Trong đó, nội dung đáng lưu ý nhất là căn hộ nhà ở xã hội sẽ có diện tích 25m². Nhiều ý kiến cho rằng, nếu quy định này được thực hiện sẽ giúp đại bộ phận người dân có thu nhập thấp và trung bình có thể an cư.
Được thí điểm nhà ở xã hội 25m²
Thực trạng nhà ở trên địa bàn TPHCM hiện nay đang rơi vào nghịch lý thiếu và thừa. Theo kết quả khảo sát các dự án nhà ở mới đây của Sở Xây dựng TP cho thấy, nguồn cung nhà ở hiện tại chỉ mới đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận dân cư thu nhập khá trở lên. TPHCM có hơn 45.000 căn hộ được hoàn thành và đưa vào sử dụng nhưng tỷ lệ căn hộ bình dân dành cho đối tượng thu nhập thấp chưa đến 40%. Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM Lê Hoàng Châu cho rằng, bất cập của thị trường nhà ở hiện nay là một số lượng rất lớn căn hộ diện tích lớn, giá thành cao không bán được trong khi căn hộ đáp ứng cho đông đảo người lao động mua lại thiếu. Không chỉ TPHCM mà đây là thực trạng chung cả nước.
Với thực trạng mất cân đối về cung cầu này, dự thảo Nghị định phát triển nhà ở xã hội đã có nhiều nội dung thiết thực được đánh giá là sẽ khắc phục những hạn chế, bất cập trong chính sách hiện nay. Cụ thể, nhà ở xã hội được chia ra làm 2 nhóm: sử dụng vốn ngân sách và vốn ngoài ngân sách nhà nước. Theo đó, nhà ở xã hội được xây dựng bằng vốn ngân sách nhà nước tiêu chuẩn thiết kế nhà ở được thực hiện theo quy định của pháp luật về nhà ở; tại khu vực khác có thể xây dựng nhà ở liền kề thấp tầng; phải áp dụng thiết kế mẫu, thiết kế điển hình do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Đối với nhà ở xã hội bằng nguồn vốn ngoài ngân sách tại các đô thị loại đặc biệt, loại 1, 2 thì phải là nhà chung cư, không khống chế số tầng. Tiêu chuẩn thiết kế diện tích sàn mỗi căn hộ chung cư tối thiểu là 30m², tối đa không quá 70m². Điều đáng quan tâm nhất là chủ đầu tư được áp dụng thí điểm việc thiết kế diện tích sàn căn hộ chung cư tối thiểu là 25m² (trước đây là 35m² - PV), tối đa đến 90m² và thậm chí là nhà ở riêng lẻ hoặc nhà ở liền kề thấp tầng tại các đô thị loại 1 và loại 2. Tuy nhiên, việc này phải có ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng trước khi cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản chấp thuận đầu tư hoặc phê duyệt dự án.
“Nếu quy định trên được thực hiện sẽ rất thuận tiện cho chủ trương hiện đại hóa nhà ở xã hội mà Chính phủ đang thực hiện” - ông Lê Hoàng Châu nhận định. Bởi lẽ, việc mất cân đối cung cầu như hiện nay là do chưa có hành lang pháp lý để phát triển căn hộ diện nhỏ. Với diện tích 25m²/căn hộ có thể đáp ứng nhu cầu của đông đảo người dân lao động cũng như những người mới lập nghiệp, mới kết hôn và người sống độc thân hiện đang chiếm tỷ lệ đáng kể tại TPHCM.
Bắt buộc dành quỹ đất cho nhà ở xã hội
Nhằm phát triển quỹ đất dành cho nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đã đưa vào dự thảo nghị định thêm quy định mới: tất cả các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị mới, không phân biệt quy mô diện tích đất tại các đô thị từ loại 3 trở lên phải dành 20% quỹ đất của dự án để xây dựng nhà ở xã hội (trước đây chỉ có những dự án từ 10ha trở lên mới góp cho quỹ đất cho nhà ở xã hội).
