20/07/2011 3:57 AM
Nếu như cách đây vài tháng, hàng trăm doanh nghiệp kêu sắp lâm vào “đường cùng” thì các quan chức lại cho rằng, do năng lực tài chính yếu họ tham gia thị trường BĐS, thậm chí tham gia những dự án lớn nên phá sản là điều không lạ. Thì nay, nhiều “ông lớn” thuộc doanh nghiệp nhà nước, năng lực tài chính được coi là "hùng hổ" cũng đang “than trời” vì dự án dở dang.
Dự án “dở dang”, doanh nghiệp
Nhiều “ông lớn” thuộc Tập đoàn nhà nước cũng “than trời” vì dự án dở dang

Thấy mà không làm được
Ở lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, ông Lê Văn Chung – Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (ViCem) than thở, bối cảnh hiện nay còn khó khăn hơn cả thời kỳ kinh tế khủng hoảng năm 2008, bởi thời kỳ đó doanh nghiệp còn nhìn thấy động lực để sản xuất kinh doanh, còn hiện nay doanh nghiệp "không thể làm gì được".
Ông Chung cho rằng, cùng với chi phí vốn quá cao, giá các vật tư nhiên liệu đầu vào hiện cũng đều tăng ở mức 2 con số, tình hình cung ứng than, điện 6 tháng đầu năm tiếp tục căng thẳng. Tất cả khiến cho giá thành sản xuất tăng trong khi lợi nhuận toàn tổng công ty giảm sút. Sau khi trừ các chi phí tài chính, lợi nhuận 6 tháng đầu năm của ViCem chỉ còn 314 tỷ đồng. Đem chia cho con số 12.500 tỷ đồng vốn của doanh nghiệp để ra được 2-3% lợi nhuận, ông Chung cho rằng đó là một sự bất công, làm triệt tiêu động lực sản xuất.
Còn ông Dương Khánh Toàn – Tổng giám đốc Tập đoàn Sông Đà lại cho rằng, mặc dù các đơn vị trong tập đoàn đều cố gắng trong bối cảnh hết sức khó khăn nhưng kết quả chỉ có 2 chỉ tiêu là tổng giá trị sản xuất kinh doanh và nộp ngân sách nhà nước của tập đoàn là đạt một nửa kế hoạch năm. Các con số còn lại, về doanh thu chỉ đạt 49%, ở mức 27.679 tỷ đồng; giá trị đầu tư đạt 44%, ở mức 4.566 tỷ đồng; đặc biệt, lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 18% kế hoạch năm, tương đương với 560 tỷ đồng; thu nhập bình quân tháng của 1 cán bộ công nhân viên là 4,26 triệu đồng. Như vậy dễ thấy, chỉ tiêu lợi nhuận đạt thấp nhất so với kế hoạch.
Vị tổng giám đốc lý giải, nguyên nhân chính là chủ đầu tư tại các công trình mà Tập đoàn đang thi công thiếu vốn thanh toán dẫn đến giá trị dở dang, công nợ lớn, vượt quá khả năng của các đơn vị, trong khi đó lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng tăng quá cao các công trường làm cầm chừng đã làm giảm đáng kể hiệu quả sản xuất kinh doanh. Mặc khác, sản phẩm mang lại lợi nhuận cao cho Tập đoàn trong những năm qua là kinh doanh nhà và đô thị, trong 6 tháng đầu năm gặp rất nhiều khó khăn do sự đóng băng của thị trường và chính sách tài chính thắt chặt đối với lĩnh vực này.
Cũng không khá khẩm gì, ông Nguyễn Đăng Nam - Tổng giám đốc Tập đoàn HUD cho biết, có lẽ chưa bao giờ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản lại gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Với nhiều tác động kép như ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu còn chưa chấm dứt, tình hình lạm phát tăng cao, chi phí xây dựng biến động, việc huy động vốn đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn trong điều kiện thắt chặt chính sách tài khóa của nhà nước và chính sách tiền tệ của Ngân hàng và đặc biệt là lãi suất ngân hàng tăng cao ảnh hưởng đến chi phí đầu vào của sản phẩm và tình trạng suy giảm, đóng băng của thị trường bất động sản trong cả nước gây ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp.
Nên xem lại?

Ông Nam cho rằng, quan điểm thắt chặt chính sách tiền tệ của ngân hàng với việc giới hạn tỷ trọng dư nợ tín dụng phi sản xuất trong đó có bao gồm cả lĩnh vực bất động sản trong tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng là giải pháp đúng đắn để kiềm chế lạm phát theo chủ trương của Chính phủ. Tuy nhiên, lĩnh vực xây dựng và bất động sản lại là nơi tiêu thụ, là đầu ra của các ngành công nghiệp, sản xuất vật liệu và là lĩnh vực tạo công ăn việc làm rất lớn của xã hội. Mặt khác, phân khúc bất động sản phục vụ đối tượng thu nhập trung bình và thu nhập thấp tại đô thị là yếu tố quan trọng đảm bảo an sinh xã hội. Do vậy, quy toàn bộ các khâu trong quá trình sản xuất và tất cả các phân khúc trong thị trường bất động sản để giới hạn tỷ lệ cho vay sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều lĩnh vực sản xuất khác của nền kinh tế.

