Sân chơi khu tập thể Thành Công bị chiếm dụng để trông xe, bán hàng ăn từ nhiều năm nay
Đã thiếu lại bị chiếm dụng
Khảo sát tại một số khu tập thể cũ trên địa bàn Hà Nội như Giảng Võ, Thành Công, Thanh Xuân, Trung Tự, Kim Liên... điểm dễ nhận thấy là tình trạng sử dụng sân chơi chung làm điểm trông giữ xe, bán hàng, tập kết rác thải, vật liệu xây dựng… diễn ra khá phổ biến khiến người già mất chỗ tập thể dục, trẻ em không còn chỗ chơi. Đây chính là nguyên nhân khiến không ít trẻ thường xuyên tràn xuống lòng đường, vỉa hè để đá bóng, tập xe đạp, chơi cầu lông… gây mất an toàn giao thông nghiêm trọng.
Ông Vũ Xuân Bách ở phố Thành Công, quận Ba Đình chia sẻ, nhiều năm nay, tại các khu tập thể cũ, một số cá nhân tự ý biến diện tích sử dụng chung thành của riêng. Họ bán hàng, nấu nướng trong sân tập thể, xả rác, để xe bừa bãi… gây mất an ninh trật tự, khiến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Mặc dù, chính quyền địa phương đã ra quân dẹp bỏ, song do công tác quản lý thiếu chặt chẽ, thiếu người chốt trực nên chỉ sau một thời gian ngắn hiện tượng này lại tái diễn. “Khổ nhất là bọn trẻ nghỉ hè chỉ quanh quẩn trong mấy bức tường chật chội, xuống sân thì không có chỗ chơi nên lúc nào cũng cuồng chân, bí bách. Cũng vì thiếu sân chơi nên các cháu rất dễ sa đà vào trò chơi điện tử” - ông Bách bức xúc.
Không chỉ các khu tập thể cũ mà tại các chung cư mới, mặc dù khi bán nhà, chủ đầu tư luôn quảng cáo khá rầm rộ về các tiện ích đi kèm như khu sân vườn, nơi chơi công cộng rộng rãi dành cho trẻ em. Tuy vậy, trên thực tế phần lớn diện tích này đang dần bị thu hẹp, thành nơi trông giữ xe ô tô, xe máy. Bà Lê Thị Hoa - người sống tại Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, quận Thanh Xuân cho biết, sân chơi chung vốn là nơi sinh hoạt cộng đồng, nơi vui chơi cho trẻ em.
Song hiện nay, những sân chơi này đã không còn giữ được công năng như ban đầu mà ngày càng trở nên lộn xộn, nhếch nhác vì xe cộ để tràn lan. “Do thiếu những sân chơi cho trẻ theo đúng nghĩa nên bất kỳ chỗ trống nào cũng có thể trở thành chỗ vui chơi tạm bợ, dù những nơi này tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn. Đặc biệt, do thiếu sân chơi nên trẻ em chọn trò chơi điện tử với nhiều yếu tố bạo lực để giải trí thay vì tham gia các hoạt động vui chơi tập thể, nhằm rèn luyện về thể chất. Điều này có thể dẫn đến nhiều hệ lụy xã hội” - Bà Hoa lo ngại.
Canh cánh nỗi lo
Tại Hà Nội hiện nay, số điểm vui chơi dành cho trẻ em không có nhiều sự thay đổi, quanh đi quẩn lại vẫn chỉ là Cung Thiếu nhi Hà Nội, Công viên Thống Nhất, Công viên nước Hồ Tây hay Công viên Thủ Lệ... Điều đáng nói là, một số điểm vui chơi công cộng đang bị xuống cấp nghiêm trọng và không phát huy được hiệu quả như mong muốn.
Tại những điểm như công viên Thống Nhất, vườn thú Hà Nội… tuy trẻ vào tham quan, vui chơi vào mùa hè tăng đột biến song số lượng trò chơi còn ít, thiết bị cũ và khá đơn điệu nên dễ dẫn đến tình trạng quá tải, đặc biệt là vào ngày nghỉ cuối tuần hay dịp lễ Tết. Một số công viên mới được đầu tư xây dựng như Công viên Cầu Giấy, Nghĩa Đô tuy sạch, đẹp, thoáng mát và có nhiều trò chơi hấp dẫn nhưng lúc nào cũng trong cảnh đông nghẹt người. Trẻ em muốn tham gia phải xếp hàng khá lâu nên sự hào hứng bị giảm đáng kể.
Được biết, từ cuối năm 2015, UBND TP Hà Nội đã giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tiến hành rà soát thực trạng vườn hoa, sân chơi công cộng trên địa bàn thành phố. Kết quả cho thấy, tại khu vực nội đô có rất ít các sân chơi, vườn hoa công cộng được trang bị đầy đủ các trang thiết bị vui chơi cho trẻ em.
Trang thiết bị tại các khu vui chơi này chất lượng kém, xuống cấp, lạc hậu… Trước thực trạng này, thành phố đã có văn bản gửi các sở, ngành liên quan và các quận, huyện, thị xã nhằm giải quyết vấn đề sân chơi, vườn hoa cho nhân dân, đặc biệt là các sân chơi trẻ em.
Theo đó, UBND các quận, huyện, thị xã có liên quan có trách nhiệm tổ chức triển khai lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết, tổng mặt bằng và phương án kiến trúc làm cơ sở lập dự án đầu tư; lập kế hoạch, danh mục đầu tư, báo cáo UBND thành phố. Đối với Sở Quy hoạch - Kiến trúc ngay từ bước lập quy hoạch phải xác định quỹ đất công cộng, trong đó có sân chơi trẻ em. Trong đó, đặc biệt lưu ý tới các dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp các khu tập thể cũ…
Trong khi chờ các cơ quan chức năng triển khai giải pháp thì không ít bậc phụ huynh vẫn đang trăn trở với câu hỏi “nghỉ hè, trẻ biết chơi đâu” . Và cùng với câu hỏi này là nỗi lo con em mình bị chìm đắm trong những trò chơi đầy bạo lực của thế giới ảo …