28/11/2023 2:40 PM
Sáng 28/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, nhiều đại biểu tham gia ý kiến về nội dung liên quan đến tiền đặt cọc và xử lý bỏ cọc.

Góp ý vào dự thảo luật, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) thống nhất với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu rà soát, liệt kê những tài sản phải đấu giá như dự thảo luật đã đầy đủ chưa? có chồng chéo với các luật chuyên ngành không? Có những loại tài sản có thể phát sinh mới trong cuộc sống mà không được ghi vào luật thì không được đấu giá hay không, hay để Chính phủ quy định những tài sản phát sinh mới để không bỏ sót và những tài sản cần phải báo giá riêng.

Góp ý về quy định nợ xấu và tài sản đảm bảo của các tổ chức ngân hàng cũng thuộc loại tài sản đấu giá, đại biểu cho rằng nên có sự cân nhắc, nên giao cho tổ chức hoặc cá nhân muốn có sở hữu bán hoặc thỏa thuận cho chủ sở hữu và nhà đầu tư vì loại tài sản này đưa ra đấu giá rất khó có người tham gia đấu giá làm mất thời gian và tốn kém.

Về Cổng thông tin đấu giá tài sản quốc gia, đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh sự cần thiết quy định trong luật, đề nghị nghiên cứu xã hội hóa tổ chức này, nhằm tăng cường tính cạnh tranh, minh bạch và chất lượng dịch vụ.

Góp ý về quy định thời gian thông báo thay đổi địa điểm đấu giá và chỉ có một ngày là chưa hợp lý, đại biểu đề xuất quy định là 3 ngày cho phù hợp.

Ông Hòa cũng nhắc tới vụ Tân Hoàng Minh đấu giá các lô đất tại Thủ Thiêm hay các vụ gần đây như đấu giá quyền khai thác mỏ cát tại Hà Nội với giá cao rồi bỏ cọc.

“Cần có chế tài xử lý mạnh tay hơn với những trường hợp trúng đấu giá nhưng bỏ cọc, như phạt hành chính, tăng tiền cọc cao hơn và không cho những người này tham gia các cuộc đấu giá sau trong một thời gian”, đại biểu tỉnh Đồng Tháp kiến nghị.

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau) cho biết, luật hiện hành quy định mức tiền đặt trước từ 5 - 20% giá khởi điểm (sau khi trúng đấu giá chuyển thành tiền đặt cọc), trong khi đó nhiều trường hợp giá khởi điểm thấp nên người trúng đấu giá không phải cân nhắc quá nhiều khi bỏ cọc.

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau). Ảnh: Quốc hội

Để hạn chế câu chuyện người trúng đấu giá bỏ cọc, nhất là yếu tố lợi ích nhóm, thao túng đấu giá, ông Thanh cho rằng cần tách biệt giữa tiền đặt trước và tiền đặt cọc.

“Quy định tiền đặt cọc có thể là 20 - 30% giá trúng đấu giá, phải nộp ngay sau khi có kết quả trúng đấu giá. Nếu người trúng đấu giá không nộp thì kết quả bị hủy, cuộc đấu giá tiếp tục được diễn ra”, ông Thanh nói.

“Giả sử tiền đặt cọc phải nộp ngay lên tới hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng thay vì chỉ vài trăm triệu, vài tỷ đồng thì người trúng đấu giá chắc chắn sẽ rất thận trọng khi bỏ giá”, đại biểu Thanh nêu quan điểm.

Đại biểu đề nghị Bộ luật Hình sự cần bổ sung các hành vi tương ứng trong hoạt động đấu giá tài sản cho phù hợp, tránh tình trạng thổi giá, phá giá, gây hệ lụy lớn như thời gian vừa qua.

Đề xuất phạt thêm tiền nếu bỏ cọc đấu giá

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An) thống về mức tiền đặt trước, mức tiền dặt trước từ 5-20% đối với tài sản đặc thù, tài sản thông dụng thì do người có tài sản đấu giá quyết định. Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung đề nghị giữ quy định như hiện hành. Đại biểu cho rằng quy định này là phù hợp tạo điều kiện thu hút nhiều cá nhân, tổ chức tham giá đấu giá. Nếu nâng tiền đặt trước lên quá cao sẽ giảm tính cạnh tranh và ít người tham gia đấu giá.

Bà Dung đề cập việc một số tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá với mục đích không tốt, như là phô trương thanh thế hoặc thao túng thị trường để hình thành mặt bằng giá mới, chứ không phải để mua tài sản, sẵn sàng mất tiền cọc đặt trước.

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An). Ảnh: Quốc hội

Từ thực tế trên, đại biểu đề xuất người trúng đấu giá sau thời gian nhất định mà không nộp tiền mua tài sản và không chứng minh được lý do bất khả kháng thì bị phạt nộp thêm một số tiền. Tất nhiên cần bổ sung thêm chế tài xử phạt vi phạm hành chính.

Theo bà Dung, việc phạt này phải dựa trên cơ sở bổ sung các quy chế, chế tài có liên quan về xử phạt vi phạm hành chính và thẩm quyền xử phạt là của cơ quan nhà nước có tài sản đưa ra đấu giá...

Đặc biệt, bà Dung nêu thời gian qua, nhiều cuộc đấu giá mà người tham gia có biểu hiện bất thường như trả giá quá cao so với mặt bằng chung, nhất là tài sản công như quyền sử dụng đất, quyền khai thác mỏ, giá trả cao từ mấy chục lần tới 204 lần so với giá khởi điểm.

Từ giá khởi điểm 24 tỷ đồng nhưng giá trúng đấu giá lên tới 1.684 tỷ đồng", bà Dung dẫn chứng và cho rằng luật đấu giá tài sản chưa quy định đấu giá viên hoặc người có tài sản đấu giá được quyền dừng hoặc yêu cầu dừng cuộc đấu giá để xử lý các trường hợp tương tự. Từ đó, bà đề nghị rà soát, bổ sung nội dung này.

Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.