Thông qua Luật Kinh doanh bất động sản, mua nhà trên giấy đặt cọc tối đa 5% giá bán; Thay đổi về phân lô, bán nền trong Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi vừa thông qua; Đề xuất nâng giá trị tiền đặt cọc khi đấu giá tài sản lên 20 - 30%... là những thông tin đáng chú ý trong 24h qua.

Hình minh họa

Thông qua Luật Kinh doanh bất động sản, mua nhà trên giấy đặt cọc tối đa 5% giá bán

Sáng 28/11, với 94,13% đại biểu tán thành, Quốc hội thông qua Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi, có hiệu lực từ 1/1/2025. Một trong những điểm mới trong dự thảo luật vừa được Quốc hội thông qua là chủ đầu tư chỉ được thu tiền cọc mua nhà trên giấy (bất động sản hình thành trong tương lai) tối đa 5% giá bán, cho thuê mua và dự án đủ điều kiện mới được mở bán.

Theo đó, luật Kinh doanh bất động sản quy định chủ đầu tư dự án bất động sản chỉ được thu tiền đặt cọc không quá 5% giá bán, cho thuê mua từ khách hàng khi nhà ở, công trình xây dựng đã có đủ các điều kiện đưa vào kinh doanh. Thỏa thuận đặt cọc phải ghi rõ giá bán, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng.

Hơn 6,44 triệu tỷ đồng của người dân đổ vào ngân hàng

Theo thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 9.2023, tiền gửi tiết kiệm của người dân vào hệ thống ngân hàng đạt hơn 6,449 triệu tỷ đồng, tăng 9,95% so với cuối năm 2022, tương ứng tăng hơn 583.494 tỷ đồng. Tính riêng tháng 9.2023, tiền gửi của người dân vào ngân hàng tăng thêm 15.935 tỷ đồng.

Lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế vào hệ thống ngân hàng cũng cải thiện đáng kể khi có thêm 217.353 tỷ đồng trong tháng 9. Trước đó, trong tháng 8 liền trước, lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế vào hệ thống ngân hàng cũng tăng tới 103.501 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 9.2023, tiền gửi của các tổ chức kinh tế ở mức 6,23 triệu tỷ đồng, tăng hơn 4,65% so với cuối năm ngoái.

Đề xuất nâng giá trị tiền đặt cọc khi đấu giá tài sản lên 20 - 30%

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau) cho biết, luật hiện hành quy định mức tiền đặt trước từ 5 - 20% giá khởi điểm (sau khi trúng đấu giá chuyển thành tiền đặt cọc), trong khi đó nhiều trường hợp giá khởi điểm thấp nên người trúng đấu giá không phải cân nhắc quá nhiều khi bỏ cọc.

Để hạn chế câu chuyện người trúng đấu giá bỏ cọc, nhất là yếu tố lợi ích nhóm, thao túng đấu giá, ông Thanh cho rằng cần tách biệt giữa tiền đặt trước và tiền đặt cọc. “Quy định tiền đặt cọc có thể là 20 - 30% giá trúng đấu giá, phải nộp ngay sau khi có kết quả trúng đấu giá. Nếu người trúng đấu giá không nộp thì kết quả bị hủy, cuộc đấu giá tiếp tục được diễn ra”, ông Thanh nói.

Đại biểu đề nghị Bộ luật Hình sự cần bổ sung các hành vi tương ứng trong hoạt động đấu giá tài sản cho phù hợp, tránh tình trạng thổi giá, phá giá, gây hệ lụy lớn như thời gian vừa qua.

3 kịch bản xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam có vốn đầu tư từ 67 – 72 tỉ USD

Bộ Giao thông Vận tải đang xin ý kiến các bộ ngành về phương án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam với 3 kịch bản. So với, những đề xuất trước đó của Bộ này, các phương án mới có số vốn đầu tư cao hơn. Cụ thể, kịch bản 1 là đầu tư xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam đường đôi, khổ ray 1.435 mm, dài 1.545 km, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 17 tấn mỗi trục, chỉ khai thác tàu khách.

Tuyến đường sắt Bắc Nam hiện hữu được nâng cấp để chuyên chở hàng, chở khách du lịch và khách chặng ngắn. Tổng vốn đầu tư khoảng 67,32 tỉ USD. Kịch bản 2 xây dựng mới tuyến đường sắt Bắc Nam đường đôi, khổ ray 1.435 mm, tải trọng 22,5 tấn mỗi trục, khai thác chung cả tàu chở khách và chở hàng, tốc độ thiết kế 200-250 km/h, chạy tàu hàng tối đa 120 km/h. Tuyến đường sắt Bắc Nam hiện hữu được hiện đại hóa để chuyên chở hàng, chở khách du lịch và khách chặng ngắn. Tổng vốn đầu tư khoảng 72,02 tỉ USD.

Thay đổi về phân lô, bán nền trong Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi vừa thông qua

Về các khu vực không được chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho cá nhân tự xây dựng nhà ở, có ý kiến đề nghị không cho phép phân lô bán nền tại các phường, các đô thị loại đặc biệt và đô thị loại I trực thuộc trung ương. Việc cho phép phân lô bán nền ngoài tác dụng tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản trong bối cảnh thị trường gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn 2008-2013 do ảnh hưởng từ khó khăn của kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc cho phép phân lô bán nền ngoài tác dụng tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản còn tồn tại một số hạn chế, bất cập như: người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất không xây dựng nhà ở đúng tiến độ, thiết kế, quy hoạch, gây ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị, lãng phí nguồn lực đất đai, có tình trạng đầu cơ…

  • Bất động sản 24h: Luật Nhà ở chính thức được thông qua

    Bất động sản 24h: Luật Nhà ở chính thức được thông qua

    Thông qua Luật Nhà ở: Không quy định thời hạn sở hữu chung cư, Tổng Liên đoàn lao động đầu tư nhà ở xã hội; Lâm Đồng chấp thuận nhà đầu tư dự án khu dân cư 1.570 tỷ đồng; Nhà đầu tư Trung Quốc “rót” 5 tỷ USD vào Tây Ninh... là những thông tin đáng chú ý trong 24h qua.

Hoàng An (TH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.