” được nhiều người ồ ạt lao vào, thế nhưng condotel - một loại hình mới của bất động sản nghỉ dưỡng - lại đang trở thành nỗi lo của nhiều nhà đầu tư khi Cocobay “vỡ trận” không thể trả được lãi suất theo cam kết của người mua. Tương lai thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sẽ ra sao sau cú sốc này?
-
Bất động sản nghỉ dưỡng sẽ phục hồi ra sao trong năm 2025?
Sau một khoảng thời gian trầm lắng tương đối dài, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng 2025 được dự báo có thêm nhiều tín hiệu tích cực, thúc đẩy tiến trình phục hồi. Trong đó là những dấu ấn nổi bật về tăng trưởng khách du lịch năm 2024 và những kỳ vọ...
-
Thanh khoản bất động sản nghỉ dưỡng nhiều nơi gần như đóng băng
Trong báo cáo thị trường tháng 11, DKRA cho biết phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng và các vùng lân cận tiếp tục duy trì trạng thái ảm đạm.
-
Bao giờ bất động sản nghỉ dưỡng mới “tan băng”?
Mặc dù nguồn cung ghi nhận có tăng nhẹ nhưng thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp. Lượng giao dịch tập trung ở những sản phẩm có giá bán dưới 10 tỷ đồng/căn.