Nhiều vướng mắc về pháp luật trong thoái vốn nhà nước
Mặc dù có sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ song do nhiều nguyên nhân, quá trình thoái vốn nhà nước những năm gần đây có xu hướng diễn ra chậm. Trong đó, nguyên nhân đến từ sự chồng chéo giữa các văn bản quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động thoái vốn nhà nước.
Ông Lê Song Lai, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước cho rằng, pháp luật còn quy định chồng chéo tại nhiều văn bản thay vì tại một văn bản duy nhất, cho dù chỉ ở cấp thông tư. Điều này làm cho việc tham chiếu, vận dụng, giải thích văn bản gặp không ít khó khăn.
Trên thực tế, đã có không ít trường hợp, trong quá trình xét xử các vụ án dân sự, cơ quan xét xử đã áp dụng quy định về đấu giá tài sản để giải trình các tranh chấp phát sinh trong quá trình đấu giá cổ phần nhà nước.
Ngoài ra, theo ông Lai, các quy định hiện hành chủ yếu mới chỉ dừng ở các quy định khung, mang tính nguyên tắc, nên trong quá trình thực hiện, các DNNN thường xuyên phải hỏi ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước (QLNN) chuyên ngành để xử lý các vấn đề phát sinh. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, câu trả lời của các cơ quan QLNN cũng lại chung chung, thiếu cụ thể hoặc viện dẫn ngược trở lại các quy định cần giải thích, hoặc giải thích theo hướng an toàn, thậm chí chặt/hạn chế hơn so với quy định.
Ông Lê Song Lai, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước.
Đối với công tác lập kế hoạch hóa thoái vốn, ông Lai cho rằng việc này không thực sự gắn với yêu cầu thị trường khi đặt ra những thời hạn chót để hoàn thành. “Các doanh nghiệp bán vốn không có nhiều lựa chọn với tư cách một nhà đầu tư khi không thể chủ động và độc lập quyết định về thời điểm thoái vốn. Do đó, trong không ít trường hợp DN được yêu cầu phải thoái vốn tại những DN có hiệu quả cao, sau đó sử dụng số tiền thu về để tìm kiếm cơ hội đầu tư tại những DN/dự án có hiệu quả thấp hơn chỉ với lý do DN đó không thuộc đối tượng nhà nước phải nắm giữ lâu dài”, ông Lai cho biết.
Những vướng mắc trong thoái vốn nhà nước, theo ông Lai còn đến từ phía doanh nghiệp và đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước.
Theo đó, tỷ lệ sở hữu của cổ đông nhà nước quá nhỏ hoặc đã có cổ đông khác sở hữu tỷ lệ chi phối (trên 51%) tại DN, làm giảm sự hấp dẫn của phần vốn nhà nước chào bán; DN làm ăn yếu kém, thua lỗ kéo dài; không có lợi thế về đất đai; mâu thuẫn nội bộ, tranh chấp giữa các nhóm cổ đông,…
Về phía đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước, ngoài việc đảm bảo các yêu cầu công khai, minh bạch, việc thoái vốn nhà nước tại các DN thường hướng đến mục tiêu cao nhất là tối đa hóa số tiền thu về cho cổ đông nhà nước.
Tuy nhiên, cũng do định hướng này mà yêu cầu thông qua việc bán vốn để tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược, có đủ năng lực để điều hành DN hiệu quả hơn sau thoái vốn nhà nước, nếu có cũng không phải là trọng yếu và cũng sẽ khó có thể đạt được với trình tự đấu giá công khai và chọn nhà đầu tư trả giá cao nhất như hiện nay.
Trong khi đó, theo TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc thực hiện thoái vốn còn ì ạch, bởi còn vướng nhiều chuyện, trong đó chuyện khó nhất là việc xác định giá trị đất đai, tài sản, vốn, giá trị hữu hình và cả giá trị vô hình (thương hiệu, trí tuệ) của DN, cùng với việc vượt qua sự níu kéo của các DN và các cơ quan chủ quản từ trước đến nay.
“Người ta đã nói nhiều đến lợi ích nhóm, “sân sau sân trước” (giữa DN và cơ quan chủ quản) là một lực cản lớn, nhiều khi trở thành quyết định, không chỉ làm chậm mà còn phát sinh nhiều chuyện tiêu cực, tham nhũng. Công phá vào đây có lẽ phải là khâu quyết định nhất”, TS. Lưu Bích Hồ nhấn mạnh.
Cùng với đó, cũng cần tạo sự thống nhất thêm về nhận thức và quan điểm đối với DNNN. Cần phát huy vai trò của Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thường được gọi là Siêu Uỷ ban.
Tính ưu việt nổi trội của tổ chức này, theo TS. Hồ là tập trung thống nhất đầu mối quản lý, loại bỏ tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” do tách bạch chức năng quản lý nhà nước và quản trị doanh nghiệp, và do đó cũng tạo điều kiện để loại bỏ lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, “sân sau sân trước”.
