Theo Nghị quyết 30/2012/QH13 của Quốc hội và Chỉ thị số 1474/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến thời điểm 31/12/2013 phải căn bản hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu trong phạm vi cả nước. Hiện rất nhiều đơn vị, tổ chức, hộ gia đình đang kỳ vọng hành trình xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của họ sẽ sớm khép lại với “một kết cục có hậu”.
Trong chương trình “Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời” tối Chủ nhật, 3/3, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết “căn bản hoàn thành” việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tức là trên 80% diện tích đất sẽ được cấp giấy chứng nhận.
Nguồn gốc đất phức tạp – nguyên nhân của việc chậm cấp giấy
Người đứng đầu ngành Tài nguyên và Môi trường cho rằng nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến tình trạng chậm trễ nói trên ở nhiều địa phương là nguồn gốc đất, hồ sơ địa chính để làm cơ sở cấp giấy rất phức tạp. Một số thủ tục hành chính còn nhiêu khê, phiền hà, thái độ thực thi công vụ của cán bộ, công chức chưa tốt, một bộ phận cán bộ còn nhũng nhiễu người dân… Kinh phí cũng là một nguyên nhân ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tuy không là nguyên nhân trực tiếp. Bên cạnh đó, lãnh đạo nhiều địa phương, nhiều Sở Tài nguyên và Môi trường chưa coi trọng công tác này.
Cho đến nay, 18 tỉnh, thành phố đã cơ bản hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với các loại đất chính, trong đó 7 tỉnh đã hoàn thành gồm Đồng Tháp, An Giang, Long An, Vĩnh Long, Bến Tre, Bạc Liêu, Bình Dương. Hiện còn 45 tỉnh, thành phố chưa hoàn thành cơ bản công tác này, trong đó, 11 tỉnh đạt rất thấp, dưới 7% diện tích đất được cấp giấy chứng nhận. |
Một bạn đọc hỏi sau tấm sổ đỏ là rất nhiều lợi ích của người được cấp, còn người chịu trách nhiệm thẩm định hồ sơ, người cấp giấy không được lợi ích gì, phải chăng đây là nguyên nhân khiến nhiều hồ sơ bị “ngâm”?
Về vấn đề này Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rất phức tạp, khó khăn, nhất là công tác thẩm định do liên quan đến hồ sơ, thực địa, các văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất lại thiếu cán bộ, nhiều cán bộ phải “gồng mình” làm việc để bảo đảm tiến độ đặt ra, trong khi chế độ đãi ngộ còn hạn chế.
Cho rằng thực tế này cần sớm được khắc phục, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang đề xuất về cơ chế cho phép sử dụng một phần tiền thu được từ lệ phí cấp giấy chứng nhận để phục vụ hoạt động của văn phòng đăng ký, dành một phần hỗ trợ cho cán bộ, công chức trực tiếp làm thủ tục thẩm định và cấp giấy chứng nhận, theo nguyên tắc công khai, minh bạch. Cùng với đó, các địa phương, các Sở Tài nguyên và Môi trường cần có biện pháp xử lý nghiêm, kiên quyết với các cán bộ nhũng nhiễu, “ngâm” hồ sơ, cố tình kéo dài thời gian xử lý.
Trong năm 2012, Bộ TNMT tập trung thực hiện Chỉ thị 134/CT-TTg năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ, đôn đốc các địa phương rà soát, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật đất đai, gây ra tình trạng dự án “treo”, chậm đưa đất vào sử dụng, để đất hoang hóa. Các địa phương đã thu hồi khoảng 25.000 ha đất của khoảng 500 tổ chức, tuy nhiên đây vẫn là con số nhỏ so với diện tích đất chậm đưa vào sử dụng. Bộ TNMT kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các địa phương quyết liệt thực hiện Chỉ thị 134 trong năm 2013. Trong đó, giải pháp rất quan trọng cần phát huy là sử dụng công cụ thuế để hạn chế hiện tượng “ôm đất”, sử dụng đất lãng phí. |
Tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm của năm 2013
Theo Luật Đất đai, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thuộc về UBND cấp tỉnh, cấp huyện. Chỉ thị 1474 của Thủ tướng cũng đề cập đến trách nhiệm của UBND cấp tỉnh và các bộ ngành liên quan.
Do đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, nếu mục tiêu căn bản hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu trong phạm vi cả nước không hoàn thành trong năm 2013, trách nhiệm trước hết thuộc về lãnh đạo địa phương, trong đó có phần trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường. Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, các bộ ngành liên quan khác cũng có trách nhiệm không nhỏ trong việc thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao.
Để hoành thành mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, nhiệm vụ trong năm 2013 là rất nặng nề với khoảng 6 triệu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, dù kết quả thực hiện năm 2012 đã tăng gấp đôi so với các năm trước. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các tỉnh, thành phố tiếp tục coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2013.
Bộ cũng chỉ đạo các địa phương rà soát diện tích đất còn tồn đọng, kéo dài trong việc cấp giấy chứng nhận, giao chỉ tiêu cụ thể đến cấp huyện và xã, dành phần kinh phí từ ngân sách địa phương, tăng cường nhân lực cho các văn phòng đăng ký.
Bộ sẽ cùng các bộ ngành, địa phương tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình triển khai, trong đó phối hợp với Bộ Tài chính rà soát việc thu, sử dụng tiền sử dụng đất, lệ phí địa chính, lệ phí cấp giấy chứng nhận, đề nghị Chính phủ dành một khoản kinh phí thỏa đáng (khoảng 3.000 tỷ đồng) để tập trung cho việc lập hồ sơ địa chính, phục vụ công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
-
12 loại giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp để nhập hộ khẩu từ 10/01/2025
Đây là nội dung đáng chú ý được đề cập tại Nghị định 154/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú (bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/01/2025).
-
Dự án lấn biển sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà ở như thế nào?
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 42/2024/NĐ-CP ngày 16/4/2024 quy định về hoạt động lấn biển. Trong đó có nội dung về việc về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với các dự án này....
-
Tháo gỡ vướng mắc trong việc cấp giấy chứng nhận cho căn hộ du lịch, biệt thự du lịch
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ, thúc đẩy thị trường bất động sản.