Trong những năm qua, phát triển chung cư và khu đô thị mới luôn được TP Hà Nội quan tâm, đầu tư. Tuy nhiên, nhiều vấn đề liên quan tới việc thực hiện nhiều thủ tục hành chính về quản lý và bảo trì chung cư cũng như các văn bản pháp lý vẫn chưa thể đi vào cuộc sống.
Thiệt đơn, thiệt kép

Theo quy định của pháp luật, khi chung cư đưa vào sử dụng, chậm nhất là sau 12 tháng, chủ đầu tư phải thành lập Ban quản trị tòa nhà. Theo đó, đơn vị tạm thời quản lý chung cư cùng với các hộ dân sinh sống sẽ bầu ra Ban quản trị, và đơn vị quản lý Nhà nước cấp quận, huyện ra quyết định công nhận. Điều đó đồng nghĩa đơn vị chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện và ra quyết định là UBND các quận, huyện. Tuy nhiên thực tế cho thấy, tại nhiều quận, huyện, các cấp lãnh đạo chưa thực sự chủ động và sâu sát. Thậm chí còn hạn chế quyền của Ban quản trị như: Chưa chỉ đạo lập chi bộ, tổ dân phố trước khi lập ban quản trị; Khi thành lập thì không có trong quyết định mở tài khoản gây vướng mắc trong bàn giao 2% quỹ bảo trì cho ban quản trị...

Một góc Khu đô thị Trung Hòa-Nhân Chính. Ảnh: Internet.

Một góc Khu đô thị Trung Hòa-Nhân Chính. Ảnh: Internet.
Bên cạnh đó, những thiết chế văn hóa và cơ sở cần thiết phục vụ dân còn bị buông lỏng. Điển hình như tại khu tái định cư Trung Hòa - Nhân Chính (thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân), hiện không có trường học, không có trạm y tế, không có chợ dân sinh, không có nơi sinh hoạt cộng đồng... Một khu chung cư được coi là "cao cấp" bậc nhất Thủ đô như Trung Hòa - Nhân Chính, có tới 8 nhà cao 17 và 18 tầng nhưng trong nhiều nhiều năm người dân vẫn phải sinh hoạt tổ dân phố ở ngoài hành lang. Mãi đến cuối năm 2011 mới "xin" được trên 100m2 làm nơi hội họp chung. Ngay khu này dù rất đông dân nhưng cũng không có trường học công lập từ mẫu giáo trở lên.

Cần sớm bảo trì nhà chung cư

Theo các văn bản hiện nay, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm bảo dưỡng nhà chung cư tối đa 5 năm/lần. Sau đó việc "bảo trì" sẽ do người dân sống tại chung cư thực hiện và các đơn vị quản lý Nhà nước phải chỉ đạo thực hiện. Đối với những chung cư và khu đô thị mới xây dựng về sau thì chủ đầu tư thu 2% giá trị căn hộ để lập quỹ bảo trì nhà chung cư và sẽ bàn giao cho Ban quản trị quản lý phục vụ cho việc bảo trì. Tuy nhiên đến nay, chưa thấy đơn vị quản lý nhà chung cư nào thực hiện công tác này.

Có thể thấy, đã đến lúc các cấp có thẩm quyền lắng nghe nguyện vọng chính đáng của dân để tìm hướng giải quyết giúp người dân tháo gỡ những khó khăn, đảm bảo chung cư bền vững, xây dựng tốt đời sống văn hóa cho tương xứng. Theo đó, các cấp chính quyền cần tìm cách bố trí, thu xếp bổ sung thêm cho dân có nơi sinh hoạt cộng đồng cần thiết. Quan tâm tới việc xây dựng các trường học công lập từ cấp mẫu giáo trở lên, cũng như hệ thống chợ - siêu thị, trạm y tế... nhằm phục vụ nhu cầu của đông đảo cư dân nhà chung cư, khu đô thị...

Các cấp chính quyền địa phương cần sớm kiện toàn tổ chức Ban quản trị với quyền hạn trách nhiệm đầy đủ theo quy định. Cụ thể, nơi nào chưa bàn giao quỹ bảo trì 2% đã thu cần thực hiện ngay để có kế hoạch lần lượt bảo trì cho chung cư bền vững. Nơi nào chưa thu 2% quỹ bảo trì thì cần có hướng dẫn cụ chi tiết cách thức thu theo tiến độ xác định phục vụ cho các định kỳ bảo trì dần các hạng mục cần thiết phù hợp với từng nhà chung cư. Bên cạnh đó, sự ủng hộ của người dân trong việc đóng góp đầy đủ các khoản thu theo quy định sẽ là yếu tố cần thiết, góp phần phát triển bền vững các chung cư và khu đô thị mới hiện nay.
Nguyễn Đức Thuần (Kinh tế & đô thị)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.