“Vẫn có ý kiến e ngại tập trung như vậy sẽ càng chuyên quyền, càng quan liêu, càng lợi ích nhóm. Tất nhiên vẫn phải dè chừng, phải ngăn chặn, phải kiểm soát, giám sát chặt chẽ đối với hoạt động của UB đến từ Chính phủ, các bộ ngành địa phương có liên quan, từ Quốc hội và cả nhân dân, báo chí truyền thông”, TS. Hồ lưu ý.
TS. Lưu Bích Hồ.
Tôn trọng nguyên tắc công khai, minh bạch
Một vấn đề lâu nay thường được dư luận, các DN tư nhân và giới chuyên gia nói nhiều là DNNN còn được ưu đãi, không bình đẳng với DN tư nhân. Theo TS. Lưu Bích Hồ, điều này là có thật, cả trong việc cổ phần hóa như đất đai.
TS. Hồ phân tích, trước đây có trường hợp giá trị của đất đai không đưa vào ngân sách nhà nước mà nhiều khi bị chia đi chỗ khác. DNNN khi cổ phần hóa phải tính toán, sắp xếp lại đất đai phục vụ cho sản xuất kinh doanh, còn dôi dư thì phải chuyển lại cho địa phương quản lý theo đúng quy định. Cho nên việc xác định đúng giá trị theo cơ chế thị trường và công khai minh bạch trong sắp xếp đất đai trước cổ phần hóa và trong thực hiện cổ phần hóa là vấn đề rất hệ trọng, có như vậy mới không gây thất thoát tài sản của Nhà nước và không để xảy ra những vụ việc tham nhũng phức tạp như trong thời gian qua.
“Đất đai là vấn đề đại sự, sắp tới Quốc hội nên xem xét lại quy định về chuyển quyền sử dụng đất theo mục đích cho linh hoạt. Chúng ta nên quy hoạch lại để sử dụng đất đai cho hợp lý, nhất là trong điều kiện đi dần vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, vòng đời sản phẩm cũng như chu kỳ kinh doanh rút ngắn lại rất nhiều, vì thế doanh nghiệp không thể kinh doanh mãi một loại sản phẩm, dịch vụ, nếu quy định cứng quá sẽ gây khó khăn cho các DN, làm cho DN không thể chủ động, linh hoạt trong phát triển các ngành nghề mới”, TS. Hồ đề xuất.
Ngoài đất đai, TS Hồ cũng cho rằng việc định giá trị tài sản khác của DN cần tính tới một vấn đề là trong điều kiện hiện nay, do nhiều DN có giá trị thực trên thị trường thấp hơn nhiều giá trị trên sổ sách, điều này rất dễ hiểu. Do đó để cổ phần hóa không quá khó khăn về khía cạnh này, cần có thái độ mềm mỏng, không nên cao giá mà khó bán.
Theo kinh nghiệm cũng của Indonesia, có DN đã từng phải chấp nhận bán với giá 0 đồng nội tệ, coi như cho không, để xử lý cho xong vì càng kéo dài càng khó hơn; sau đó do DN này sẽ được phục hồi và phát triển, Nhà nước sẽ thu lợi qua thuế.
“Vấn đề chỉ là phải công khai minh bạch, theo đúng quy định pháp luật. Ví dụ trên chỉ là nói trường hợp không phổ biến, nhưng với ý không nên tiếc rẻ một thứ tài sản đã mất giá, cố níu kéo làm cho khó khăn kéo dài, mà giá trị không tăng thêm còn mất đi”, TS. Hồ nhấn mạnh.
Còn theo ông Lê Song Lai, cần tiếp tục tách bạch quá trình bán vốn việc thu hồi nợ theo hướng việc theo dõi và thu hồi nợ cần được coi là công việc thường xuyên cả trước, trong và sau khi bán cổ phần đối với các DN. Cụ thể pháp luật cần quy định đối với DN gặp khó khăn, kinh doanh thua lỗ, nếu không bán vốn có nguy cơ mất vốn và DN đã có xác nhận và cam kết trả nợ, thì cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước có thể dựa trên phân tích và đánh giá khả năng trả nợ để quyết định việc bán vốn trước khi thu hồi hết nợ.
Đối với những doanh nghiệp lâm vào tình trạng giải thể, phá sản, ông Lai cho rằng việc tham gia của DATC/VAMC vào quá trình mua nợ từ SCIC và tái cơ cấu doanh nghiệp là hết sức cần thiết, nhằm giúp doanh nghiệp sớm vượt qua khủng hoảng, từng bước ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.
-
Hàng nghìn tỉ đồng từ nguồn đất, mặt bằng kinh doanh đã và đang bị thất thoát
CafeLand - Tại Diễn đàn “Thúc đẩy quá trình đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước” diễn ra tại Hà Nội ngày 6/11, nhiều chuyên gia đã chỉ rõ các hạn chế trong quá trình cổ phần hoá (CPH) doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp.