CafeLand - Báo chí và dư luận trọng nước mấy ngày qua nóng hừng hực với sự kiện Hoàng Anh Gia Lai (HAG) bị Global Witness cáo buộc phá rừng và thiếu trách nhiệm xã hội. Cho đến nay vẫn chưa thể lường hết được hệ quả mà HAG phải gánh chịu sau cáo buộc này. Bên cạnh đó, không ít người nghi ngại những tử huyệt của HAG sẽ sớm bộc lộ và khiến HAG điêu đứng.

Trong những năm qua, doanh thu chính của tập đoàn HAGL chủ yếu đến từ bất động sản. Ảnh minh họa: Internet

Tử huyệt dòng tiền

Tên tuổi HAG bắt đầu nổi như cồn cách đây hơn 10 năm, khi ông Đoàn Nguyên Đức sở hữu đội bóng đá và bỏ rất nhiều tiền mua thuê ngôi sao số 1 Đông Nam Á Kiatisuk cùng dàn cầu thủ tuyển quốc gia Thái Lan đang làm mưa làm gió trong khu vực về cho đội bóng của mình. Cũng từ đó, HAG được biết đến nhiều với tư cách là công ty sản xuất đồ gỗ hàng đầu Việt Nam.

Ngày này, HAG trở thành một tập đoàn kinh doanh đa ngành. Tuy nhiên, trong những năm vừa qua doanh thu chính của cả tập đoàn chủ yếu đến từ bất động sản. Do vậy, với việc thị trường bất động sản èo uột trong mấy năm khiến HAG khá chật vật. Các ngành nghề khác trồng cây cao su, khai thác thủy điện, mía đường, khoáng sản tại Lào, Campuchia và cả bất động sản tại Myanmar mới chỉ trong giai đoạn đầu tư.

Chính việc quá năng động và mở rộng quá nhanh này khiến HAG xuất hiện nhiều tử huyệt. Báo cáo tài chính của HAG cho thấy lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty khá thấp chẳng hạn năm 2012 chỉ có 940 tỷ đồng, năm 2011 âm 993 tỷ đồng, năm 2010 là 294 tỷ đồng. Trong khi đó hoạt động đầu tư của công ty năm 2011 và 2012 đều âm trên 5.000 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc dòng tiền tư hoạt động kinh doanh không đủ để công ty tái đầu tư. Do vậy, công ty buộc phải liên tục vay nợ (tài trợ từ hoạt động tài chính) để thực hiện các dự án đầu tư của mình.

Theo lộ trình mà HAG công bố thì những năm tới việc đầu tư vào thủy điện, cao su và bất động sản tiếp tục cần số tiền lớn. Do vậy, HAG phải tiếp tục vay mượn hoặc phát hành thêm cổ phần để có vốn đầu tư. Sau cáo buộc của Global Witness thì việc vay mượn của HAG có thể gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh thiếu hụt dòng tiền thì cơ cấu nợ của HAG cũng hết sức đáng lo ngại. Theo báo cáo tài chính quý 1/2013, nợ vay ngắn hạn của HAG là 3.446 tỷ đồng, nợ vay dài hạn là 13.754 tỷ đồng. Như vậy, tổng cộng nợ vay của công ty lên đến 17.200 tỷ đồng. Nếu tính lãi suất trung bình 12%/năm thì tổng số lãi vay mà công ty phải trả hàng năm lên tới 2.064 tỷ đồng. Còn số này gần bằng 50% doanh thu toàn tập đoàn HAG năm 2012. Tất nhiên, phần lớn lãi vay này được vốn hóa vào tài sản của công ty. Tuy nhiên, dòng tiền và thanh khoản đang là một gánh nặng rất lớn đối với HAG.

Tỷ số nợ/vốn chủ sở hữu của HAG lên đến 2,18 lần, đây là con số tương đối cao so với các doanh nghiệp Việt Nam.

