Mô hình một dự án khu đô thị lấn biển tại Cần Giờ được khởi công từ năm 2007 - Ảnh: Hữu Thắng.
Đây là một trong số 25 dự án trong danh mục các dự án hạ tầng trọng điểm ưu tiên đầu tư vừa được UBND thành phố gởi Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 4-9 vừa qua.
Cụ thể, thành phố sẽ xây dựng công trình như tuyến đê lấn ra biển với chiều rộng lấn biển 300 mét, kết cấu tường chắn sóng, kè mái nghiêng, hành lang và đường giao thông ven biển dọc theo kè trên địa bàn thị trấn Cần Thạnh và xã Long Hòa, huyện Cần Giờ. Tổng nguồn kinh phí ban đầu tư dự kiến khoảng 2.660 tỉ đồng.
Theo UBND thành phố, mục tiêu chủ yếu của dự án này nhằm phục vụ dân sinh, phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, thích ứng với nguy cơ nước biển dâng và những tác động bất lợi từ biển.
Dự án nâng cấp tuyến đê biển Cần Giờ cũng phù hợp với quy hoạch chung của thành phố và theo chương trình củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 27-5-2009.
Với hơn 70.000 héc ta rừng đước, dừa nước, sông và kênh rạch, Cần Giờ được xem như một lá phổi của TPHCM. Trong đó, một nửa diện tích là khu dự trữ sinh quyển, năm 2000 được UNESCO xếp hạng di sản thiên nhiên của thế giới với hệ động thực vật đa dạng, độc đáo điển hình của vùng ngập mặn.
Trước đó, vào cuối năm 2007 Công ty cổ phần Đô thị du lịch Cần Giờ (CTC) đã khởi động dự án Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ - Saigon Sunbay. Dự án rộng 600 héc ta và có tổng kinh phí đầu tư 8.470 tỉ đồng. Giai đoạn 1 bắt đầu từ năm 2007 gồm phần san lấp biển, giai đoạn 2 sẽ tiếp tục hoàn thành phần cơ sở kỹ thuật hạ tầng và sẽ hoàn tất các công trình vào giữa năm 2016.
TPHCM ưu tiên đầu tư 25 dự án hạ tầng trọng điểm Chính quyền TPHCM sẽ ưu tiên triển khai 25 dự án hạ tầng trọng điểm trong giai đoạn đến năm 2020, trong đó có nhiều dự án giao thông và chống ngập quan trọng sẽ được ưu tiên triển khai trong thời gian này. UBND thành phố đã kê ra 11 dự án giao thông, 8 dự án thủy lợi chống ngập, 4 dự án khoa học công nghệ và 2 dự án lĩnh vực văn hóa thể thao trong văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 4-9 về danh mục và thứ tự ưu tiên các dự án hạ tầng trọng điểm của thành phố. 11 dự án giao thông được ưu tiên đầu tư - Dự án xây dựng nhà ga trung tâm Bến Thành (quận 1), dự kiến thời gian khởi công năm 2015 và hoàn thành năm 2017, tổng vốn 830 triệu đô la Mỹ. - Dự án xây dựng khép kín đường vành đai 2 phía Đông thành phố (quận 9, Thủ Đức), khởi công năm 2014 và hoàn thành vào năm 2018 với chiều dài tuyến dài 9,2 km, rộng 67 mét bao gồm bao gồm cầu Rạch Chiếc trên đường vành đai phía Đông có chiều dài 634 mét và rộng 46,2 mét, tổng vốn đầu tư 8.265 tỉ đồng, trong đó chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng là 3.910 tỉ đồng. - Dự án xây dựng khép kín đường vành đai 2 phía Tây thành phố (quận 8, Bình Tân, Bình Chánh) dài 5,3 km và rộng 60 mét, thời gian khởi công năm 2015 và hoàn thành vào năm 2018, vốn đầu tư 6.060 tỉ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng 4.200 tỉ đồng. - Dự án mở rộng quốc lộ 2 (đường Xuyên Á) trên địa bàn quận 12, Hóc Môn và Củ Chi dài 20 km và rộng 120 mét từ nút