23/08/2017 1:20 PM
CafeLand – Số phận của dự án Saigon One Tower – tòa tháp cao thứ 3 tại TP.HCM sẽ ra sao sau khi bị Công ty quản lý tài sản (VAMC) quyết định thu giữ vì khoản nợ lên đến hơn 7.000 tỷ của chủ đầu tư?

Ngày 21/8/2017, giới địa ốc Sài Gòn xôn xao trước thông tin dự án Saigon One Tower (34 Tôn Đức Thắng, quận 1) bị VAMC thu giữ làm tài sản đảm bảo để xử lý khoản nợ lên đến hơn 7.000 tỷ của chủ đầu tư dự án này. Đây là tài sản đảm bảo đầu tiên bị thu giữ theo Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội về xử lý nợ xấu.

Theo đó, danh mục tài sản bảo đảm sẽ thực hiện thu giữ là công trình cao ốc phức hợp và quyền khai thác công trình thuộc dự án đầu tư cao ốc phức hợp Saigon One Tower.

Bao gồm quyền sở hữu và quyền khai thác kinh doanh toàn bộ công trình xây dựng tầng hầm, khu trung tâm thương mại, khu văn phòng cho thuê, các công trình phụ; quyền sở hữu 14.954,8m2 diện tích khai thác kinh doanh thực tế của khu căn hộ cao cấp.

Ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC, khẳng định việc thu giữ dự án Sài Gòn One Tower là đúng theo quy định của Nghị quyết 42. Các bên liên quan cũng hợp tác và có thiện chí. Phía Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết quy trình thu giữ của VAMC tuân thủ đúng quy định.

3 kịch bản

Theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia Tài chính Ngân hàng, Nghị quyết 42 của Quốc Hội vừa mới được ban hành và có hiệu lực từ ngày 15/8/2017. Về pháp lý đã có cơ sở để VAMC sẽ thu hồi tài sản đảm bảo là dự án Saigon One Tower.

“Tuy nhiên, chúng ta cũng phải chờ xem việc thu hồi đó có thực hiện một cách suôn sẻ hay không. Dự án đó đã có cả chục năm rồi, không thể hoàn thiện, các nhà đầu tư và những người đi vay ngân hàng đã không có khả năng thanh toán, cũng không có khả năng hoàn thiện dự án”, Tiến sĩ Hiếu nói.

Theo ông Hiếu, trong trường hợp của dự án Saigon One Tower sẽ có 3 kịch bản xảy ra:

Kịch bản thứ nhất là giải quyết suôn sẻ khi chủ đầu tư dự án sẵn sàng trao trả tài sản thế chấp cho VAMC. Sau đó, tổ chức này sẽ tổ chức bán đấu giá hoặc thanh lý tài sản đảm bảo là dự án đó để thu hồi số nợ hơn 7.000 tỷ đồng.

Kịch bản thứ 2 là chủ đầu tư sẽ không chấp nhận để cho VAMC thu hồi dự án. Trong trường hợp có tranh chấp như thế thì VAMC phải nhờ đến các cơ quan công lực để có thể giám sát, hỗ trợ thu hồi tài sản theo quy định của nghị quyết 42.

Kịch bản thứ 3 là cả hai bên tranh chấp và kéo nhau ra tòa. Trong trường hợp này Nghị Quyết 42 có quy định tòa sẽ xử lý theo thủ tục rút gọn. Tuy nhiên, quy định này đến bây giờ cũng chỉ mới trên nghị quyết 42 chứ thủ tục rút ngọn như thế nào về pháp lý, thời gian thì còn phải chờ thêm tòa án giải thích.

Thứ tự ưu tiên khi xử lý khối tài sản

Theo Luật sư Trần Đức Phượng – Đoàn Luật sư TP.HCM, việc thu giữ tài sản đảm bảo để xử lý nợ xấu là đúng và cần thiết. Trước đây, luật cũng đã có quy định về thu giữ tài sản đảm bảo xử lý nợ nhưng chưa cụ thể.

Nghị quyết 42 ra đời có nhiều điểm sáng. Trong đó, quy định nguyên tắc mua, bán nợ xấu là mua bằng giá trị định giá (của tổ chức định giá độc lập), sau đó xử lý, bán, thu hồi nợ và phân chia giá trị còn lại sau khi trừ giá mua và các chi phí xử lý.

Thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản là: Chi phí bảo quản và thu giữ, chi phí xử lý, sau đó đến thanh toán nghĩa vụ bảo đảm, sau đó đến nghĩa vụ thuế và cuối cùng là các nghĩa vụ khác không có bảo đảm.

Trong Nghị quyết 42, quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu được quy định cụ thể hơn về điều kiện áp dụng và trách nhiệm phối hợp của cơ quan chính quyền địa phương trong quá trình thu giữ tài sản để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội nhằm đảm bảo bên xử lý thực hiện thực quyền của mình trên thực tế. Đây là quy định cụ thể và tháo gỡ những vướng mắc hiện nay trong việc thu giữ tài sản bảo đảm của bên xử lý nợ.

Một số hình ảnh của tòa tháp Saigon One Tower:

Saigon One Tower tọa lạc khu đất vàng giao lộ Tôn Đức Thắng – Hàm Nghi (quận 1).

Dự án được xây dựng từ năm 2007 với tổng vốn đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng do Công ty CP địa ốc Sài Gòn M&C làm chủ đầu tư.

Với 42 tầng cao và 5 tầng hầm, dự án này là tòa tháp cao thứ 3 tại TP.HCM.

Dự án ngưng thi công vào năm 2011 khi đã hoàn thiện khoảng 80%.

Hơn 6 năm trùm mền dự án trở thành nỗi ám ảnh làm xấu bộ mặt của thành phố.

Theo kế hoạch tháng 10/2017 dự án sẽ tái khởi động. Tuy nhiên, với việc bị VAMC thu hồi mới đây, số phận dự án đang là một dấu hỏi.

Nguyễn Văn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.