Tử huyệt làm giàu từ tài nguyên và đụng chạm vấn đề nhạy cảm

Ngày 13/05, tổ chức phi chính phủ Global Witness công bố báo cáo nhằm cáo buộc 2 doanh nghiệp lớn ở Việt Nam là Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đang “chiếm đất”, hủy hoại sinh kế của người dân địa phương cũng như môi trường; đồng thời chỉ trích 2 Tập đoàn này đều không tôn trọng pháp luật, phớt lờ các quy định pháp lý về bảo vệ môi trường, xã hội của Lào và Campuchia…

Như vậy, việc HAG giảm tỷ trọng đầu tư bất động sản để đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, một ngành nghề vốn được xem là có tiềm năng và mang lại lợi nhuận cao cũng không hề đơn giản. Chúng ta còn nhớ cách đây hơn 10 năm HAG được biết đến như một doanh nghiệp hàng đầu trong sản xuất đồ gỗ. Tuy nhiên, việc này cũng khiến nhiều người liên tưởng đến việc biến mất của những cánh rừng ở Tây Nguyên trong suốt những năm vừa qua. Không ít người Gia Lai thường cho rằng hệ quả đó có một phần “công sức” của đại gia gỗ tại Tây Nguyên.

Trước cáo buộc của Global Witness, ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HAGL khẳng định: “Cáo buộc trên là hoàn toàn không chính xác, vô căn cứ. Chúng tôi là một tập đoàn tư nhân lớn, một thương hiệu nổi tiếng, với nhiều cổ đông trong và ngoài nước nên chuyện thượng tôn pháp luật là việc đầu tiên chúng tôi phải thực hiện. Các Cty con thuộc HAGL đang có những hoạt động đầu tư vào lĩnh vực trồng cây cao su, mía đường tại Campuchia, Lào đã tuân thủ đúng theo luật pháp nước sở tại, bao gồm cả việc bảo vệ rừng.”

Trong một bài trả lời phỏng vấn gần đây chính ông Đoàn Nguyên Đức thừa nhận “Đã trồng cao su từ đất rừng bắt buộc phải khai hoang, chặt cây mới trồng cao su được”. Dù sau đó ông có giải thích đây là rừng nghèo và được chính phủ nước sở tại cho phép. HAG cũng không buôn bán gỗ được khai thác từ những khu rừng này. HAG cũng không hề “đút lót” để có được đất ở đây…

Tuy nhiên, những lý lẽ này cũng khó thuyết phục nhiều người vì thực tế là trong suốt nhiều năm qua hàng trăm nghìn ha rừng ở Việt Nam bì tàn phá khai thác gỗ, trồng cao su, cà phê... Vì vậy, không có lý do gì để một điều tương tự không xảy ra tại Campuchia hay Lào.

Việc cảnh báo của Global Witness dù không có giá trị pháp lý nhưng đó nó có sức nặng ngàn cân. Các nhà đầu tư, những ngân hàng cung cấp tài chính, khách hàng làm ăn với HAG đều phải cảnh giác với vấn đề hết sức nhạy cảm này.

Không chỉ liên quan đến cao su hay vấn đề phá rừng, trước đó việc khai thác quặng, làm thủy điện của HAG cũng đang bị cảnh báo là gây ra ô nhiễm, làm cạn kiệt tài nguyên… Chính các quốc gia như Lào, Campuchia cũng cách giác với hoạt động này của HAG.

Như vậy, việc làm giàu từ tài nguyên và đụng chạm đến vấn đề nhạy cảm có thể khiến doanh nghiệp này gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, khi việc kinh doanh này không chỉ giới hạn ở Việt Nam mà còn tại các quốc gia khác nơi dễ bị các tổ chức quốc tế để ý. Đây là một bài học lớn đối với doanh nghiệp Việt và doanh nhân Việt trong kinh doanh.

Biến động giá cổ phiếu HAG

Hoàng Nam
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.