Ông Nam cũng kiến nghị, Bộ Xây dựng tiếp tục làm việc với Ngân hàng Nhà nước xem xét, đưa ra các tiêu chí, điều kiện cụ thể để tiếp tục cho vay đối với các dự án bất động sản đang triển khai dang dở, các dự án nhà ở phục vụ đối tượng thu nhập thấp, nhà ở mức trung bình phục vụ đông đảo quần chúng nhân dân và rút ngắn các thủ tục, khắc phục các điểm chưa thống nhất, chồng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực bất động sản.

Ông Chung lại cho rằng, do chính sách thắt chặt tín dụng nên doanh nghiệp của ông không có lợi nhuận và phải cắt giảm các dự án chưa triển khai. Ông Chung và ông Toàn đồng tình với đề xuất Chính phủ cần phải xem xét lại chính sách tiền tệ cho hợp lý, để thắt chặt không dẫn đến đình đốn sản xuất; có biện pháp tháo gỡ về vốn và lãi suất, nếu không, nhiều đơn vị sẽ không trả được nợ.
Nhà nước quá ưu ái?
Theo TS Đỗ Thị Loan - Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS TP.HCM, việc NHNN vẫn kiên quyết thắt chặt tín dụng đặc biệt trong lĩnh vực phi sản xuất tiếp tục giảm 22% vào tháng 6 và 16% vào cuối tháng 12/2011, chắc chắn có những ảnh hưởng mạnh mẽ đến thị trường BĐS.
Bà Loan cho biết, thực tế ngân hàng rất ưu ái cho ngành bất động sản, tạo điều kiện cho chủ đầu tư tiếp cận được nguồn vốn vay từ ngân hàng cũng nhu ưu ái cho khách hàng mua nhà. “Nếu chúng ta tiếp tục cho chủ đầu tư vay thì sẽ xảy ra tình trạng trên mọi miền đất nước có biết bao nhiêu dự án BĐS được triển khai, nhưng liệu có cơ quan nào tính toán được trong số các dự án đó, có bao nhiêu nền nhà, bao nhiêu căn hộ thể hiện đúng quan hệ cung-cầu trên địa bàn của từng địa phương. Và như vậy là đầu tư dàn trải và lãng phí. Đó là chưa nói đến việc nếu như chúng ta tiếp tục tung tiền ra sẽ khiến mất quan hệ cung-cầu, dự án ra hàng nhưng mà không bán được!” - bà Loan thẳng thắn nhận định.

Dự án “dở dang”, doanh nghiệp
Khó có thể lạc quan về thị trường BĐS từ nay đến cuối năm, khi dòng vốn trên thị trường không được lưu thông

Ông Nguyễn Hữu Cường - Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản lại cho rằng, nếu Nhà nước chưa kiềm chế được lạm phát thì có nghĩa chính sách thắt chặt tín dụng đối với bất động sản vẫn có thể tiếp tục được đặt ra. Về phía doanh nghiệp, nguồn vốn luôn là yếu tố quyết định sự tồn tại của các doanh nghiệp nhưng vốn sẽ được cung cấp vào kênh nào trong hệ thống tín dụng cũng cần được làm rõ. Doanh nghiệp cũng cần có trách nhiệm cùng với Nhà nước "gồng" mình lên để có động thái kìm chế lạm phát. Nếu nhà nước phân định rõ ra những dự án rất cần thiết cho nhu cầu nhà ở thì nên cho vay.

Chính Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cũng cho rằng, khó có thể lạc quan về thị trường BĐS từ nay đến cuối năm, khi dòng vốn trên thị trường không được lưu thông. Nếu không có những biện pháp xử lý đồng bộ các chính sách tài chính tiền tệ sẽ đẩy thị trường BĐS vào chỗ đường cùng. Tuy nhiên, nhân sâu xa khiến thị trường khó khăn như hiện nay là do chúng ta để tồn tại một thị trường ảo, thiếu sự kiểm soát của cơ quan quản lý. Chủ đầu tư cho rằng, tiền thiếu đã có ngân hàng, người dân ảo tưởng thị trường BĐS sẽ tăng mãi, ngân hàng ảo tưởng các chủ dự án đều là đại gia.
Trước những khó khăn trên, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân nhấn mạnh, Bộ sẽ đưa ra những tiêu chí, cũng như phát hiện những bất hợp lý để đề xuất Ngân hàng Nhà nước xem xét điều chỉnh. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện các giải pháp tập trung kiềm chế lạm phát, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách nhà nước.
Một câu hỏi đặt ra liệu khó khăn này có qua nhanh khi thị trường bất động sản vẫn là một vòng luẩn quẩn gắn liền với doanh nghiệp, người dân, nhà nước và ngân hàng?
Theo Lưu Vân (DĐDN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.
Tham gia nhóm chat mua bán dự án