Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn phát triển của CBRE Việt Nam.
CafeLand – Làn sóng Covid-19 lần thứ 4 thực sự đã tác động rất lớn đến toàn bộ nền kinh tế bởi mức độ lây lan nhanh. Nhiều dự báo cho rằng thị trường sẽ tiếp tục gặp khó khăn cho đến sang năm. Theo bà, khi dịch bệnh được kiểm soát, kinh tế phục hồi, phân khúc nào sẽ hồi phục nhanh nhất, phân khúc nào chịu tác động nặng nề nhất và cần thời gian bao lâu để thiết lập lại trạng thái bình thường như trước đây?
Bà Nguyễn Hoài An: Khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát sẽ tạo tiền đề cho sự phục hồi và phát triển của tất cả các phân khúc bất động sản. Các phân khúc bị ảnh hưởng ít hơn trong giai đoạn trước như bất động sản văn phòng cho thuê và Khu công nghiệp dự kiến sẽ phục hồi nhanh chóng và quay lại đà tăng trưởng.
Thị trường quay lại điều kiện bình thường cũng sẽ giúp cho bất động sản nhà ở đẩy mạnh được các hoạt động bán hàng. Bên cạnh nhu cầu tích cực từ người mua trong nước, dự kiến sẽ bắt đầu ghi nhận sự trở lại nhu cầu đầu tư của các nhà đầu tư và chuyên gia nước ngoài làm việc và sinh sống tại Việt Nam. Điều này không chỉ hỗ trợ sự phục hồi của thị trường nhà ở để bán mà còn là dấu hiệu tốt cho thị trường nhà ở cho thuê.
Do vậy, các chủ đầu tư cũng sẽ tự tin hơn vào kế hoạch mở bán các sản phẩm mới giúp nguồn cung ghi nhận sự tăng trưởng trở lại.
Đối với hai mảng thị trường bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19 là mặt bằng bán lẻ cho thuê và bất động sản nghỉ dưỡng sẽ cần nhiều thời gian để phục hồi.
Với mảng bán lẻ, việc cân bằng giữa mặt bằng bán lẻ truyền thống và các hình thức bán hàng online sẽ là những thách thức của cả khách thuê lẫn các nhãn hàng, do người tiêu dùng phần nào thay đổi thói quen mua sắm và sử dụng dịch vụ sau đại dịch.
Điều này, đòi hỏi các chủ nhà phải nỗ lực hơn trong việc nâng cao trải nghiệm mua sắm của người tiêu dùng và kéo họ trở lại với các trung tâm thương mại, từ đó thu hút các khách thuê tìm kiếm và thuê mặt bằng.
Với mảng thị trường nghỉ dưỡng, thời gian hồi phục hoàn toàn phụ thuộc rất nhiều vào tình hình kiểm soát dịch bênh và tốc độ triển khai tiêm vaccine trên phạm vi toàn cầu.
Mặc dù vậy, nhu cầu dồn nén (pent-up demand) của người tiêu dùng và du khách sẽ là động lực lớn giúp hai mảng thị trường này có sự tăng trưởng mạnh mẽ khi tình hình dịch bệnh hoàn hoàn toàn được kiểm soát.
Thời gian gần đây, có hiện tượng một số nhà đầu tư Hà Nội tìm về các đô thị vệ tinh mua đất đầu tư farmstay. Bà đánh giá như thế nào về triển vọng thị trường những khu vực này trong thời gian tới khi nhiều nhà đầu tư đã phải bán tháo nhà vườn vì chi phí chăm sóc quá lớn trong thời điểm dịch bệnh vẫn đang căng thẳng?
Cùng với sự phát triển của chất lượng cuộc sống, nhu cầu nghỉ dưỡng cuối tuần của các gia đình tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM cũng gia tăng theo thời gian. Điều này thúc đẩy sự phát triển của các địa điểm nghỉ dưỡng xung quanh các thành phố lớn với thời gian di chuyển không quá 2 giờ lái xe.
Xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục khi thu nhập người dân và hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông liên tỉnh ngày càng được cải thiện.
Mặc dù vậy, đầu tư trong lĩnh vực nghỉ dưỡng kể cả ở quy mô nhỏ cũng đòi hỏi kinh nghiệm và hiểu biết về thị trường cũng như vận hành khu nghỉ dưỡng, sự chuẩn bị kỹ càng về vốn và thời gian nên sẽ không dành cho số đông.
Cho đến thời điểm này, Việt Nam vẫn được đánh giá là một trong những nước kiểm soát tốt dịch bệnh. Điều này có tác động như thế nào trong việc thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian tới, từ đó có ảnh hưởng ra sao đến bất động sản công nghiệp và khả năng tăng giá của thị trường đất nền ven KCN, thưa bà?
