Khối lượng đầu tư và giao dịch bất động sản đạt kỷ lục theo quý do các nhà đầu tư tìm kiếm dự án phù hợp để đa dạng hóa danh mục tài sản ngay khi các hạn chế đi lại được nới lỏng.

Theo JLL, đầu tư xuyên biên giới đạt mức kỷ lục hàng quý cao nhất với 126 tỷ USD vào cuối năm 2021 và được dự báo tiếp tục tăng trong quý đầu của năm nay. Điều này tương phản rõ rệt so với nửa năm trước, khi các nhà đầu tư chuyển hướng về trong nước khiến đầu tư xuyên biên giới bị thu hẹp.

Sean Coghlan, trưởng bộ phận chiến lược và nghiên cứu thị trường vốn toàn cầu của JLL, cho biết: “Mặc dù các hạn chế đi lại đã ảnh hưởng đến khả năng triển khai vốn giữa các khu vực, nhưng khối lượng đầu tư xuyên biên giới đang tăng lên”.

Tất cả các khu vực đều thu hút đáng kể vốn đầu tư từ nước ngoài. Châu Mỹ ấn tượng hơn cả với khối lượng đầu tư xuyên biên giới chiếm 29% của toàn ngành trong quý cuối năm 2021, đạt ngưỡng cao kỷ lục là 124 tỷ USD.

Tại khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi (EMEA) và châu Á - Thái Bình Dương, đầu tư nước ngoài đang tăng trở lại nhưng vẫn ở mức khiêm tốn so với con số trung bình của các năm trước đại dịch. Các nhà đầu tư toàn cầu đã rót 36 tỷ USD vào khu vực EMEA trong năm 2021, tăng 2% so với mức trước đại dịch. Các công ty Hoa Kỳ và Singapore đã thúc đẩy khối lượng giao dịch xuyên biên giới tại đây, hướng đến mục tiêu chính là các văn phòng và bất động sản hậu cần ở Anh. Còn tại châu Á - Thái Bình Dương, sự trở lại của dòng vốn đầu tư nội vùng - đặc biệt là từ các công ty Hồng Kông và Singapore mua lại những dự án ở Trung Quốc và Úc - đã thúc đẩy đà phục hồi.

“Các bất động sản hậu cần, nhà ở và các bất động sản thay thế đã giúp khôi phục dòng vốn xuyên biên giới. Nhà đầu tư đang rót vốn vào các bất động sản này ở quy mô lớn. Xu hướng nói trên cũng như hoạt động M&A gia tăng từ nhà đầu tư toàn cầu đang đẩy mạnh sự phục hồi của thị trường vốn trong lĩnh vực bất động sản”, Coghlan nói.

Các nhà đầu tư xuyên biên giới đang tiếp tục đặt niềm tin vào sự ổn định của nhà ở. Trong khi đó, bất động sản hậu cần thu hút vốn lớn hơn do giá trị tài sản cao hơn.

“Ở tất cả các khu vực, nhà đầu tư xuyên biên giới đang cho thấy nhu cầu mạnh mẽ đối với bất động sản hậu cần. Trong khi đó, đầu tư vào văn phòng, dù đang hồi phục nhanh chóng nhờ hạn chế đi lại giảm bớt và người lao động quay lại làm việc nhiều hơn, vẫn lép vế hơn. Tuy nhiên, dòng vốn xuyên biên giới vào văn phòng sẽ tăng lên trong thời gian tới”, Coghlan dự báo.

Đầu tư xuyên biên giới vào văn phòng ở châu Mỹ đã tăng gần gấp đôi trong năm 2021. Các giao dịch văn phòng hiện cũng đang thúc đẩy vốn đầu tư vào châu Á - Thái Bình Dương, chiếm 43% tổng giao dịch mua bán xuyên biên giới – tăng mạnh so với mức 19% của một năm trước đó.

Coghlan cho biết: “Các thị trường bất động sản đa dạng và phát triển nhất thế giới cho đến nay vẫn dẫn đầu quá trình phục hồi. Trong khi đó, các thị trường mới đang từng bước xây dựng động lực để quay trở lại trong thời gian tới”.

Chủ đề: Bất động sản 2022,
Lam Vy (JLL)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.