Cao tốc TP.HCM - Trung Lương được đề xuất mở rộng
Sở GTVT Long An vừa cho biết, UBND tỉnh Long An đã có văn bản kiến nghị Bộ GTVT đầu tư bổ sung trạm dừng nghỉ tại nút giao Vành đai 3 TP.HCM với cao tốc Bến Lức - Long Thành, cao tốc TP.HCM - Trung Lương, theo báo Giao thông.
Diện tích trạm dừng nghỉ khoảng 20ha, bổ sung vào dự án đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận sắp tới.
Theo đó, tuyến cao tốc đường Vành đai 3 qua Long An giai đoạn 1 (dự án thành phần 7) dài khoảng 6,37km đang thi công với quy mô 4 làn xe cao tốc, dự kiến thông xe năm 2025. Tuyến này sẽ kết nối với cao tốc Bến Lức - Long Thành chuẩn bị đưa vào khai thác và tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương đang khai thác.
Tại vị trí nút giao này, có lưu lượng xe tập trung lớn nên cần sớm mở rộng theo quy hoạch để tránh ùn tắc và khai thác hiệu quả đầu tư của ba tuyến cao tốc.
Do đó, UBND tỉnh kiến nghị Bộ GTVT nghiên cứu đầu tư mở rộng giai đoạn 2 của đường Vành đai 3 đoạn qua tỉnh Long An, phù hợp quy mô quy hoạch 8 làn xe cao tốc (đầu tư thêm 4 làn xe cao tốc).
Cùng với đó, UBND tỉnh Long An thống nhất đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Điều này giúp kết nối các tuyến cao tốc đang được đầu tư và hoàn thành đến năm 2030 trong khu vực Tây Nam Bộ với khu vực Đông Nam Bộ. Từng bước hoàn thiện cao tốc theo quy hoạch và mạng lưới giao thông trong khu vực vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như mạng lưới đường cao tốc vùng Đồng bằng sông Cửu Long; góp phần giảm ùn tắc giao thông, đảm bảo quốc phòng an ninh…
Qua đó, cũng cho thấy phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch liên quan của địa phương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, có quy mô 6 làn xe.
Tuy nhiên, để đảm bảo nhu cầu vận tải, UBND tỉnh Long An thống nhất đề xuất điều chỉnh quy mô đoạn tuyến trên từ 6 làn xe thành 8 làn xe cao tốc.
Đồng thời, đầu tư bổ sung nút giao liên thông kết nối với đường tỉnh 818 và mở rộng quy mô trạm dừng nghỉ hiện hữu Km 28+200, khoảng 20ha. Đầu tư chỉnh trang nút giao liên thông hiện hữu tại Bến Lức và Tân An phù hợp với quy hoạch, phạm vi đã giải phóng mặt bằng.
Theo Sở GTVT Long An, hiện trên tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận chỉ có trạm dừng nghỉ tại Km 28+200 thuộc địa bàn xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An do Công ty TNHH thương mại dịch vụ xăng dầu Châu Thành đang khai thác.
Lượng phương tiện vào trạm dừng nghỉ ngày càng tăng cao, nhu cầu đậu đỗ, nghỉ qua đêm rất lớn. Từ đó, gây ra tình trạng quá tải khu vực bãi đậu xe của trạm, có những trường hợp phải đậu ngay lối ra, vào của trạm. Vì vậy việc nghiên cứu đầu tư thêm một trạm dừng nghỉ trên tuyến là cần thiết trong thời gian tới.
Liên quan đến việc mở rộng cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận, mới đây Ban Quản lý Dự án 7 (đơn vị được giao lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi) đã có báo cáo Bộ Giao thông Vận tải về kế hoạch triển khai dự án.
Cụ thể, theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với dự án mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận, theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT, Ban Quản lý dự án 7 đã phối hợp cùng liên danh nhà đầu tư đề xuất dự án là Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả - Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM - Công ty cổ phần Tasco lập theo chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải.
Theo đó, phạm vi nghiên cứu dự án mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận là toàn tuyến dài 91,8 km từ TP.HCM đến Mỹ Thuận.
Trong đó, đoạn cao tốc TP.HCM - Trung Lương đã đầu tư 4 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp liên tục, nền đường rộng 26 m, giải phóng mặt bằng theo quy mô 8 làn xe hoàn chỉnh sẽ mở rộng lên 8 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp liên tục, nền đường rộng 41 m, vận tốc thiết kế 120km/h.
Đối với đoạn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hiện có 4 làn xe và dải dừng xe khẩn cấp không liên tục, nền đường rộng 17 m, giải phóng mặt bằng theo quy mô 6 làn xe hoàn chỉnh sẽ mở rộng lên quy mô 6 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp liên tục, nền đường rộng 32,25 m, vận tốc thiết kế 100km/h. Trong 8 nút giao liên thông của dự án hiện đã có các nút giao Vành đai 3, Bến Lức, Cai Lậy, Cái Bè, An Thái Trung đầu tư hoàn chỉnh.
Do vậy, nhà đầu tư đề xuất đầu tư hoàn chỉnh các nút giao còn lại để tăng năng lực thông hành, bao gồm: nút giao Thân Cửu Nghĩa (bổ sung 3 nhánh); nút giao Chợ Đệm (bổ sung 2 nhánh rẽ và 1 cầu vượt); xây dựng mới nút giao đường tỉnh 818 và nút giao đường nối từ cao tốc TP.HCM - Trung Lương (thuộc nút giao Tân An) với quốc lộ 62.
-
Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua địa bàn Long An đang làm tới đâu?
Theo báo cáo mới nhất của Sở Giao thông Vận tải tỉnh Long An, dự án đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua địa bàn tỉnh đang thi công đạt và vượt cột mốc tiến độ đề ra.
-
Tập đoàn bao bì của Đức rót thêm 810 tỷ, mở rộng nhà máy ở Việt Nam lên lớn nhất Đông Nam Á
Ngày 18/11, tại thành phố Cologne (CHLB Đức), Tập đoàn QuickPack (CHLB Đức) đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với Tập đoàn Đồng Tâm (Việt Nam) để đầu tư 30 triệu USD vào KCN Đông Nam Á (Long An)....
-
Hé lộ phương án đầu tư tuyến đường 28.616 tỷ nối TP.HCM - Long An - Tiền Giang
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa gửi công văn tới Thủ tướng Chính phủ về phương án đầu tư Dự án Trục giao thông đô thị kết nối TP.HCM - Long An - Tiền Giang, dự kiến quy hoạch là Quốc lộ 50B.
-
Lãnh đạo tỉnh Long An gặp Tập đoàn hàng đầu thế giới về thi công cầu đường
Trong chuyến công tác tại Pháp, lãnh đạo tỉnh Long An đã gặp Tập đoàn Soletanche Freyssinet - Manuel Peltier - Tập đoàn đã có lịch sử trên 80 năm trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng với hơn 10.000 dự án mỗi năm trên toàn cầu....