17/12/2012 9:56 AM
“Việc mua bán phải trên nguyên tắc phù hợp với cơ chế thị trường. Thị trường thấp mà mình mua cao thì không được. Trong quá trình đó phải có chào giá, đấu giá công khai; cơ quan quản lý Nhà nước phải tham gia để kiểm soát, minh bạch giá.

Nhà nước phải làm sao mua được nhà giá hợp lý trên cơ sở quản lý được giá đất, giá xây dựng, lãi vay (nếu có) để định ra giá hợp lý rồi lựa chọn”, bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng trả lời phỏng vấn Sài Gòn Tiếp Thị về chủ trương Nhà nước sẽ mua nhà ở thương mại để làm nhà tái định cư theo dự thảo nghị định về “phát triển và quản lý nhà ở tái định cư” mà bộ này vừa trình Chính phủ.

Lý do mà bộ Xây dựng đưa ra đề xuất mua nhà ở thương mại làm nhà tái định cư là gì, thưa bộ trưởng?

Do vấn đề nhà ở tái định cư được quy định phân tán trong các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai, pháp luật về xây dựng mà chưa có chính sách quản lý thống nhất nên dẫn đến nhiều lúng túng trong quá trình thực hiện, trực tiếp ảnh hưởng đến tâm lý người dân và cách nhìn của xã hội đối với nhà tái định cư, đặc biệt là vấn đề chất lượng nhà ở và chất lượng công tác quản lý, sử dụng nhà ở tái định cư. Vì vậy, điều quan trọng trong dự thảo nghị định về phát triển và quản lý nhà ở tái định cư mà bộ vừa trình Chính phủ là hạn chế tối đa việc Nhà nước trực tiếp đứng ra tổ chức xây dựng nhà tái định cư tại đô thị, điều này nhằm nâng cao chất lượng nhà ở tái định cư, khắc phục những tồn tại liên quan đến tạo lập và quản lý sử dụng nhà tái định cư, tạo bước đột phá về phát triển và quản lý nhà ở tái định cư gắn với việc thực hiện các chính sách xã hội.

Nghĩa là tới đây quỹ nhà tái định cư chủ yếu sẽ lấy từ nguồn nhà ở thương mại?

Sẽ lấy từ nguồn nhà ở xã hội là chính và nhà ở thương mại do Nhà nước mua (để phục vụ tái định cư). Người dân tái định cư đô thị đương nhiên đủ tiêu chuẩn để mua nhà ở xã hội (được 100 điểm tối đa khi xét duyệt đối tượng được mua nhà ở xã hội theo quy định). Trường hợp người dân tái định cư muốn ở nhà tiêu chuẩn cao hơn, diện tích rộng hơn thì sẽ có quỹ nhà thương mại do Nhà nước mua để đáp ứng nhu cầu tái định cư.

Nâng cao chất lượng nhà tái định cư là chủ trương hoàn toàn đúng, bởi nhu cầu ở nhà chất lượng tốt thì ai cũng muốn, vấn đề là người tái định cư thường có hoàn cảnh khó khăn, không phải ai cũng đủ tiền để mua nhà chất lượng tốt nếu giá cao?

Đúng là có trường hợp người tái định cư khi được bồi thường, do nhà ở cũ quá nhỏ, giá bồi thường thấp, không đủ tiền để mua nhà ở tái định cư. Dự thảo nghị định đã có quy định, trường hợp này thì được thuê nhà ở tái định cư. Đây là một điểm mới trong chính sách phát triển và quản lý tái định cư lần này, thể hiện quyền có nhà ở của mọi người dân, nhất là những người dân phải di chuyển chỗ ở để Nhà nước xây dựng các công trình phục vụ lợi ích chung cho cả cộng đồng.

Nhưng mua nhà thương mại làm nhà tái định cư thì sẽ đẩy giá nhà tái định cư lên cao, bởi ngoài việc giá nhà thương mại trước nay vốn đã cao hơn giá nhà tái định cư, thì nay dự thảo nghị định nói còn nói sẽ cộng thêm khoản lãi tối đa 10 – 15% “để đảm bảo cho nhà đầu tư có lãi”, thưa bộ trưởng?

Không thể nói cao hay thấp trong trường hợp này. Việc Nhà nước mua nhà thương mại để phục vụ nhu cầu tái định cư đã được quy định cụ thể trong dự thảo nghị định này, về nguyên tắc, trình tự, thủ tục và phương thức xác định giá mua, bán nhằm đảm bảo hài hoà lợi ích của Nhà nước, chủ đầu tư và người dân tái định cư.

