“Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của người vay, trừ trường hợp cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng thì lãi suất thỏa thuận không vượt quá mức lãi suất cho vay tối đa do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định trong từng thời kỳ nhằm đáp ứng một số nhu cầu vốn” - đây là điểm mới về lãi suất cho vay được quy định bởi Thông tư 39/2016/TT-NHNN ban hành ngày 30-12-2016 và có hiệu lực từ ngày 15-3-2017.
Những năm qua, cơ quan quản lý đã nỗ lực nắn lại dòng vốn tín dụng bằng nhiều biện pháp - hành chính có, thị trường có - nhưng chưa thể nói sự bất cập không còn. Ảnh: HẢI NGUYỄN
Về cơ bản lãi suất đầu ra vẫn là thỏa thuận trừ lãi suất cho vay ngắn hạn. Điều thị trường quan tâm là liệu tới đây lãi suất cho vay ngắn hạn sẽ có trần, thì trần đó như thế nào.
Để có thể hình dung về trần lãi suất ngắn hạn, có lẽ nên nhìn rõ một cách tổng thể sơ đồ mặt bằng lãi suất hiện nay. Hiện tại NHNN không quy định trần lãi suất cho vay nói chung cho ngắn hạn, mà chỉ áp dụng mức trần lãi suất cho năm lĩnh vực ưu tiên bao gồm: nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cả năm lĩnh vực này được các ngân hàng cho vay với lãi suất tương đối thấp, khoảng 6%/năm.
Một số ngân hàng lớn thậm chí áp dụng mức 5,5%/năm. Còn lại lãi suất cho vay trên thị trường chủ yếu dựa vào thỏa thuận của các bên, ngắn hạn dao động trong khoảng 6-9%/năm, trung dài hạn 9-11%/năm. Một số doanh nghiệp tốt được vay với mức 5%/năm, nhưng số lượng hạn chế.
Vấn đề ở đây là dư nợ cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên thường thấp hơn các lĩnh vực khác. Ở TPHCM, tổng dư nợ cho vay ưu tiên thường chỉ chiếm 20%, cao nhất 30% tuỳ từng ngân hàng hoặc chi nhánh trên địa bàn, dư nợ chung. Dễ hiểu với lãi suất đầu ra thấp các tổ chức tín dụng không mặn mà cho vay ưu tiên.
Theo số liệu của NHNN công bố trên trang web của cơ quan này, đến hết tháng 11-2016 dư nợ cho vay nông lâm nghiệp, thủy sản chỉ có 540.082 tỉ đồng trên tổng dư nợ của toàn hệ thống 5,35 triệu tỉ đồng. Như vậy cho vay lĩnh vực trên chiếm khoảng 10% tổng nợ dành cho toàn bộ nền kinh tế.
Trong khi đó, dư nợ đối với các ngành nghề khác rất cao như công nghiệp - xây dựng 1,67 triệu tỉ đồng; các hoạt động dịch vụ khác (gồm cả bất động sản) hơn 2 triệu tỉ đồng. Tốc độ tăng trưởng tín dụng ở những lĩnh vực vừa nêu thấp do dư nợ của chúng đã cao sẵn, nên chỉ cần một tỷ lệ tăng nhỏ cũng là số tuyệt đối lớn. Sự bất cân đối trong tín dụng đối với các lĩnh vực cần phát triển của nền kinh tế không phải bây giờ mới có, mà đã tồn tại từ lâu. Những năm qua, cơ quan quản lý đã nỗ lực nắn lại dòng vốn tín dụng bằng nhiều biện pháp - hành chính có, thị trường có - nhưng chưa thể nói sự bất cập không còn.
Hạ lãi suất vẫn là một trong những đòi hỏi cơ bản của nền kinh tế nhất là trong điều kiện tăng trưởng GDP dựa chủ yếu vào vốn, trong đó có vốn vay ngân hàng. Giải pháp áp trần lãi suất cho vay ngắn hạn từ giữa tháng 3-2017 về mặt lý thuyết sẽ không có nhiều tác dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên vì vốn dĩ các lĩnh vực này đã được vay lãi suất thấp rồi.
Còn áp trần ngắn hạn nhằm kéo mặt bằng lãi suất cho vay chung xuống cũng cần phải kết hợp nhiều yếu tố. Ngân hàng sẽ không chấp nhận hòa vốn để cho vay khi mà nợ xấu thực sự còn cao. Để cho vay với lãi suất thấp, ngân hàng phải có nguồn đầu vào thấp, tức giá vốn thấp. Giá vốn thấp lấy ở đâu?
Nơi có giá vốn đầu vào thấp hiện nay chủ yếu nằm ở các ngân hàng quốc doanh và nửa quốc doanh do tập trung được nguồn tiền gửi không kỳ hạn. Ngoài ra lãi suất tiền gửi các kỳ hạn của bốn ông lớn VietcomBank, VietinBank, BIDV, Agribank đều thấp hơn các ngân hàng cổ phần. Tuy vậy cũng phải thấy rằng đây là bốn đầu tàu cáng đáng phần lớn tín dụng cho cả nước, đồng thời là các khách hàng chủ lực mua trái phiếu chính phủ.
Trong bối cảnh đặc biệt, một số còn phải cho ngân sách vay như Vietcombank đã cho ngân khố quốc gia vay 1 tỉ đô la Mỹ. Vào những lúc thừa tiền, thanh khoản dồi dào, mua trái phiếu chính phủ là chuyện không có gì đáng bàn (thí dụ quí 4-2016 có lúc lợi tức trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm chỉ còn 4,9%/năm, thấp kỷ lục. Sang tháng 1-2017 lãi suất trúng thầu trái phiếu 5 năm nhảy lên được 5,25% nhờ nhu cầu tiền đồng trước Tết, nhưng đến đầu tháng 2-2017 đã rớt lại về 5,02%/năm).
Nhưng những ngày giáp hạt, nguồn đâu để mua trái phiếu với tổng lực mạnh? Trái phiếu chính phủ huy động được lại chuyển sang đầu tư công. Thành ra thay vì ngân hàng cho doanh nghiệp vay, lại là ngân khố gián tiếp cung ứng vốn cho doanh nghiệp, dự án. Xét về mức độ thẩm định dự án và quản lý đường đi của đồng vốn, lấy gì đảm bảo đầu tư công được sử dụng hiệu quả hơn vốn vay ngân hàng?
Để giảm lãi suất, hỗ trợ tăng trưởng GDP ngay trong quí 1-2017 và tạo đà cho quí 2-2017 cách thức nào cũng phải đi kèm với bơm tiền ra mà cụ thể là điều phối tăng tổng phương tiện thanh toán ngay từ đầu năm. Một khi NHNN quyết định trần lãi suất cho vay ngắn hạn, mà trần này có khoảng cách thấp hơn đáng kể so với mức hiện hành của thị trường 6-9%/năm, liệu có sự chững lại của tín dụng ngắn hạn? Còn nếu không, các ngân hàng và khách hàng buộc phải chuyển sang vay trung, dài hạn để tự thỏa thuận lãi suất. Khi ấy sẽ đụng chạm vấn đề tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn. Tỷ lệ này đã được giảm về 50% từ mức 60% của năm ngoái theo Thông tư 06/2016/TT-NHNN.
Hải Lý (Thời báo kinh tế Sài Gòn)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.