Sự việc người dân đổ xô đến công viên nước Hồ Tây trong ngày miễn phí, hàng trăm người trèo qua tường rào vào bên trong công viên gây náo loạn đã lắng xuống, nhưng để lại cho chúng ta nhiều suy ngẫm. Nhu cầu có được các điểm vui chơi chất lượng và miễn phí của người dân rất cao. Một mùa hè nữa lại đang đến gần, trong khi không gian công cộng ở các khu tập thể bị lấn chiếm gần hết, công viên mới quá tải, công viên cũ các hạng mục gỉ sét, “đắp chiếu”, sự “bức bối” về đời sống tinh thần của người dân Thủ đô bao nhiêu năm qua vẫn chưa được giải quyết.
Tìm một khoảng không gian để người già hít thở không khí trong lành, trẻ con có chỗ vui chơi ở Hà Nội ngày càng hiếm. Những công viên lớn có vốn đầu tư vài chục tỷ đồng chưa nhiều, chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu của người dân. Còn lại những khoảng không gian công cộng hiếm hoi cũng lần lượt nhường chỗ cho bãi trông giữ xe tự phát, quán ăn tạm, hàng tạp hóa, chằng chịt dây phơi quần áo… Không gian chung tại các khu tập thể, nhiều vườn hoa đang bị “xẻ thịt” để phục vụ cho lợi ích cá nhân.
Sân chung tại các khu tập thể từ lâu đã trở thành đất “vàng” đắc địa để nhiều hộ dân tầng một chiếm dụng làm nơi kinh doanh, buôn bán. Không chỉ lấn chiếm vỉa hè, ngay cả khoảng sân bé “cỏn con” cũng bị chiếm làm nơi bán hàng ăn, giải khát, quán bia… Cứ mỗi chiều, khách đông đúc nườm nượp kéo đến ngồi tràn hết một phần sân, lối đi. Còn người già, con trẻ sống trên các tầng của khu tập thể lại mong ngóng, ao ước một khoảng không gian sân chơi rộng rãi.
Từ nhiều năm nay, một nửa sân chung nhà H2 khu tập thể Nguyễn Công Trứ, quận Hai Bà Trưng đã trở thành quán caramen và bánh giò khá nổi tiếng với giới trẻ Hà thành. Chiều nào hai quán này cũng chật cứng khách, ngồi kín cả khoảng vỉa hè lẫn phần sân phía trong. “Ăn” theo hai quán này là dịch vụ gửi xe, cũng tận dụng luôn khoảng sân còn lại làm nơi kiếm sống. Còn việc người dân sinh sống tại các khu nhà tìm chỗ chơi cho trẻ con, chỗ tập dưỡng sinh cho người già, hay đơn giản là khoảng không gian đủ để dăm ba chiếc ghế đá mỗi chiều cho các cụ về hưu chơi cờ, hàn huyên… không được ai quan tâm.
Chính quyền phường sở tại cũng không có biện pháp gì để dẹp các quán hàng lấn chiếm, trả lại không gian cho các khu nhà. Thậm chí, việc lấn chiếm sân chơi để làm hàng quán còn được công khai quảng cáo trên biển hiệu như quán chè Ngọc Thạch Quán. Trên tấm bảng hiệu của cửa hàng này ghi rõ địa chỉ: Sân chơi C5 – khu tập thể Kim Liên. Hình ảnh tấm biển này còn được chủ quán sử dụng làm ảnh bìa cho trang cá nhân trên facebook và là hình ảnh quảng cáo thường xuyên.
Sân chơi nhà C5 tập thể Kim Liên bị chiếm dụng. |
Khảo sát một vòng qua các khu tập thể Bách Khoa, Giảng Võ, Kim Liên, Nguyễn Công Trứ, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Tân Mai…, ở đâu, sân chơi chung cũng bị một nhóm người sử dụng vào mục đích riêng. Lẽ ra, với số lượng dân cư ở tập trung với mật độ dày, khoảng không gian công cộng là điều kiện thiết yếu để trẻ em vui chơi sau giờ học, là nơi giao lưu, kết nối mối quan hệ hàng xóm, láng giềng… nhưng những khoảng không này trở nên quá hiếm hoi với người dân sống ở nội thành.
