31/05/2022 5:29 PM
Thị trường bất động sản toàn cầu đã có một quý đầu tiên của năm 2022 vô cùng sáng lạn, với sự phục hồi liên tục về tỷ lệ lấp đầy và khối lượng đầu tư. Bối cảnh chung này đang tạo đà cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương bứt phá mạnh mẽ suốt năm nay.

Bức tranh lạc quan của thị trường toàn cầu

Theo công ty tư vấn JLL, ảnh hưởng từ đại dịch lên thị trường bất động sản toàn cầu đang suy yếu dần, ngoại trừ tại Trung Quốc do chính sách Zero-Covid. Một số yếu tố tiêu cực vẫn đang tác động đến thị trường trong suốt quý 1/2022, bao gồm lạm phát cao, lãi suất tăng, chính sách tiền tệ thắt chặt và rủi ro địa chính trị từ cuộc chiến Nga – Ukraine. Dù vậy, thị trường vẫn được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong suốt phần còn lại của năm 2022. Nhưng nhà đầu tư cần duy trì tâm lý thận trọng để tránh các rủi ro có thể phát sinh.

Khối lượng văn phòng cho thuê tiếp tục tăng, ở mức 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự mất cân bằng cung – cầu đối với bất động sản hậu cần vẫn là động lực giúp giá thuê tăng cao. Trong khi đó, chi tiêu tiêu dùng và hoạt động du lịch dần phục hồi đang tạo đà cho sự trở lại của thị trường bán lẻ và khách sạn.

Thị trường vốn vẫn tiếp tục phát triển nhưng rủi ro đang có xu hướng tăng. Trong quý 1/2022, thị trường bất động sản toàn cầu đã thu hút 292 tỷ USD, với lượng giao dịch tăng tại cả ba khu vực châu Âu, châu Mỹ và châu Á – Thái Bình Dương. Thành phần vốn cũng đa dạng hơn, với 43% khối lượng vốn thuộc về các nhà đầu tư tư nhân.

Ngoài việc đa dạng hóa danh mục, các nhà đầu tư cũng đang điều chỉnh chiến lược để phù hợp với sự thay đổi về kinh tế và nhân khẩu học trong dài hạn. Điều này sẽ là động lực cho sự vươn lên của bất động sản hậu cần, nhà ở và chăm sóc sức khỏe.

Châu Á – Thái Bình Dương chờ đón kỷ lục mới trong năm 2022

Số lượng giao dịch bất động sản thương mại tại châu Á - Thái Bình Dương có thể tạo ra một cột mốc mới trong năm nay, khi các chủ sở hữu và nhà đầu tư tìm cách củng cố lại bảng cân đối tài chính sau đại dịch. Theo CBRE, khối lượng giao dịch có thể tăng từ 5-10% trong năm 2022, từ mức 44,4 tỷ USD với 762 giao dịch trong năm ngoái.

Các hình thức giao dịch bao gồm bán và thuê lại bất động sản theo hợp đồng dài hạn để huy động được dòng vốn dồi dào, bán và thuê lại theo hợp đồng ngắn hạn như một phần của chiến lược thoái vốn khỏi bất động sản, hoặc chuyển nhượng toàn bộ bất động sản.

CBRE cho biết các công ty tại Trung Quốc đại lục chiếm 40% số lượng giao dịch chuyển nhượng toàn bộ vào năm ngoái, chủ yếu là do việc bán các khu vực đất để phát triển dự án hoặc bán các bất động sản cũ để nhà đầu tư mới tái phát triển. Hơn một phần tư số lượng giao dịch trong năm 2021 thuộc hình thức bán và thuê lại.

Cùng với sự tăng trưởng khối lượng giao dịch trong năm ngoái, các bất động sản toàn cầu đang được quản lý cũng đạt giá trị cao kỷ lục ở mức 4,7 nghìn tỷ USD, tăng 14% so với năm 2020, theo khảo sát của Hiệp hội các nhà đầu tư không niêm yết tại châu Á (ANREV), và các đối tác đồng cấp tại châu Âu và châu Mỹ.

Cuộc khảo sát của ANREV cũng cho thấy mối quan tâm của các nhà đầu tư tổ chức đối với bất động sản vẫn ở mức cao trong năm 2022. Điều này là do lợi nhuận của ngành này vẫn hấp dẫn hơn so với các loại tài sản khác (đạt 8,99% tại châu Á - Thái Bình Dương và Mỹ, và 7,39% tại châu Âu trong quý 4/2021) và có tính ổn định cao hơn trong một môi trường đầy biến động.

Lam Vy (Tổng hợp)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.