Bà con nông dân huyện Cần Giuộc thu hoạch lúa trên diện tích đất đã bị quy hoạch "treo" trước đây. (Nguồn: qdnd.vn) |
Trong số đó có một số dự án có quy mô lớn như dự án cụm công nghiệp huyện Cần Đước với 400ha, dự án Nhơn Thạnh Trung, thành phố Tân An với gần 300ha, dự án sân golf ở huyện Thủ Thừa với 280ha và 13 dự án cụm công nghiệp, khu dân cư đô thị ở huyện Bến Lức, Đức Hòa, Cần Giuộc, Cần Đước đã quy hoạch từ 6-8 năm nay.
Điểm chung của các dự án "treo" này là các chủ đầu tư chậm triển khai, hiện không còn phù hợp và không có tính khả thi. Việc xóa các dự án "treo" này là nhằm giúp nông dân có đất để chủ động đầu tư phát triển sản xuất lúa, hoa màu, chăn nuôi.
Chủ trương xóa quy hoạch, dự án "treo" ở Long An được người dân đồng tình ủng hộ. Bà con nông dân rất phấn khởi vì xóa được "âu lo đi đâu về đâu."
Điển hình, với dự án sân golf huyện Thủ Thừa, hàng trăm hộ thấp thỏm lo nơi ăn chốn ở, vì hầu hết là những người sản xuất nông nghiệp nên khi tỉnh quy hoạch mở sân golf, hàng trăm hộ thất nghiệp, vì xung quanh thì không có khu, cụm công nghiệp gì cả nên khi xóa quy hoạch ai cũng phấn khởi.
Anh Nguyễn Văn Tường, người có đất bị thu hồi để làm dự án sân golf cho biết khi có chủ trương xóa dự án, anh đầu tư gần 20 triệu đồng cải tạo 1,5ha đất, vét lại hệ thống thủy lợi dẫn nước vào ruộng để sản xuất hai vụ lúa và xen canh một vụ dưa hấu hoặc dưa gang, vụ Hè Thu vừa qua anh thu nhập hơn 25 triệu đồng từ cây lúa, còn vụ lúa Đông Xuân năm nay anh sẽ thu 30-35 triệu đồng, sau đó anh trồng dưa gang kiếm thêm 20-30 triệu đồng nữa nên cuộc sống gia đình ổn định không phải lo toan đến chuyện đi làm thuê làm mướn.
Gia đình anh Nguyễn Văn Bé Hai ở cụm công nghiệp xã Long Hậu, huyện Cần Đước cho biết người dân nơi đây rất vui mừng, bởi vì nhận tiền đền bù hàng trăm triệu nhưng lại không có công ăn việc làm rồi tiêu xài hàng ngày cũng hết, 5-6 năm sau cuộc sống sẽ gặp khó khăn.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lê Minh Đức cho biết việc xóa các dự án không còn phù hợp và không có tính khả thi để “treo” đã giúp nông dân phấn khởi, ổn định sản xuất, gắn bó với đồng ruộng, nhiều người đã đầu tư vốn cải tạo lại đồng ruộng, thu nhập từ 40-50 triệu đồng/ha năm, cải thiện được cuộc sống .