Giá các loại vật liệu xây dựng như thép, xi măng, cát, đá, nhựa đường... được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới do giá nguyên vật liệu đầu vào, chi phí khai thác, sản xuất đều tăng.

Tăng theo giá nguyên, nhiên liệu

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, thị trường vật liệu xây dựng (VLXD) đã chứng kiến nhiều mặt hàng tăng giá chóng mặt trong 6 tháng đầu năm 2022. Đến nay, tình hình biến động tăng giá các mặt hàng này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Giá vật liệu xây dựng sẽ tiếp tục tăng trong 6 tháng cuối năm

Trong quý 2.2022, chỉ số giá nguyên, nhiên vật liệu dùng cho sản xuất tăng 2,23% so với quý trước và tăng 6,38% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 6 tháng đầu năm, ghi nhận chỉ số giá VLXD tăng mạnh hơn 6%, theo số liệu của Tổng cục Thống kê.

Bộ Xây dựng cho biết, so với giá thời điểm quý 1, 2.2020, tỉ lệ tăng giá bình quân của các loại VLXD chủ yếu tính đến nay như sau: thép tăng khoảng 30-40%, xi măng 15-20%, nhựa đường 15-20%, cát bê tông tăng 20%, đá xây dựng tăng 10%, đất đắp nền tăng 30-40%.

Theo Bộ Xây dựng, thị trường VLXD trong thời gian tới vẫn còn nhiều biến động, chịu ảnh hưởng bởi thị trường nguyên liệu đầu vào nhập khẩu như xi măng, sắt thép, nhựa đường hay các vật liệu khai thác như cát, đá, đất đắp.

Đối với thị trường xi măng, bên cạnh áp lực dư cung, ngành xi măng còn phải đối diện với chi phí đầu vào như giá nguyên liệu sản xuất như than, điện, vỏ bao, đặc biệt là xăng dầu... đều tăng.

Than là nguyên liệu chiếm khoảng 30% trong cơ cấu giá thành sản xuất xi măng, nhưng giá loại nhiên liệu này tăng rất mạnh, hơn 200% so với giá cùng kỳ năm trước. Đến nay, mặt hàng xi măng đã có 3 lần tăng giá bán từ đầu năm, hiện đang ở mức 13,2-16 triệu đồng/tấn tùy thương hiệu và loại xi măng.

Với mặt hàng thép, các doanh nghiệp sản xuất trong ngành này hiện đang phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Việc thiếu chủ động nguyên liệu trong bối cảnh giá thép thế giới biến động bất thường bởi các căng thẳng kinh tế, thương mại khiến giá loại vật liệu này biến động thép giá thép thế giới.

Thị trường vật liệu xây dựng dự báo nhiều biến theo giá nguyên, nhiên liệu đầu vào

Đáng nói, không chỉ có chuyện lạm phát, tăng giá mà thị trường VLXD hiện nay còn tình trạng khan hiếm nhiều loại vật liệu, đặc biệt là cát, sỏi xây dựng.

Vụ vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, tổng trữ lượng cát, sỏi đủ tiêu chuẩn làm cát xây dựng được các địa phương phê duyệt theo thẩm quyền khoảng 692 triệu m3; công suất cấp phép khai thác cát xây dựng khoảng 62 triệu m3/năm.

Hiện nhu cầu sử dụng cát xây dựng cả nước hàng năm khoảng 130 triệu m3. Như vậy, nguồn cung hợp pháp chỉ đáp ứng được từ 40-50% nhu cầu cát xây dựng. Trên thực thế, tình trạng thiếu cát xây dựng tại một số thời điểm và một số nơi đã xảy ra trong thời gian vừa qua. Điều này đã đẩy giá loại VLXD này lên cao trong thời gian qua.

Việc các loại vật liệu tăng giá mạnh trong thời gian qua đã ít nhiều ảnh hưởng lớn đến tiến độ giải ngân đầu tư công và khiến nhiều nhà thầu xây dựng mấp mé bên bờ vực thua lỗ. Bên cạnh đó, giá sắt thép, xi măng tăng cũng được dự báo sẽ gây tác động, khiến giá nhà ở, công trình xây dựng tăng cao.

Mới đây, trong báo cáo tình hình giá VLXD, thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm, Bộ Xây dựng cho rằng giá nhiều loại VLXD sẽ tiếp tục tăng và dự báo còn nhiều biến động trong những tháng còn lại của năm nay.

Dồn lục bình ổn giá vật liệu xây dựng

Cần có biện pháp giảm thuế để kéo giảm giá nguyên vật liệu, đặc biệt là các loại vật liệu nhập khẩu

Đến nay, đà tăng giá VLXD và nguyên, nhiên liệu đầu vào chưa có nhiều giải pháp để giải quyết triệt để. Nếu không kiểm soát kịp thời đà tăng giá vật liệu hiện nay, việc triển khai các công trình hạ tầng lớn sẽ gặp nhiều khó khăn.

Trước tình trạng trên, Chính phủ đã có những chỉ đạo, yêu cầu các bộ ngành và địa phương cập nhật giá VLXD sát thực tế, bảo đảm đầy đủ thông tin của các vật liệu, tránh đầu cơ, thổi giá.

Ngoài việc cập nhật định mức, đơn giá theo thị trường, cần có biện pháp giảm thuế để kéo giảm giá nguyên vật liệu, đặc biệt là các loại vật liệu nhập khẩu.

Việc điều chỉnh giá VLXD phải có sự kiểm soát và công khai minh bạch để hạn chế trục lợi, thao túng giá. Trên thực tế, việc cập nhật giá các loại VLXD hiện nay không phải là khó khi các công ty sản xuất, phân phối đều có thông báo giá rộng rãi và thường xuyên.

Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng cùng với các đơn vị liên quan tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường VLXD, đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, đặc biệt là đối với các loại vật liệu chủ yếu. Bên cạnh đó, nghiên cứu rà soát, đề xuất các giải pháp quản lý việc đầu tư phát triển các sản phẩm VLXD khi các quy hoạch sản phẩm hết hiệu lực.

Về công tác quản lý, sẽ tiếp tục đôn đốc các tỉnh nghiên cứu, xây dựng kế hoạch phát triển VLXD, phương án sử dụng khoáng sản làm VLXD thông thường.

Hữu Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.