Sáng 28/11, với 94,13% đại biểu tán thành, Quốc hội thông qua Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi, có hiệu lực từ 1/1/2025.
Một trong những điểm mới trong dự thảo luật vừa được Quốc hội thông qua là chủ đầu tư chỉ được thu tiền cọc mua nhà trên giấy (bất động sản hình thành trong tương lai) tối đa 5% giá bán, cho thuê mua và dự án đủ điều kiện mới được mở bán.
Theo đó, luật Kinh doanh bất động sản quy định chủ đầu tư dự án bất động sản chỉ được thu tiền đặt cọc không quá 5% giá bán, cho thuê mua từ khách hàng khi nhà ở, công trình xây dựng đã có đủ các điều kiện đưa vào kinh doanh.
Thỏa thuận đặt cọc phải ghi rõ giá bán, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng.
Về thanh toán khi giao dịch nhà ở hình thành trong tương lai, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, qua rà soát Ủy ban Thường vụ Quốc hội chốt phương án nếu bên mua, bên thuê mua chưa được cấp giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì bên bán, bên cho thuê mua không được thu quá 95% giá trị hợp đồng.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự án luật Kinh doanh bất động sản trước khi Quốc hội thông qua. Ảnh: Quốc hội
Giá trị còn lại của hợp đồng được thanh toán khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai cho bên mua, bên thuê mua nhằm bảo đảm sự ổn định của chính sách hiện hành.
Như vậy, khách hàng được giữ lại một phần giá trị hợp đồng trong thời gian chờ được cấp Giấy chứng nhận.
Chủ đầu tư phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính của dự án (tiền thuê đất, các loại thuế, phí liên quan đến đất đai nếu có) trước khi chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản.
Ngoài ra, chủ đầu tư phải có quyết định giao, cho thuê, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, nhưng không bắt buộc phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với toàn bộ hoặc phần dự án chuyển nhượng.
Chủ nhiệm Ủy ban Vũ Hồng Thanh cho hay, quy định này nhằm ngăn ngừa tình trạng chọn nhà đầu tư không đủ năng lực chuyển nhượng dự án và bảo đảm nguyên tắc chỉ bán, chuyển nhượng những gì người bán, người chuyển nhượng đã có.
Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam theo quy định của pháp luật về quốc tịch có quyền kinh doanh bất động sản, được mua, thuê, thuê mua nhà ở, công trình xây dựng như công dân ở trong nước. Giữ chính sách hiện hành đối với người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài mà không phải là công dân Việt Nam.
Về công khai thông tin về bất động sản đưa vào kinh doanh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu và chỉnh lý dự thảo luật.
Theo đó, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phải công khai thông tin về bất động sản, dự án bất động sản trên cả hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản và trang thông tin điện tử của doanh nghiệp.
-
Đề xuất gộp hai phương án quy định đặt cọc dự án bất động sản
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản góp ý cho dự thảo luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), trong đó kiến nghị gộp hai phương án về đặt cọc trong dự thảo luật nhằm tích hợp ưu điểm của cả hai.
-
5 khu vực ở Tây Nguyên sẽ bị cấm phân lô bán nền, có nơi từng sốt đất xình xịch, giá đất tăng theo giờ
Khu vực Tây Nguyên sẽ có 5 thành phố nằm trong danh sách không được phân lô, bán nền theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Trong số này, có những nơi từng là tâm điểm của cơn sốt đất giai đoạn 2020 – 2022....
-
Thêm 81 thành phố, thị xã không được phân lô, bán nền
Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.1.2025. Một trong những nội dung được quan tâm đặc biệt là quy định về phân lô, bán nền. Theo đó, quy định mới sẽ không cho phân lô, bán nền tại 105 thành phố, thị xã, tăng t...
-
Bộ Xây dựng bỏ đề xuất mỗi cá nhân chỉ được bán 3-5 nhà trong một năm
Bộ Xây dựng đã bỏ đề xuất quy định mỗi cá nhân kinh doanh bất động sản chỉ được bán, cho thuê, cho thuê mua từ 3 đến 5 căn nhà trong một năm.