giao An Sương đến cầu vượt Củ Chi, khởi công năm 2016 và hoàn thành năm 2020, vốn đầu tư 13.532 tỉ đồng, trong đó bồi thường giải phóng mặt bằng 1.028 tỉ đồng. - Dự án xây dựng cầu đường Bình Tiên (quận 6, 8, Bình Chánh), trong đó phần đường gần 2,3 km và rộng 40 mét phần cầu gần 930 mét và rộng 16 mét, dự kiến năm 2015 khởi công và năm 2018 hoàn thành, tổng vốn 4.460 tỉ đồng trong đó bồi thường giải phóng mặt bằng 2.060 tỉ đồng. - Dự án nâng cấp sửa chữa tỉnh lộ 15 (quận 12, Củ Chi) dài 40 km rộng 35 - 40 mét, khởi công năm 2015 và hoàn thành năm 2018, vốn đầu tư 5.900 tỉ đồng, trong đó bồi thường giải phóng mặt bằng là 1.395 tỉ đồng.- Dự án nâng cấp mở rộng đường Phạm Văn Hớn (Hóc Môn) dài 4,5 km và rộng 40 mét, khởi công năm 2015 và hoàn thành năm 2018, tổng vốn 2.100 tỉ đồng, trong đó 1.200 tỉ đồng cho bồi thường giải phóng mặt bằng. - Dự án xây dựng đường trên cao số 1 (dọc theo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đoạn từ Lăng Cha Cả đến cầu Thị Nghè) dài 9,5 km và rộng 17,5 mét, khởi công năm 2015 và hoàn thành năm 2018, vốn 660 triệu đô la Mỹ, trong đó bồi thường giải phóng mặt bằng 105 triệu đô la Mỹ. - Dự án đường trên cao số 2 (từ điểm giao cắt tuyến số 1 theo đường Tô Hiến Thành - Lữ Gia - Bình Lợi - đường số 3 với đường vành đai 2) chiều dài 11,8 km và rộng 17,5 mét, vốn 706 triệu đô la Mỹ, trong đó chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng là 306 triệu đô la Mỹ, năm 2017 khởi công và năm 2020 hoàn thành. - Dự án đường trên cao số 3 (từ tuyến số 2 tại Tô Hiến Thành - Lê Hồng Phong - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - trục Bắc Nam - Nguyễn Văn Linh có chiều dài 8,1 km và rộng 17,5 mét, năm 2017 khởi công và năm 2020 hoàn thành, tổng vốn 422 triệu đô la Mỹ, trong đó bồi thường giải phóng mặt bằng 130 triệu đô la Mỹ. - Dự án xây dựng đường trên cao số 4 chiều dài 7,3 km và rộng 17,5 mét, khởi công năm 2017 và hoàn thành năm 2020, tổng vốn 500 triệu đô la Mỹ, trong đó bồi thường giải phóng mặt bằng 250 triệu đô la Mỹ. 8 dự án thủy lợi chống ngập được ưu tiên đầu tư - Dự án tiêu thoát nước và giải quyết ô nhiễm kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên giai đoạn 2 (gồm 10 dự án thành phần, trong đó có 2 dự án ngăn triều, 6 dự án thoát nước thải, 1 dự án kè bờ kênh), tổng vốn 33.000 tỉ đồng. - Dự án tiêu thoát nước bở tả sông Sài Gòn từ rạch Cầu Ngang đến khu đô thị Thủ Thiêm, ngăn triều thoát nước cho 1.600 héc ta khu đô thị phát triển quận 2 và quận Thủ Đức bên bờ tả. Tổng vốn dự kiến là 440 tỉ đồng. - Dự án củng cố nâng cấp tuyến đê biển huyện Cần Giờ, tổng vốn 2.659 tỉ đồng, dự kiến khởi công năm 2017. Khả năng thu hồi vốn từ khai thác quỹ đất lấn biển khoảng 2.350 tỉ đồng. - Dự án hiện đại công trình thủy lợi Hóc Môn - Bình Chánh thích ứng biến đổi khí hậu, khởi công năm 2018 với tổng vốn 1.000 tỉ đồng. - 4 dự án ngăn triều và lũ cho vùng trung tâm và vùng phía Đông thành phố (gồm đê bao ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến Sông Kinh, các cống kiểm soát triều Tân Thuận, Phú Xuân, Bến Nghé), tổng vốn 18.432 tỉ đồng, hiện nay đã được tài trợ 1.130 tỉ đồng xây cống kiểm soát triều Tân Thuận. |