Thực tế là nhà ở thương mại hiện đang hạ giá cũng khó bán, trong khi nhiều dự án nhà ở xã hội, như ở Hà Nội, có giá còn cao hơn cả nhà ở thương mại. E rằng tới đây giá nhà tái định cư sẽ cao là gần như chắc chắn?

Giá nhà thương mại không thể thấp hơn giá nhà xã hội được vì nhà ở thương mại diện tích lớn, chi phí nhiều hơn. Nếu nhà thương mại có thấp hơn nhà ở xã hội ở đâu đó thì đó là trường hợp rất đặc biệt; chúng ta không nên đưa cái đặc biệt để nói về cái phổ biến được. Nếu giá nhà thương mại thấp hơn (giá nhà ở xã hội) thì doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn, không có sự phát triển, sẽ kéo theo nền kinh tế khó khăn.

Vậy khi mua nhà thương mại làm nhà tái định cư thì tiêu chí sẽ thế nào, cách thức làm sao để mua được nhà với giá hợp lý và không nảy sinh cơ chế chạy chọt, xin – cho như có nhiều ý kiến lo ngại?

Tôi phải nói ngay, dự án nào do địa phương làm chủ đầu tư thì địa phương quyết định, dự án do bộ nào làm chủ đầu tư thì bộ đó quyết định chứ không phải đều do bộ Xây dựng đứng ra mua. Dự thảo nghị định mới quy định khung, còn cụ thể thì sau khi nghị định được ban hành sẽ có thông tư hướng dẫn và tất cả phải trên nguyên tắc phù hợp với cơ chế thị trường. Thị trường thấp mà mình mua cao thì không được. Trong quá trình đó phải đấu giá, cơ quan quản lý nhà nước phải tham gia để minh bạch, chào giá, đấu giá, kiểm soát giá. Hội đồng mua nhà phải làm sao mua được nhà giá hợp lý trên cơ sở quản lý được giá đất, giá xây dựng, lãi vay (nếu có) để định ra giá hợp lý rồi lựa chọn.

Bộ trưởng lý giải sao trước lo ngại rằng trong bối cảnh ngân sách eo hẹp như hiện nay mà lại thêm một khoản ngân sách để mua nhà tái định cư thì sẽ càng khó, không khả thi?

Hiện nay chúng ta vẫn phải bỏ ngân sách để đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư, chứ không phải thêm ngân sách để mua nhà tái định cư. Hơn nữa điều này phụ thuộc vào nhu cầu cụ thể của từng địa phương, từng dự án cụ thể. Việc quản lý kế hoạch đầu tư hoặc mua thì theo các quy định của pháp luật, nhất là luật về ngân sách. Ví dụ TP Hà Nội cần nhà tái định cư thì TP Hà Nội bỏ tiền ngân sách ra, sau đó bán cho người dân thu lại, cho nên nếu anh mua đắt thì sẽ dẫn đến bán đắt, lúc ấy thì người dân không mua nên phải mua giá thị trường phù hợp.

  • Kích hoạt đầu tư nhà ở xã hội

    Kích hoạt đầu tư nhà ở xã hội

    Theo thông tin mới nhất tại dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội trình Thủ tướng, Bộ Xây dựng đã đề xuất nhiều nội dung với mục đích tạo bước ngoặt cho nhà ở xã hội, tạo điều kiện cho người thu nhập thấp, công nhân lao động, người khó khăn về nhà ở có thể tiếp cận được nhà ở. <br/br>

  • Vốn ngoại thoái lui: Hết tiền hay cạn niềm tin?

    Vốn ngoại thoái lui: Hết tiền hay cạn niềm tin?

    Các DN ngoại thoái vốn, dừng đầu tư vào BĐS trong bối cảnh thị trường khó khăn kéo dài là điều bình thường. Tuy nhiên, rút lui và không có lời hứa đầu tư mới lại cho thấy những điểm bất thường. <br/br>

  • Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về luật đất đai sửa đổi: Phải tiếp tục tiếp thu, hoàn thiện

    Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về luật đất đai sửa đổi: Phải tiếp tục tiếp thu, hoàn thiện

    Phát biểu trước Ủy ban TVQH trong phiên thảo luận về Luật Đất đai sửa đổi, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho rằng: “Luật mới cần đột phá, nhưng muốn đột phá phải thay đổi vấn đề chủ sở hữu”.

Theo Chí Hiếu (SGTT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.