Tuy nhiên, có một nghịch lý đã diễn ra là lãi suất huy động và cho vay đều tăng mạnh. Thậm chí mới đây có doanh nghiệp bất động sản đã phải huy động vốn bằng phát hành trái phiếu hơn 14%. Vậy vì sao lại có nghịch lý việc lãi suất tăng?
Lãi suất đang ở mức rất cao
Hiện nay, mặt bằng chung lãi suất trên thế giới cũng đang ở mức khá thấp do lạm phát toàn cầu thấp và sự phục hồi khá yếu ớt của kinh tế thế giới. Các ngân hàng trung ương tại Nhật Bản, Liên minh Châu Âu (Eurozone) đang có mức lãi suất âm và rất nhiều quốc gia áp dụng lãi suất gần như 0%. Tại nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) áp mức lãi suất chính sách là 2,25%. Gần đây Fed truyền đi thông điệp có thể tiếp tục hạ lãi suất trong thời gian tới để hỗ trợ cho nền kinh tế.
Theo thông tin từ trang Tradingeconomics, trong số 65 nền kinh tế có quy mô lớn 100 tỉ USD thì Việt Nam đang có lãi suất chính sách cao thứ 15 trên thế giới. Tuy nhiên, nếu loại trừ một số quốc gia đang có lạm rất cao như Venezuela, Argentina, Angola, Thổ Nhĩ Kỳ… thì Việt Nam là một trong những quốc gia có mức lãi suất cao. Đặc biệt, Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia có lãi suất thực (mức chênh lệch giữa lạm phát và lãi suất danh nghĩa) cao nhất thế giới.
Nguồn: Tradingeconomics
Với Việt Nam, trong những năm gần đây, tình hình lạm phát khá ổn định và ở mức thấp so với trước đó. Do đó, lãi suất của Việt Nam cũng đang mức thấp nhất từ trước đến nay. Hiện lãi suất tái chiết khấu của NHNN cũng đang mức 4,25%, mức thấp nhất từ trước đến nay. Thời gian gần đây, dù tình hình lạm phát và thị trường tài chính khá ổn định, nhưng mặt bằng lãi suất cho vay và huy động lại có xu hướng tăng.
Cụ thể, mới đây, nhiều ngân hàng điều chỉnh lãi suất huy động tăng từ 0,5-1%. Hiện mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng cao nhất là của Ngân hàng An Bình (ABBank) đã lên tới mức 8,5%/năm. Lãi suất đối với chứng chỉ tiền gửi của Ngân hàng Bản Việt kỳ hạn 60 tháng lên mức 10,2%/năm, cao hơn mức lạm phát bình quân trong ba năm qua gần 8%.
Lãi suất cho vay thời gian vừa qua cũng tăng khá mạnh. Lãi suất cho vay phổ biến quanh mức 10-12%. Đặc biệt, có một số ngân hàng đẩy mức cho vay kinh doanh bất động sản lên đến 12-14%. Mới đây, nhiều doanh nghiệp đã phải huy động vốn bằng phát hành trái phiếu với mức lãi suất lên tới 14%. Đây được xem là một mức lãi suất “cắt cổ” khiến cho chi phí tài chính của nhiều doanh nghiệp tăng cao.
Tại sao lãi suất tăng mạnh?
Về bản chất, lãi suất chính là “giá của vốn”. Cũng như hàng hóa thông thường khác “giá của vốn” cũng tăng theo quy luật cung cầu của thị trường vốn. Ngoài ra, lãi suất cũng sẽ tăng khi chi phí của đồng vốn gia tăng. Như vậy, việc lãi suất thời gian qua gia tăng bất chấp việc tình hình lạm phát và kinh tế vĩ mô khá ổn định chắc hẳn cũng có nguyên nhân sâu xa của nó.
Thực vậy, nguyên nhân về phía “chi phí” sở dĩ các ngân hàng tăng lãi suất cho vay do lãi suất huy động tăng. Một trong những nguyên nhân ảnh hưởng chi phí vốn ngân hàng tăng là do, theo quy định của NHNN, tỷ lệ vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung và dài hạn liên tục giảm.
Cụ thể, Trước 01/01/2018, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn được giới hạn ở mức 50%, giảm xuống 45% kể từ 01/01/2018 và 40% từ 01/01/2019. Trong dự thảo thông tư mới của NHNN vào hồi tháng 4 năm 2019 đề xuất tỷ lệ này chỉ còn 30% kể từ đầu năm 2020.
Hiện nay, không ít ngân hàng nhờ nguồn tiền gửi không kỳ hạn khá dồi dào với lãi suất rất thấp đã giảm được chi phí vốn khá mạnh. Chẳng hạn tại Vietcombank vào cuối tháng 6/2018 tiền gửi không kỳ hạn lên đến 239.000 tỉ đồng, chiếm 27% tổng số tiền gửi tại ngân hàng này. Các ngân hàng khác như Ngân hàng kỹ thương, Ngân hàng Quận đội, Ngân hàng Công thương, BIDV số tiền gửi không kỳ hạn cũng chiếm từ 15-25% tổng tiền gửi.
Một nguyên nhân khác khiến cho chi phí của các ngân hàng đang tăng cao đó là tình trạng nợ xấu của ngân hàng có nguy cơ tăng mạnh trở lại. Báo cáo chính thức của các ngân hàng đều cho thấy tình trạng nợ xấu đang ở mức khá thấp.
Tuy nhiên, trên thực tế thì con số này không hề nhỏ. Việc thị trường bất động sản tăng mạnh thời gian qua đã góp phần giảm được nợ xấu của các ngân hàng nhưng còn số còn lại vẫn rất lớn. Tại nhiều ngân hàng những tài sản xấu như “lãi dự thu”, trái phiếu đặc biệt của VAMC vẫn còn rất lớn. Điều này đã làm cho chi phí vốn thực sự của ngân hàng tăng lên dẫn đến lãi suất cho vay đang ở mức cao.
Xét về phía cung cầu, theo số liệu của NHNN, tăng trưởng vốn huy động trong sáu tháng đầu năm 2019 đạt 7,11%, trong khi đó tăng trưởng tín dụng đạt 7,36%. Như vậy, rõ ràng sức ép từ phía cầu đang lớn hơn so với phía cung. Trong vài năm gần đây, tăng trưởng tín dụng mỗi năm chỉ từ 17-20%. Đây là mức khá thấp so với những năm trước. Tuy vậy, sức ép từ nhu cầu vốn vẫn rất lớn, đặt biệt là dòng vốn cho đầu tư bất động sản.
Thực vậy, sự bùng nổ của thị trường bất động sản trong vài năm qua đã thúc đẩy các doanh nghiệp lao vào thực hiện các dự án lớn. Tuy nhiên, với việc thị trường bất động sản gặp khó khăn, nhiều dự án ế ẩm hoặc phải dừng thị công vì sai phạm đã khiến cho nhiều doanh nghiệp bất động sản thiếu vốn, mất thanh khoản. Trong khi đó, tín dụng cho vay bất đầu tư bất động sản đang dần bị siết lai. Có lẽ đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động phải đua nhau huy động vốn bằng phát hành trái phiếu với mức lãi suất cao như thời gian qua.