Trong thời gian vừa qua, Việt Nam tiếp tục là điểm sáng thu hút dòng vốn ngoại vào thị trường bất động sản công nghiệp nhờ các yếu tố vĩ mô thuận lợi, bao gồm tăng trưởng GDP cao và ổn định.
Việt Nam cũng là một trong số ít các nền kinh tế có tăng trưởng GDP dương trong đại dịch Covid-19, lực lượng lao động dồi dào, mức thu nhập ngày càng tăng, tốc độ đô thị hóa cao và hạ tầng đang dần được cải thiện.
Cùng với sự dịch chuyển của các doanh nghiệp từ Trung Quốc sang Việt Nam và các quốc gia nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng, nhu cầu cho bất động sản công nghiệp trong thời gian qua tăng mạnh.
Nhận thấy điều đó, các tên tuổi nước ngoài đã tham gia vào thị trường Việt Nam thông qua các thương vụ M&A như Tâp đoàn bất động sản công nghiệp Boustead Projects, ESR Cayman Limited (Hong Kong), GLP, Fraser Property Vietnam, Logos Property hay gần đây là quỹ Actis rót vốn đầu tư vào tập đoàn An Phát Holdings.
Với sự đầu tư, góp vốn từ các đối tác nước ngoài, thị trường công nghiệp Việt Nam trong trung và dài hạn sẽ có thêm nhiều nguồn cung chất lượng.
Trong tương lai, nếu duy trì được sự hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư, thị trường bất động sản công nghiệp tại Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục đón nhận thêm nhiều nguồn vốn mới, từ cả các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Về các dự án đất nền ven KCN, tiềm năng tăng giá của các dự án này sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như ngành nghề của các công ty sản xuất cho khu công nghiệp có thuận lợi để xây dựng nhà ở quanh các khu này không (tính đến các yếu tố về môi trường, quy mô về lao động…), hệ thống hạ tầng đường xá kết nối với khu công nghiệp, tiện ích nội tại và xung quanh của các khu công nghiệp này,… Do vậy, từng dự án và khu vực sẽ có tiềm năng khác nhau.
Liệu thị trường sắp tới có xảy ra sốt đất lần nữa không, thưa bà?
Các hoạt động đầu tư và cả đầu cơ luôn tồn tại trong hầu khắp các thị trường. Tùy thuộc vào mức độ, thời gian và khu vực mà các hoạt động đầu cơ có thể dẫn tới các đợt “sốt” tăng giá bất thường.
Tuy nhiên, với mức độ công bố thông tin rõ ràng, minh bạch hơn của các dự án bất động sản cũng như các dự án quy hoạch, hạ tầng, cộng với sự can thiệp kịp thời của các cơ quan chức năng sẽ giúp điều tiết kịp thời những diễn biến có thể khiến thị trường phát triển kém lành mạnh.
Xin cảm ơn bà!
-
Thị trường bất động sản 2021 đã sẵn sàng cho các nhà đầu tư
CafeLand - Các chuyên gia dự báo rằng 2021 là thời điểm phù hợp để đầu tư bất động sản do việc tiến hành các chiến dịch tiêm chủng dần hiệu quả và tỷ lệ lãi suất còn thấp.
-
eMagazine: Sun Group tìm hướng đi mới trong tâm dịch
Tìm hướng đi mới, xoay chuyển tình thế từ bị động sang chủ động gắn với tinh thần “3T” là cách mà Sun Group lựa chọn để đối mặt và vượt qua những thách thức mà đại dịch Covid-19 đặt ra. Trong một buổi trò chuyện cuối năm, bà Nguyễn Ngọc Thuý Linh, Tổ...
-
Đại dịch khiến nhu cầu mua ngôi nhà thứ hai lên cao kỷ lục
Đại dịch làm khối lượng tài sản của người giàu tăng lên nhanh chóng. Theo báo cáo, số cá nhân sở hữu tài sản trị giá trên 30 triệu USD đã tăng gần 10% vào năm ngoài. Điều này kéo theo nhu cầu cao kỷ lục đối với các bất động sản cao cấp hoặc những ngô...
-
Lợi nhuận homestay đâu chỉ đong đếm bằng tiền
Từ dạo bước chân vào làm homestay dù quy mô nhỏ xíu, mọi người vẫn mặc định tôi đang kinh doanh và thường hỏi về lợi nhuận. Đã là lợi nhuận thì nhất định câu trả lời phải bằng những con số, mọi câu trả lời khác được đánh giá thuộc dạng né tránh hoặc ...