Tuy vậy, nhìn sâu hơn vào bản chất của việc tăng trưởng và các yếu tố nội tại của nền kinh tế xuất hiện không ít quan ngại.
Quan ngại từ Trung Quốc
Theo IMF tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2015 đạt 3,1%. Trong khi đó kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu (Euro Zone) tiếp tục phục hồi với mức tăng trưởng 1,6%, mức cao nhất từ đầu năm 2011 đến nay. Nền kinh tế lớn nhất thế giới là Hoa Kỳ tăng trưởng 2,1%, thấp hơn so với vài năm qua, nhưng các chỉ số vĩ mô khác của nước này như thâm hụt ngân sách, tỷ lệ thất nghiệp lại đang có chiều hướng tốt dần.
Năm vừa qua, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng chậm. GDP của Trung Quốc chỉ còn tăng 6,9%, mức thấp nhất kể từ năm 2009 đến nay. Kể từ năm 2010 đến nay tốc độ tăng trưởng GDP của nước này liên tục đi xuống. Các nền kinh tế mới nổi khác như Brazil, Nga trong năm qua tiếp tục tăng trưởng âm.
Năm 2015 là năm đánh dấu sự kiện đồng đô la Mỹ mạnh lên so với hầu hết các đồng tiền khác. Điều này cho thấy nền kinh tế Mỹ đang phục hồi khá mạnh. Việc đồng đô la Mỹ mạnh lên làm cho những quốc gia thực hiện chính sách tỷ giá neo theo đồng đô la Mỹ như Việt Nam bị ảnh hưởng khá lớn. Liên quan đến tiền tệ một sự kiện đáng chú ý là đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc phá giá. Đây cũng là năm đánh dấu sự kiện NDT được đưa vào làm một trong 5 đồng tiền trong rổ tính giá trị của Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của IMF. Điều này cho thấy NDT đang tiến dần tới trở thành một đồng tiền thanh toán quốc tế.
Năm 2015, hầu hết các mặt hàng đều giảm giá do đồng đô la Mỹ mạnh lên và nhu cầu tiêu thụ giảm ở một số nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Brazil và Nga. Đặc biệt giá dầu thô giảm sâu về mức 37 đô la Mỹ /thùng, mức thấp nhất trong hàng chục năm qua. Cùng với đó giá vàng về mức gần 1.000 đô la Mỹ /oz.
Đánh giá về kinh tế toàn cầu năm 2016, nhiều chuyên gia, tổ chức nhận định đây sẽ là năm đầy khó khăn thách thức. Tăng trưởng thương mại toàn cầu đã giảm đi đáng kể và sự sụt giảm của giá nguyên vật liệu thô nên những nền kinh tế phụ thuộc vào chúng sẽ hứng chịu nhiều thử thách. Trong khi đó ngành tài chính tại nhiều quốc gia vẫn đang suy yếu và rủi ro tại các thị trường mới nổi đang tăng lên. Điểm đáng lo ngại là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới là Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trưởng chậm lại sẽ làm ảnh hưởng chung đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Những điểm sáng của Việt Nam
GDP tăng cao nhất trong 8 năm
Tăng trưởng GDP của Việt Nam theo từng lĩnh vực
GDP năm 2015 ước tính tăng 6,68%, mức cao nhất trong vòng 8 năm qua. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng tăng 9,64%, cao hơn nhiều mức tăng 6,42% của năm trước. Quy mô nền kinh tế năm nay theo giá hiện hành đạt khoảng 4.193 nghìn tỷ đồng. Sự phục hồi mạnh của nền kinh tế trong năm qua chủ yếu đến từ việc phục hồi của khu vực sản xuất công nghiệp. Trong đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã đóng góp rất lớn cho tăng trưởng kinh tế.
Kinh tế năm 2015 tăng cao còn nhờ tỷ lệ đầu tư trong nền kinh tế tăng mạnh. Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2015 đạt khoảng 1.367 nghìn tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2014 và bằng 32,6% GDP. Trong đó đáng chú ý là khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với 318 nghìn tỷ đồng, chiếm 23,3% tổng đầu tư và tăng 19,9% so với năm trước. Điều này cũng cho thấy khu vực FDI đã đóng góp rất lớn cho sự phục hồi của kinh tế Việt Nam.
Xuất nhập khẩu tăng mạnh
Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam
Tình hình ngoại thương trong năm qua cũng ghi nhận những yếu tố khá tích cực. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 162,4 tỷ đô la Mỹ, tăng 8,1% so với năm 2014, và nếu loại trừ yếu tố giá thì kim ngạch xuất khẩu 2015 tăng 12,4%. Điểm đáng chú ý là kim ngạch xuất khẩu khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước tính đạt khoảng 115 tỷ đô la Mỹ, tăng 13,8% so với năm trước, chiếm tỷ trọng 70,9% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Ngược lại, khu vực trong nước ước tính đạt 47,3 tỷ đô la Mỹ, giảm 3,5%. Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu năm 2015 ước tính đạt 165,6 tỷ đô la Mỹ, tăng 12% so với năm trước. Trong đó đáng chú ý là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 98 tỷ đô la Mỹ, tăng 16,4%; khu vực kinh tế trong nước đạt 67,6 tỷ đô la Mỹ, tăng 6,3%.
Năm 2015 nhập siêu khoảng 3,2 tỷ đô la Mỹ sau 3 năm xuất siêu liên tục. Nhập siêu của Việt Nam chủ yếu đến từ Trung Quốc và Hàn Quốc.
