Khai thác BĐS nghỉ dưỡng, từ chủ đầu tư tới những người kiếm tìm lợi nhuận nhờ sản phẩm đặc thù này đều phải trang bị tài lực và trí lực thật kỹ mới mong thành công. Giai đoạn 2001 - 2005, cụm từ thị trường địa ốc vẫn còn mơ hồ với nhiều người.
Càng mông lung hơn với người dân - DN hay thậm chí là cấp quản lý địa phương, là loại hình BĐS nghỉ dưỡng. Có lẽ, đó là lý do phần nào dẫn tới cú sốc Rusalka gắn liền với "thảm kịch" Nguyễn Đức Chi xảy ra từ năm 2005, kéo dài tới năm 2010 mà vẫn chưa tới hồi kết.
Phát súng từ quá khứ
Dư luận tới nay còn nhắc nhiều tới Rusalka như một sự nuối tiếc. Sau bài học pháp nhân - thể nhân liên quan tới chuỗi liên quan Nguyễn Đức Chi - Rusalka - Quyết định kê biên, còn là tiếng thở dài về một doanh nhân "khai phá" BĐS nghỉ dưỡng đứt gánh giữa đường chỉ bởi lý do… không đáng có.
Ngay như lãnh đạo Sở KH&ĐT Khánh Hòa cũng từng nhận định: Quá trình xử lý vụ án Nguyễn Đức Chi đã để lại hậu quả rất lớn về nhiều mặt. Riêng đối với dự án Rusalka, hậu quả là tài sản, công trình đều bị xuống cấp nghiêm trọng.
Hơn 40ha đất dành cho dự án rút cuộc phải bỏ hoang gần 11 năm nay. Nếu không xảy ra sự cố, thì dự án Rusalka đã đi vào hoạt động rồi. Không chỉ dự án Rusalka mà nói chung môi trường đầu tư cũng bị ảnh hưởng hết sức nặng nề.
Chỉ trong năm vừa qua, hàng loạt dự án nghỉ dưỡng "siêu khủng" liên tiếp bị thu hồi với lỗi phổ biến - chậm tiến độ. Ngay cả những dự án được vốn ngoại "chống lưng" cũng không ngoại lệ.
Minh chứng, dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Hòn ngọc châu Á tại Phú Quốc, với vốn đầu tư dự kiến 2 tỷ euro, của Tập đoàn Trustee Suisse; hay dự án Hòn ngọc Việt Nam của nhà đầu tư Nga ALT, vốn đầu tư 125 triệu USD (tại Nhơn Hội, Bình Định) và "đỉnh điểm" là dự án resort 5 sao 4,5ha ven bãi biển Non Nước, tổng vốn đầu tư gần 30 triệu USD, của "bầu" Đức cũng bị giới chức Đà Nẵng ra "tối hậu thư".
BĐS nghỉ dưỡng rất cần sự táo bạo và kiên nhẫn tột cùng
Gác lại "chuyện buồn" về mối lương duyên giữa Nguyễn Đức Chi và "nàng tiên cá" Rusalka, giới tạo lập BĐS hạng sang đang hối hả ngược
xuôi "trình - xin phê chuẩn" nhiều dự án nghỉ dưỡng ven biển quy mô chóng mặt.
Trăm hoa… đua nở
Từ đầu năm 2014, nhiều dự án trị giá hàng triệu USD đã được các cấp quản lý phê duyệt, chấp thuận cho DN bắt tay triển khai những công đoạn đầu tiên.
Đình đám hơn cả, là "đại gia chứng khoán" Trịnh Văn Quyết cùng tập đoàn FLC hành quân tới Thanh Hóa với nhiều kế hoạch vươn ra tầm khu vực. Đà Nẵng vẫn giữ nguyên vị thế "thỏi nam châm" hút lực đầu tư, nhờ ưu thế thiên nhiên - môi trường chính sách với điển hình IndochinaLand "sống khỏe" bằng Hayatt Regency.
Ở Nha Trang (Khánh Hòa) cũng rộn rã những dự án nghỉ dưỡng như khu du lịch Đỉnh Vàng - Cam Ranh (Công ty TNHH Đỉnh Vàng Nha Trang làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng); Khu đô thị GoldenBay của Hưng Thịnh Corp. có quy mô 79ha.
Xa hơn, Phú Quốc mới thực sự là "đất diễn" của các "ông lớn" trong làng địa ốc: Vingroup (Vinpearl Resort Phú Quốc có tổng trị giá 17.000 tỷ đồng), Tập đoàn BIM (khu du lịch sinh thái 200ha tại Bãi Trường), CEO Group (khu du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Villas & Resort với tổng mức đầu tư 4.500 tỷ đồng), FLC (quần thể sân golf và khu nghỉ dưỡng tại Bãi Vòng đang chờ UBND tỉnh Kiên Giang chấp thuận)…
Ở phía Bắc, điểm nóng được chú ý nhất năm 2014 trong mảng BĐS du lịch nghỉ dưỡng có lẽ là Quảng Ninh. Dòng đầu tư vào "miền đất hứa" này cho thấy điều đó: Tập đoàn Tuần Châu ký hợp đồng bảo trợ tín dụng với Ngân hàng Liên Việt nhằm khởi động dự án Cảng du thuyền quốc tế và dự án Smart City - Thành phố Thông minh trị giá hàng trăm triệu USD; Bim Group ra mắt dự án Little Vietnam rộng 3,3ha (nằm trong Khu đô thị Hạ Long Marina, Bãi Cháy) với những sản phẩm nhà liên kế giá từ 2,6 tỷ đồng/căn; Vingroup xúc tiến Khu khách sạn nghỉ dưỡng biển cao cấp tại đảo Rều và khu đón tiếp trên bờ tại Tp.Hạ Long…