Với quy định này, một số ý kiến không đồng tình vì khi thực hiện dự án, doanh nghiệp (DN) đã nộp các loại thuế, tất cả các nghĩa vụ liên quan mà vẫn bị bắt buộc góp 20% quỹ đất đã đầu tư đầy đủ hạ tầng cho nhà ở xã hội là chưa hợp lý, thiếu công bằng. Tuy nhiên, quy định này cũng nhận được sự đồng thuận của nhiều DN với mục đích nhằm “chung tay” tạo thêm quỹ đất phát triển nhà ở xã hội để đại bộ phận người dân có thể mua nhà. Các DN cũng cho rằng, việc điều tiết này nên được quy định linh hoạt hơn. Cụ thể, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành cho rằng nên cho DN làm dự án 100% nhà ở xã hội được miễn đóng góp 20% quỹ đất nhà ở xã hội của dự án khác để thực hiện sau nếu diện tích quy đổi tương đương. “Chẳng hạn DN làm 5 dự án, 10 ha/dự án, thay vì mỗi dự án phải trích 20% quỹ đất cho nhà ở xã hội (2ha/dự án) DN sẽ thực hiện một dự án nhà ở xã hội 10ha chứ không phải trích trong từng dự án” - ông Nghĩa đề nghị.
Thực tế tại TPHCM, nhiều DN tham gia dự án khu đô thị, nhà ở cao cấp đã xin hoán đổi nghĩa vụ này ở một khu đất khác thay vì xây dựng một khu chung cư nhà ở xã hội trong một dự án biệt thự sang trọng, nhưng vẫn chưa có chủ trương chấp thuận. Một lãnh đạo của Sở Xây dựng TP cho biết, sở cũng đồng tình và cho biết đã kiến nghị TP cho phép DN được nộp tiền hoặc bằng quỹ nhà ở hoặc hoán đổi quỹ đất khác, tương đương với giá trị sau khi đã trừ phần nhà nước hoàn trả. Hoặc thực hiện thí điểm cho phép chủ đầu tư đóng góp giá trị 5% - 10% quỹ đất để nhà nước xây dựng nhà ở xã hội.
Ưu đãi thuế suất xây dựng nhà ở xã hội Hiện Bộ Tài chính đã có những giải pháp tài chính cụ thể cho thị trường bất động sản. Trong đó, giải pháp tài chính thông qua việc giảm thuế để khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, chúng tôi đang hoàn thiện để trình Chính phủ. Cụ thể, áp dụng thuế suất ưu đãi thuế thu nhập DN ở mức cao nhất chỉ 10% đối với thu nhập hoạt động đầu tư, kinh doanh nhà ở xã hội; giảm 50% thuế suất thuế giá trị gia tăng đầu ra đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh nhà ở xã hội. Tuy nhiên, những giải pháp trên sẽ được đưa vào Nghị quyết và trình Quốc hội trong năm 2013 nên ít nhất đến năm 2015 mới được thực hiện. Nhằm bảo đảm hiệu quả hỗ trợ, khuyến khích thị trường bất động sản cũng như thị trường nhà ở xã hội, Bộ Tài chính sẽ kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội cho áp dụng sớm hơn thời điểm trên. Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ |
-
Vốn ngoại thoái lui: Hết tiền hay cạn niềm tin?
Các DN ngoại thoái vốn, dừng đầu tư vào BĐS trong bối cảnh thị trường khó khăn kéo dài là điều bình thường. Tuy nhiên, rút lui và không có lời hứa đầu tư mới lại cho thấy những điểm bất thường. <br/br>
-
“Để bất động sản chết lâm sàng thì làm sao cứu nổi”
“Bệnh của thị trường bất động sản hiện nay nặng lắm rồi, nếu để nó chết lâm sàng thì làm sao mà cứu nổi”.
-
Hỗ trợ tới 40 triệu đồng cho gia đình có công xây nhà ở
Cả nước có khoảng 71.250 hộ cần hỗ trợ về nhà ở, dự tính tổng vốn cần hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước là 2.423 tỷ đồng.