Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ cho hay, Hà Nội đang gấp rút triển khai quy hoạch 2 bên bờ sông Hồng.

Tại buổi gặp mặt nguyên lãnh đạo Hà Nội qua các thời kỳ mới đây, Bí thư Vương Đình Huệ cho biết, UBND TP sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây dựng quy hoạch 4 phân khu sông Hồng.

Dự án thành phố ven sông Hồng đến nay vẫn nằm ở mức ý tưởng

"Trước mắt quy hoạch khoảng 40 km con sông chảy qua địa bàn các quận nội đô. Trên cơ sở chỉ tiêu về thoát lũ là 20.000 m3/s và đỉnh lũ là 13,5 m. Tức là tuân theo chỉ tiêu mà Thủ tướng đưa ra vào năm 2016 với xác suất là 500 năm mới có một lần" - Bí thư Huệ nói.

Các đoạn tuyến còn lại của sông Hồng chảy qua Hà Nội nhưng không nằm trong 4 phân khu quy hoạch (R1, R2, R3, R4), ông Huệ cho biết TP sẽ tích hợp vào quy hoạch của các huyện nhằm giải quyết bài toán sinh kế cho người dân ở khu vực này.

Theo tìm hiểu của phóng viên, trước khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2011, có nội dung quy hoạch khu vực hai bên sông Hồng là trục không gian cảnh quan trung tâm của Thủ đô, đã có rất nhiều đề án được đưa ra nhưng chưa đề án nào được phê duyệt.

Hà Nội từng có ý tưởng đẩy đê ra sát bờ sông

Ý tưởng lập quy hoạch hai bờ sông Hồng nhiều lần bị vỡ kế hoạch do vướng vào quy hoạch thoát lũ sông Hồng, sông Đáy. Khó khăn lớn nhất hiện nay là chưa có số liệu chính xác liên quan đến lưu lượng xả lũ ở 7 đập ngăn trên thượng nguồn sông Hồng (thuộc Trung Quốc) nên cần phải nghiên cứu, nếu không sẽ rất nguy hiểm.

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, không nên chậm trễ quy hoạch hai bên bờ sông Hồng. Ông Long phân tích, nếu thực hiện được quy hoạch hai bên bờ sông Hồng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Hà Nội. Bởi với tổng chiều dài 120 km, chảy qua nhiều quận, huyện, sông Hồng có vai trò quan trọng đối với việc phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của Hà Nội.

Đặc biệt, theo ông Long, trong giai đoạn hiện nay, khi đất đai trong nội đô đang dần trở khan hiếm thì quỹ đất lên tới hàng nghìn mét vuông dọc 2 bờ sông Hồng có thể giúp thành phố tận dụng để phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông, nhà ở, chung cư phục vụ cho vấn đề an sinh xã hội.

Theo đó, khi kết hợp với cảnh quan khu vực ven sông, nhiều chủ đầu tư đã nhìn ra cơ hội tạo ra lợi nhuận “khủng”, lên tới hàng tỷ USD khi phát triển hệ thống chung cư, khu đô thị cao cấp kết hợp với du lịch sinh thái. Vì vậy, khi Hà Nội quyết tâm thực hiện ý tưởng xây dựng thành phố ven sông Hồng, chắc chắn các doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ không bỏ qua cơ hội này để góp vốn đầu tư, thực hiện dự án.

  • Triển vọng bất động sản nhà ở năm 2021: Ước tính giá bán tăng 5% tại TP.HCM và 2% tại Hà Nội

    Triển vọng bất động sản nhà ở năm 2021: Ước tính giá bán tăng 5% tại TP.HCM và 2% tại Hà Nội

    CafeLand - Trong báo cáo Triển vọng ngành Bất động sản dân cư năm 2021, các nhà phân tích của SSI Research xu hướng thị trường nhà ở trong năm 2021 sẽ dần được cải thiện, với việc sửa đổi bổ sung các quy định pháp luật có liên quan đến ngành và đầu tư cơ sở hạ tầng tích cực, trong khi cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới cũng có thể mang lại ý chí chính trị cao hơn để giải quyết những điểm nghẽn hiện tại của thị trường.

Phương Uyên (Diễn đàn doanh nghiệp)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.