Lãnh đạo Viglacera cho biết doanh nghiệp này đang triển khai xây nhà ở xã hội tại Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hà Nam và Phú Thọ với quy mô hơn 10.000 căn và hiện có khoảng 3.000 căn nhà ở xã hội giá dưới 600 triệu đồng/căn đang chờ tung ra thị trường.

Có sẵn 3.000 căn nhà ở xã hội, giá bán 8-10 triệu đồng/m2

Tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì mới đây, ông Trần Ngọc Anh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Viglacera - CTCP (Mã: VGC) cho biết, hưởng ứng chương trình 1 triệu căn nhà ở xã hội của Chính phủ, Viglacera đã triển khai đầu tư và đưa vào bàn giao khoảng 5.000 căn hộ nhà ở xã hội, chủ yếu ở TP Hà Nội.

Ngoài ra, Viglacera cho biết cũng đang triển khai loạt nhà ở xã hội tại 4 địa phương: Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hà Nam và Phú Thọ với tổng quy mô hơn 10.000 căn nhà ở xã hội.

“Đến nay, Viglacera đã có sẵn khoảng 3.000 căn nhà ở xã hội có thể bàn giao với giá bán từ 8-10 triệu đồng/m2, giá căn hộ chỉ từ 250 triệu đồng đến khoảng 600 triệu đồng”, ông Trần Ngọc Anh cho biết.

Ông Trần Ngọc Anh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Viglacera

Theo đó, để có giá bán này, Viglacera đã tối ưu hoá các giải pháp thiết kế và vật liệu xây dựng tự sản xuất. Song, doanh nghiệp này cũng cho biết hiện đang gặp một số khó khăn trong việc kinh doanh những căn hộ này do các quy định còn hạn chế về đối tượng cũng như điều kiện thuê mua.

Do đó, Viglacera kiến nghị với Thủ tướng sớm cho áp dụng Luật Nhà ở sửa đổi và ban hành Nghị định về nhà ở xã hội theo hướng tháo gỡ, mở rộng đối tượng được mua, được thuê với điều kiện đơn giản, dễ thực hiện để người nghèo sớm tiếp cận được với các sản phẩm nhà ở xã hội này.

Viglacera có khoảng 3.000 căn nhà ở xã hội giá dưới 600 triệu đồng đang chờ tung ra thị trường

Đầu năm 2023, ban lãnh đạo Viglacera đã đặt mục tiêu đầu tư phát triển 50.000 căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2022-2030.

Các dự án nhà ở xã hội, đặc biệt là các dự án nhà ở dành cho công nhân, được kỳ vọng sẽ hoàn thiện hệ sinh thái khu công nghiệp hiện nay của Viglacera. Hiện doanh nghiệp này đang sở hữu và vận hành 12 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 4.200 ha, tu hút 300 doanh nghiệp trong và ngoài nước với hơn 16 tỷ USD vốn FDI.

Trong đó, có các doanh nghiệp tên tuổi lớn trên thế giới như Tập đoàn Samsung, Amkor, Canon, Hyosung, Anam Electronics, IRC Tire, Toyoda Gosei… Đến năm 2025, Viglacera cho biết sẽ nâng tổng số khu công nghiệp lên 20, tổng diện tích tăng thêm khoảng 2.000-3.000 ha.

Viglacera đang kinh doanh ra sao?

Mới đây, Viglacera vừa công bố sơ bộ kết quả sản xuất kinh doanh 2 tháng đầu năm 2024 với nhiều tín hiệu khởi sắc. Trong tháng 2/2024, doanh thu và lợi nhuận trước thuế ước tăng lần lượt 8% và 31% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế 2 tháng đầu năm 2024, doanh nghiệp này đã hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất với kết quả ước đạt 14% kế hoạch năm, vượt 128% so với cùng kỳ. Doanh thu trong giai đoạn này ước đạt 67% kế hoạch quý 1 và giảm 9% so với cùng kỳ.

Năm nay, Viglacera đặt mục tiêu doanh thu đạt 13.468 tỷ đồng, giảm 14%; lợi nhuận trước thuế ở mức 1.216 tỷ đồng, tăng nhẹ so với kế hoạch đề ra cho năm 2023. Như vậy, ước tính trong 2 tháng đầu năm, doanh nghiệp này lãi trước thuế khoảng 170 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo Viglacera đánh giá, các đơn hàng xuất khẩu cũng như các khách hàng đến từ Mỹ và châu Âu, những thị trường quốc tế đang có dấu hiệu ấm lên và những thách thức đặt ra cho Viglacera khi sẽ mở rộng thị trường xuất khẩu.

Đối với kế hoạch hoạt động kinh doanh trong tháng 3/2024, mảng bất động sản sẽ được doanh nghiệp dồn lực lượng, nguồn lực để triển khai kế hoạch chuẩn bị đầu tư các dự án mới.

Bên cạnh đó, Viglacera sẽ tập trung đẩy mạnh tiến độ kinh doanh các khu nhà ở công nhân - nhà ở xã hội đã hoàn thành; triển khai mô hình khu công nghiệp xanh - thông minh; đồng thời tiếp tục rà soát nâng cao chất lượng quản lý vận hành các khu công nghiệp, khu đô thị hiện có.

Ngoài việc triển khai thi công các dự án, các đơn vị sẽ xúc tiến các bước tìm kiếm các dự án mới, chuẩn bị nguồn đất khu công nghiệp và các dự án nhà ở đáp ứng theo định hướng kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2024.

Tại thời điểm cuối năm 2023, tổng tài sản của Viglacera đạt hơn 24.000 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD), tăng 5% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất là chi phí xây dựng cơ bản dở dang với hơn 6.200 tỷ đồng từ các dự án như Khu công nghiệp Thuận Thành giai đoạn 1, Khu công nghiệp Yên Mỹ, Khu công nghiệp Phú Hà giai đoạn 1, Khu du lịch sinh thái Vân Hải, Khu công nghiệp Tiền Hải - Thái Bình...

Hàng tồn kho tăng 12% lên 4.739 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn nhất là thành phẩm kính, sứ, sen vòi... với 2.603 tỷ đồng. Trong khi đó, tồn kho bất động sản xây dựng dở dang là 1.537 tỷ đồng.

Các khoản phải thu ngắn hạn của công ty ghi nhận 1.116 tỷ đồng. Khoản tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng ngắn hạn ở mức 1.841 tỷ đồng.

Về phía nguồn vốn, tổng nợ phải trả của Viglacera ở mức 14.575 tỷ đồng, trong đó nợ đi vay là hơn 5.100 tỷ đồng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này còn ghi nhận hơn 2.670 tỷ đồng doanh thu chưa thực hiện, phần lớn là doanh thu nhận trước của hoạt động cho thuê bất động sản ghi nhận doanh thu sau 12 tháng tới.

Thúy Hà
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.