Trao đổi với chúng tôi, anh Đỗ Danh Hòa, người dân sống tại khu tập thể Bách Khoa cho biết, gia đình anh mua nhà ở khu này đã 4 năm. Nhưng con gái anh chỉ cuối tuần mới được bố mẹ cho đi chơi công viên, còn lại hàng ngày, sau khi đi học về, trò giải trí của cháu là xem tivi, chơi đồ hàng ở trong nhà.
“Nhiều lúc cũng muốn cho cháu xuống sân chơi nhưng làm gì còn chỗ, người ta tận dụng trông xe, bán hàng vỉa hè bày bàn ghế la liệt khắp nơi…”, anh Hòa bức xúc. Những nhà không tham gia kinh doanh ở dưới tầng 1 thì chủ động giữ khoảng không cho riêng nhà mình bằng cách bày ra đủ loại chậu hoa cây cảnh hay chăng dây phơi để các hộ nhận trông xe không để xe trước cửa nhà mình.
Sân chung của khu tập thể Bộ Thủy sản cũng nằm trong tình trạng tương tự. Gần 20 năm nay, một quán phở án ngữ một phần, các phần khác được dùng làm chỗ để xe. Tổ dân phố cũng tổ chức trông xe để có thêm kinh phí sử dụng cho các công việc chung.
Chị Trần Mỹ Dung, một trong những hộ dân sống ở đây cho biết, cứ phải đến tối mịt, khi quán phở đã dọn, xe đến đã vãn thì lũ trẻ trong khu nhà mới có thể xuống chơi trong ánh đèn đường mờ mờ, tỏ tỏ. “Còn hầu hết, bọn trẻ đi học về là ngồi xem tivi, chơi điện tử hay cùng lắm là chạy dọc hành lang. Có đứa còn mang bóng lên đá trên… cầu thang, bởi nếu mang xuống sân, thế nào cũng bị mắng”, chị Dung chia sẻ.
Nhu cầu có sân chơi tại nơi sinh sống của người dân luôn có, nhưng họ cũng không có biện pháp nào khả dĩ hơn việc phản ánh lên UBND phường, nhưng hoặc không quyết liệt, hoặc cứ dẹp hôm nay, ngày mai các quán cóc lại tiếp tục hoạt động nên tuổi thơ của con trẻ vẫn bị “nhốt” chặt trong 4 bức tường của căn hộ tập thể chật chội.
Rất nhiều ý kiến của các chuyên gia như ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam đề xuất, phải làm rõ trách nhiệm và quyền của người dân sinh sống tại chính khu tập thể sở hữu sân chơi đó. Ông Hùng cũng bày tỏ quan điểm phải xử lý kiên quyết các đối tượng lấn chiếm diện tích chung ở tầng 1 và tầng mái tại các khu tập thể. Nhưng để thực hiện lại không dễ dàng.
Ngay từ năm 2013, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt kế hoạch đầu tư phát triển hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa, hồ nước đến năm 2015 với mức kinh phí khổng lồ 5.000 tỷ đồng.
Theo đó, tổng kinh phí đầu tư dự kiến là 4.993 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách 1.182 tỷ đồng, vốn xã hội hóa 3.441 tỷ đồng và vốn ODA là 369 tỷ đồng. Nếu nhìn vào con số đầu tư này, có thể thấy rõ đến thời điểm này, Hà Nội sẽ có thêm nhiều không gian vui chơi công cộng. Tuy nhiên, thực tế, các công viên này cũng chỉ đáp ứng được một phần rất bé so với nhu cầu của người dân.