Quan điểm này được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra khi phát biểu kết luận Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, sáng 16/3.
Ghi nhận những kết quả bước đầu của việc phát triển nhà ở xã hội. Tuy nhiên, việc phát triển nhà ở xã hội so với mục tiêu, yêu cầu, mong muốn thì chưa đạt được và còn một số tồn tại, khó khăn.
Nhiều địa phương chưa có sẵn quỹ đất sạch để làm nhà ở xã hội. Một số dự án nhà ở xã hội tại một số địa phương có quy hoạch nhưng lại cấp cho các nhà đầu tư còn yếu về năng lực, trong khi có doanh nghiệp lại thiếu động lực triển khai vì hiệu quả không cao dẫn đến chậm triển khai dự án.
Mức lợi nhuận quy đinh tối đa chỉ 10% theo Luật Nhà ở năm 2023 với chủ đầu tư nhà ở xã hội không phải là cao nếu mất thêm các chi phí tuân thủ khác.
“Nếu các địa phương không tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ mà đòi hỏi, gây khó dễ, sách nhiễu thì doanh nghiệp cũng mất hào hứng” Thủ tướng nói.
Thực tế, người đứng đầu Chính phủ cũng cho biết thời gian triển khai thành công một dự án khá lâu, từ 3 đến 5 năm, dẫn tới không hấp dẫn nhà đầu tư có tiềm lực tài chính.
Nhiều tỉnh, thành phố lớn, tập trung nhiều khu công nghiệp có tỷ lệ thực hiện nhà ở xã hội so với mục tiêu của Đề án còn thấp, thậm chí nhiều địa phương chưa có dự án nhà ở xã hội khởi công từ năm 2021 đến nay (như Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Quảng Ngãi, Long An, Vĩnh Long…) theo báo cáo của Bộ Xây dựng.
Việc giải ngân gói tín dụng ưu đãi 120 nghìn tỷ đồng còn chậm so với mong muốn và nhu cầu thực tiễn, mới cam kết cấp tín dụng được 5,8%, giải ngân chưa được 1%.
Vẫn còn vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, nhất là: Trong tiếp cận đất đai (quy hoạch bố trí quỹ đất, công khai dự án); Nguồn vốn và khả năng tiếp cận tín dụng; Thủ tục hành chính (trong đầu tư xây dựng, lựa chọn nhà đầu tư, phê duyệt giá bán nhà)…
Thủ tướng trao đổi với các đại biểu. Ảnh VGP
Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm, nhà ở xã hội là nhà ở bình thường như loại nhà ở khác, phải bảo đảm chất lượng, an toàn, vệ sinh môi trường, bảo đảm hạ tầng về y tế, giáo dục, xã hội và các dịch vụ khác, bảo đảm điện nước, nhưng điểm khác là có cơ chế, chính sách phù hợp cho người mua và người bán.
Không phải những nơi xa xôi, vắng vẻ, những nơi không làm được nhà ở thương mại thì làm nhà ở xã hội, hay nhà ở xã hội thiếu hạ tầng y tế, giáo dục, điện nước, không bảo đảm vệ sinh môi trường… Nhà ở xã hội ngoài hình thức mua thì phải có thuê và thuê mua.
“Và điều quan trọng nhất là khi tổ chức thực hiện phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và linh hoạt, chủ động, sáng tạo trong vận dụng cơ chế, chính sách, luật pháp”, Thủ tướng nêu rõ.
Để triển khai nhanh, hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội”, Thủ tướng yêu cầu cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền để giảm thời gian, chi phí thực hiện dự án.
Đồng thời giao Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng quy trình rút gọn các thủ tục hành chính lựa chọn nhà đầu tư, triển khai dự án nhà ở xã hội để tiết kiệm thời gian, khuyến khích, huy động các nguồn lực xã hội.
Ngân hàng Nhà nước được giao nghiên cứu, cung cấp gói tín dụng cho người mua trong thời gian 10-15 năm với lãi suất thấp hơn từ 3% đến 5% so với cho vay thương mại; xem xét hạ mức lãi suất cho vay.
Thủ tướng cũng gợi ý Bộ Tài chính nghiên cứu thành lập Quỹ Nhà ở xã hội, chính sách thuế phù hợp.
Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý các địa phương quy hoạch, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
“Những vùng đất, vị trí đẹp, có lợi thế phải ưu tiên cho sản xuất, kinh doanh, từ đó tạo công ăn việc làm cho người dân, từ đó mới có người đến làm, có người đến là thì mới có người đến ở, mua nhà, từ đó phát triển được bất động sản, khu đô thị bền vững”, ông nói.
-
Tổng cục Thuế giải đáp về thu tiền sử dụng đất khi bán nhà ở xã hội
Ngày 10/01/2025, Tổng Cục Thuế ban hành Công văn 150/TCT-CS giải đáp thắc mắc liên quan đến việc thu tiền sử dụng đất khi thực hiện chuyển nhượng căn hộ chung cư là nhà ở xã hội.
-
Năm 2025, các địa phương phải đăng ký chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội
Bộ Xây dựng vừa có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo một số nội dung triển khai kế hoạch phát triển nhà ở xã hội năm 2025 cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp....
-
Nhà ở xã hội: Thách thức cho cả người dân và doanh nghiệp
Theo chuyên gia, doanh nghiệp dù rất muốn làm nhà ở xã hội và số lượng người dân cần mua loại hình này cũng rất lớn nhưng các quy định về thủ tục, pháp lý và cả lãi suất cho vay đều đang gây khó cho hai nhóm đối tượng này....