Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành, Phó giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, lạm phát, lãi suất và tỷ giá sẽ là 3 biến số vĩ mô có ảnh hưởng quyết định tới kinh tế Việt Nam trong năm 2011.
Trong năm Tân Mão, kinh tế Việt Nam vẫn sẽ phải đối mặt với bài toán lạm phát, lãi suất cao. Cùng với đó là sức ép lớn từ vấn đề tỷ giá tiền đồng so với đôla Mỹ và Nhân dân tệ. Những ẩn số này đã được Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành chia sẻ với một góc nhìn tương đối độc đáo trong buổi hội thảo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức trong những ngày cuối năm Canh Dần.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành

Theo Tiến sĩ Thành, nguy cơ lạm phát tăng cao là điều hiển hiện. Tuy nhiên, việc đi tìm nguyên nhân cũng như những động lực chính thúc đẩy giá cả tăng cao trong năm 2011 lại đưa đến những kết quả rất khác nhau.

“Năm nay, người ta nhắc nhiều đến chuyện tăng giá một số mặt hàng cơ bản, tăng lương, khả năng điều chỉnh tỷ giá… có thể thúc đẩy lạm phát. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng những yếu tố này chỉ khiến giá cả tăng một lần, không phải là động lực liên tục thúc đẩy lạm phát”, Tiến sĩ Thành nhận định.

Yếu tố liên tục thúc đẩy lạm phát trong những năm gần đây, theo chuyên gia kinh tế này, là tốc độ tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng. Thống kê từ cuối năm 2005 của Tiến sĩ Thành và các đồng nghiệp tại Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright cho thấy việc lạm phát tăng cao thường có độ trễ khoảng 7 tháng so với các thời điểm bùng phát về tăng trưởng tín dụng. Ngược lại, khi tín dụng được thắt chặt thì lạm phát cũng giảm sau đó khoảng hơn nửa năm.

Về mặt lý thuyết, các chuyên gia kinh tế cho rằng muốn lạm phát giảm thì cần thắt chặt tiền tệ, đồng nghĩa với việc giảm tín dụng. Tuy nhiên, do nhu cầu thúc đẩy tăng trưởng cũng như tạo thanh khoản cho thị trường tài chính, Tiến sĩ Thành cho rằng cung tín dụng vẫn là một bài toán không dễ giải đối với các nhà hoạch định chính sách trong năm nay.

Cùng với lạm phát, một nút thắt khác của nền kinh tế trong năm 2011 là lãi suất cao. Chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu chính sách Nguyễn Xuân Thành cho rằng 3 nguyên nhân chính dẫn đến vướng mắc này của kinh tế, trong đó bao gồm cả câu chuyện lạm phát.

Diễn biến lạm phát trong năm 2010. Số liệu: GSO

Nguyên nhân thứ 2, là điểm đến của các dòng vốn tại Việt Nam. “Tại sao trong năm 2010 tín dụng tăng 30%, tổng phương tiện thanh toán tăng 25% mà doanh nghiệp vẫn thiếu hoặc không tiếp cận được vốn?”, Tiến sĩ Thành đặt câu hỏi.

Ông Thành khẳng định một phần lớn tín dụng của các ngân hàng thương mại trong năm 2010 đã bị chảy vào khu vực công thông qua con đường trái phiếu. Trái phiếu vừa lãi suất cao, lại được nhà băng sử dụng làm phương tiện cầm cố để vay vốn từ ngân hàng trung ương dẫn đến một vòng luẩn quẩn về của dòng tiền. “Vốn do vậy không đến được tay doanh nghiệp”.

Nguyên nhân thứ 3 khiến lãi suất cao, theo Tiến sĩ Thành, có liên quan đến thanh khoản của hệ thống ngân hàng, đặc biệt là thanh khoản về ngoại tệ: “Không chỉ tiền đồng cao, lãi suất đôla Mỹ hiện cũng được nhiều ngân hàng đẩy lên 6% một năm. Chúng ta có quyền đặt câu hỏi tại sao lãi suất trong nước lại cao như vậy khi mà thế giới hiện cho nhau vay đôla Mỹ với lãi suất 0-0,5% một năm?”.

Theo lý giải của chuyên gia này, vào giữa năm 2010, đã có một đợt bùng nổ cho vay ngoại tệ tại các ngân hàng (tăng trưởng tín dụng ngoại tệ 2010 lên tới 49%). Hệ quả là đến thời điểm này, nhà băng phải hối hả huy động ngoại tệ để bù đắp các khoản cho vay.

“Bài toán lãi suất cao chỉ có thể giải nếu nền kinh tế chịu đau thương ở 2 khu vực. Khu vực tiền tệ cần thắt chặt để giảm được kỳ vọng lạm phát xuống 6-7%. Kèm theo đó là các biện pháp tích cực (tăng vốn, sáp nhập…) nhằm cải thiện độ an toàn của hệ thống ngân hàng. Nếu làm tốt được điều này, lãi suất có thể giảm về 9-10% trong năm nay”, Tiến sĩ Thành hiến kế.

Bài toán thứ 3, đồng thời cũng là bài toán nan giải nhất với kinh tế Việt Nam trong năm tới, theo Tiến sĩ Thành là nút thắt tỷ giá, vốn liên quan trực tiếp tới tình trạng thâm hụt thương mại.

Chênh lệch cán cân xuất - nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2010 là âm 12,5 tỷ USD, trong đó thâm hụt với Trung Quốc là 13 tỷ USD. Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành, chính việc thâm hụt mậu dịch nặng nề với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã khiến Việt Nam phải chịu sức ép lớn về tỷ giá, do chính sách đối với đồng tiền của 2 nước trái ngược nhau.

“Đồng Việt Nam đang được định giá cao so với đôla Mỹ. Bằng chứng là tỷ giá tự do là 21.000 đồng đổi một USD trong khi chính thức chỉ 19.500 đồng. Trong khi đó, Trung Quốc lại duy trì một chính sách đồng Nhân dân tệ yếu. Chính điều này đã khiến đồng Việt Nam bị đánh giá quá cao so với Nhân dân tệ”, Tiến sĩ Thành phân tích.

Theo chuyên gia của Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright, do bất lợi tỷ giá, hàng hóa Việt Nam đã gặp nhiều khó khăn trong quan hệ thương mại với Trung Quốc. Thâm hụt mậu dịch, do đó càng bị đào sâu, dẫn đến sức ép về tỷ giá.

“Đề khắc phục tình trạng này, nền kinh tế một lần nữa phải chấp nhận thương đau khi tiến hành điều chỉnh tỷ giá, sao cho đồng tiền không bị định giá quá cao. Tuy nhiên, làm việc này vào thời điểm nào, như thế nào để đồng tiền không phải chịu thêm sức ép mới là bài toán thực sự khó”, Tiến sĩ Thành nhận định.

Cafeland.vn - Theo Nhật Minh (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland