04/06/2012 8:33 AM
CafeLand - Cuối cùng, câu chuyện Sacombank bị thâu tóm cũng đã ngã ngũ và phần thắng nghiêng về phía đội “cá mập”. Gần như toàn bộ hội đồng quản trị của Sacombank được thay thế, “thuyền trưởng” Đặng Văn Thành cũng không còn là người đại diện pháp luật cho Sacombank và Tổng giám đốc cũng đã được thay thế vào cuối tuần trước. Cho đến nay vẫn còn nhiều ẩn số về tương lai của Sacombank thời kỳ hậu thâu tóm.

Ảnh internet

Nhìn lại cuộc thâu tóm Sacombank

Thông tin về việc thâu tóm Sacombank đã trở thành câu chuyện ầm ỷ của giới tài chính trong suốt hơn 1 năm qua. Sở dĩ câu chuyện được dư luận quan tâm bởi Sacombank không chỉ là một ngân hàng lớn có thương hiệu trong giới tài chính mà còn do số tiền khổng lồ mà người ta bỏ ra để thâu tóm và bí ẩn của thế lực đứng đằng sau “trận chiến” này.

Trên thế giới việc một doanh nghiệp lên sàn rồi bị thâu tóm là “chuyên bình thường ở huyện”. Công ty hoạt động theo nguyên tắc đối vốn, cho nên khi một nhóm cổ đông nào đó nắm giữ nhiều cổ phần hơn thì có thể điều hành. Theo luật doanh nghiệp, nhóm cổ đông chiếm 65% vốn điều lệ có thể thông qua phần lớn các quyết định tại cuộc họp. Còn nhóm cổ đông sở hữu trên 75% có thể quyết định tất cả các hoạt động liên quan đến công ty cổ phần. Các quy định chi tiết hơn thường nằm trong điều lệ của công ty.

Như vậy, khi một nhóm cổ đông nào đó sở hữu hoặc nhận được ủy quyền của 65% cổ phần trở lên thì gần như đã làm chủ doanh nghiệp. Do đó một việc “thay máu” trong một doanh nghiệp niêm yết là một chuyện hết sức bình thường.

Ngân hàng thường có tính “đại chúng” rất lớn vì những quy định của luật pháp và do tính chất đặc thù. Theo luật ngân hàng năm 2010 thì một cổ đông cá nhân chỉ được sở hữu không quá 5%, vốn điều lệ 1 ngân hàng, còn cổ đông tổ chức sở hữu không quá 11%. Quy định này nhằm tăng tính đại chúng của ngân hàng để tránh việc cổ đông lớn lạm dụng ngân hàng huy động vốn làm sân sau cho các doanh nghiệp của mình. Ngoài quy định này thì do tính chất đặc thù vốn của ngân hàng thường rất lớn nên ít khi một có nhân riêng lẻ có đủ tiềm lực tài chính để sở hữu tỷ lệ lớn cổ phiếu ngân hàng.

Trở lại với câu chuyện Sacombank, ngân hàng này được ông Đặng Văn Thành và một số cổ đông khác sáng lập ngày 21/12/1991 với số vốn điều lệ là 3 tỷ đồng. Sau hơn 20 năm phát triển vốn điều lệ của Sacombank hiện tại đã lên tới hơn 10.000 tỷ đồng, và trở thành một trong những ngân hàng cổ phần lớn nhất Việt Nam. Để phát triển nhanh thì những người sáng lập phải chấp nhận pha loãng cổ phiếu và chia sẻ quyền lực với các cổ đông mới. Kết quả là, tính cho đến nay thì tỷ lệ sở hữu của cá nhân ông Đặng Văn Thành và những người có liên quan khá nhỏ (khoảng 20%).

Như vậy, với sức “đề kháng” khá yếu của ban lãnh đạo công ty và sự hấp dẫn của mình thì Sacombank trở thành miếng mồi ngon cho những người muốn thâu tóm. Theo thông tin lan truyền trong giới tài chính thì cuộc thâu tóm Sacombank đã âm thầm diễn ra cách đây 2-3 năm nhưng thông tin rộ lên chỉ cách đây hơn 1 năm. Vào đầu năm 2012 nhóm thâu tóm mới chính thức lộ diện khi Chủ tịch Eximbank – Ông Lê Hùng Dũng tuyên bố đã nắm trong tay số cổ phiếu đại diện cho 51% vốn điều lệ ngân hàng và đưa ra yêu cầu thay đổi ban lãnh đạo Sacombank. Mọi nỗ lực phòng thủ của ban lãnh đạo hiện thời của Sacombank không mang lại hiệu quả.

Kết quả là sau đại hội cổ đông ngày 26/05 vừa qua thì gần như toàn bộ Hội đồng quản trị cũ bị thay thế, Ông Thành vẫn làm CT HĐQT của Sacombank nhưng không còn là người đại diện pháp luật nữa. Ngày 01/06 vừa qua Sacombank cũng đã thay đổi tổng giám đốc.

Tương lai hậu sáp nhập vẫn còn bí ẩn

Vụ thâu tóm Sacombank đã tạm khép lại, giờ đây vấn đề mà giới tài chính quan tâm là tương lai phía trước của ngân hàng này sẽ ra sao? Đây là một câu hỏi không dễ trả lời ngay cả với những người đã “chiến thắng”.

Cho đến nay, một vấn đề còn “bí ẩn” mà giới tài chính đặt ra là ai đứng đằng sau vụ sáp nhập này và tiền từ đâu mà nhiều thế? Nhóm cổ đông muốn nắm quyền kiểm soát Sacombank họ phải nắm giữ ít nhất là 51% cổ phần của ngân hàng này. Tuy nhiên, theo các nguồn tin “rỉ tai” thì hiện nay nhóm này đã nắm trên 70% vốn điều lệ Sacombank. Như vậy, tổng số tiền mà họ phải bỏ ra để nắm quyền kiểm soát Sacombank phải từ 15.000 đến 20.000 tỷ đồng (giả định mua STB với giá trung bình 25.000 đồng/CP). Đây là con số rất lớn so với vốn của lãnh đạo hai ngân hàng đã “lộ diện” trong vụ thâu tóm này là Eximbank và Ngân hàng Phương Nam.

Tuy nhiên, để có thể đại diện cho cổ đông lớn thì họ cũng phải nhận ít nhất sự ủy quyền của hàng chục cổ đông tổ chức hoặc cá nhân khác. Như vậy, đằng sau những người đã “lộ diện” vẫn còn lại một bí ẩn. Sự thành bại, đường lối của Sacombank hậu thâu tóm còn nằm sau tấm màn đen bí ẩn này. Tính đoàn kết, mục đích thật sự của nhóm cổ đông này sẽ ảnh hưởng lớn đến tương lai của Sacombank?

Một tiêu chí đánh giá “tương lai” của Sacombank hậu sáp nhập là thử nhìn vào ban lãnh đạo mới được bầu. Trong số 8 người mới được bầu hội đồng quản trị của Sacombank thì có tới 4 người là của Ngân hàng Phương Nam, 2 người của Eximbank. Theo đánh giá của một số người trong giới tài chính thì đây là không phải là những nhân vật có “máu mặt”.

Nghi ngờ này không phải là không có cơ sở khi trong HĐQT của Sacombank có một gương mặt “thiếu niên” và thuộc diện “con ông cháu cha” còn tài năng vẫn còn là “bí mật. Ngoài ra, người của Southernbank kiêm luôn vị trí Giám đốc đại diện pháp luật cho Sacombank, nhưng như chúng ta đã biết, Southernbank chỉ là một ngân hàng “tí hon” với lợi nhuận trước thuế năm 2011 chỉ hơn 200 tỷ đồng và “sức khỏe” của ngân hàng này cũng được xếp vào dạng “rất yếu”. Như vậy, liệu rằng họ có thể “tái cấu trúc” thành công một ngân hàng lớn và phức tạp như Sacombank được hay không?

Tuy nhiên, một hướng đi mà rất nhiều người nghĩ tới là việc sáp nhập Sacombank với một vài ngân hàng khác. Vấn đề này cũng được chính ông Phạm Hữu Phú, thành viên HĐQT Sacombank mới đắc cử cho biết là sẽ không loại trừ việc sáp nhập 3 ngân hàng Sacombank, Eximbank và Southernbank. Giả thuyết này được củng cố phần nào khi trước đây một vị lãnh đạo ngân hàng tự tin tuyên bố là sẽ phấn đầu năm 2015 Việt Nam sẽ có ngân hàng trong top của Châu Á. Như vậy, chỉ có con đường sáp nhập một số ngân hàng lớn với nhau thì “ước mơ” của vị lãnh đạo kia mới thành hiện thực.

Tóm lại: Tương lai của Sacombank sau đổi chủ vẫn còn là một ẩn số đối với không ít người quan tâm đến sự kiện này. Ẩn số này vẫn chưa được hé lộ khi mà sau “tấm màn” cổ đông lớn vẫn chưa được lộ diện. Bên cạnh đó, còn nhiều dấu hỏi sau chiến lược mới của Sacombank và năng lực thực sự của ban lãnh đạo mới.

Song Long
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.