Lạm phát thấp, tăng trưởng tín dụng cao
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2015 tăng 0,6%, bình quân mỗi tháng CPI tăng 0,05%. Đây là mức tăng thấp nhất trong 14 năm trở lại đây. Nguyên nhân khiến CPI tăng thấp là do giá lương thực, nguyên liệu trong nước và trên thế giới đều giảm do nguồn cung dồi dào. Bên cạnh đó, sức tiêu dùng trong nước cũng tăng không đáng kể và tăng trưởng tín dụng, cung tiền không cao khiến cho lạm phát khá ổn định.
Tính đến thời điểm 18/12/2015, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 17% so với thời điểm cuối năm 2014, mức tăng cao nhất kể từ năm 2011. Tín dụng lĩnh vực công nghiệp tăng 44,78%, nông nghiệp nông thôn tăng 10,8%, tín dụng bất động sản tăng khoảng 20%. Mới đây NHNN cho biết tín dụng năm 2015 có thể tăng vượt mức 18%.
Như vậy, tăng trưởng tín dụng năm 2015 đã vượt mục tiêu NHNN đề ra đầu năm. Tuy nhiên, một yếu tố được nhiều người mong chờ là lãi suất giảm đã không diễn ra. Sự biến động của lãi suất đi ngược với xu thế biến động của tình hình lạm phát. Một số phân tích cho rằng, nguyên nhân khiến lãi suất Việt Nam cao là do nợ xấu hiện nay về thực chất vẫn còn quá cao làm cho chi phí thực sự của các ngân hàng lớn. Bên cạnh đó còn do chi phí vận hành của các ngân hàng của Việt Nam đang quá cao do khâu quản trị còn yếu và thiếu sự minh bạch. Bên cạnh đó, với việc tăng trưởng tín dụng vượt trội so với huy động cũng dẫn tới lãi suất vay khó giảm. Với tình trạng hiện nay thì việc giảm lãi suất trong thời gian tới là không dễ dàng.
Thị trường bất động sản phục hồi
Tiếp tục đà phục hồi của năm 2014, thị trường bất động sản khởi sắc ấn tượng trong năm 2015. Rất nhiều dự án bất động sản được khởi công mới hoặc hồi sinh trong năm qua. Theo báo cáo của Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), tính đến ngày 20/11/2015, tổng giá trị tồn kho bất động sản còn khoảng 53.245 tỉ đồng. So với thời điểm quý 1/2013, giá trị tồn kho đã giảm 75.303 tỉ đồng, tương đương 58%. Tồn kho BĐS giảm mạnh trong thời gian qua là do những diễn biến tích cực của thị trường bất động sản.
Khác với năm trước, năm 2015 ghi nhận phân khúc bất động sản trung và cao cấp nở rộ. Lần đầu tiên trong nhiều năm qua, thị trường xuất hiện hiện tượng “cháy hàng” ở một số dự án cao cấp và có tới hàng nghìn căn được bán ra chỉ riêng trong quý đầu chào bán. Hàng loạt dự án quy mô lớn từng bị trì hoãn trong thời kỳ bất động sản đóng băng như Goldmark City, Sapphire Palace, Gemek Tower ở Hà Nội, Vista Verde, the Park Residence, Le Meridien, City Gate Towers ở TP. HCM đã “bung hàng” trong thời gian qua và thu được nhiều thành công.
Theo ước tính của một số công ty tư vấn bất động sản, các dự án ở các quận nội đô và khu vực lân cận có cơ sở hạ tầng phát triển tiếp tục thu hút khách mua và có xu hướng giữ được mức giá bán cao. Giá bán trung bình căn hộ cao cấp ở Hà Nội và TP.HCM dao động trong khoảng 1.500–1.700 đô la Mỹ/m2, căn hộ trung cấp khoảng 1.000 đô-la Mỹ/m2, còn bình dân khoảng 700 đô-la Mỹ/m2.
Năm vừa qua các đơn vị phát triển bất động sản lớn đang dẫn dắt thị trường. Novaland đã thâu tóm hàng loạt dự án như Galaxy 9, Icon 56, River Gate, Lexington, The Tresor và mới nhất là The Sun Avenue. Trong khi Keppel Land mua một dự án của công ty Tiến Phước với giá 26,7 triệu đô la Mỹ, Tập đoàn Creed đầu tư 600 tỷ đồng vào dự án City Gate Towers. Những tên tuổi hàng đầu khác như Vingroup, Tân Hoàng Minh, Đại Quang Minh, Sun Group và nhân vật mới nổi như FLC đang tạo ra những vị thế vững chắc trên thị trường.
Những thách thức
Bên cạnh những thành công đáng kể, kinh tế Việt Nam cũng đang phải chịu nhiều thách thức trong ngắn hạn lẫn dài hạn. Trong đó, đáng chú ý là nợ xấu, tỷ giá, thâm hụt ngân sách, đầu tư công, nợ công và hiệu năng của bộ máy nhà nước. Nếu những rào cản đó không được nhanh chóng tháo gỡ thì kinh tế Việt Nam khó cất cánh trong dài hạn.
Căng thẳng tỷ giá
Vấn đề đầu tiên phải nhắc là vấn đề điều hành tỷ giá hiện nay đang gặp phải nhiều vấn đề nan giải. Năm 2015 tiền đồng mất giá gần 5% so với đồng đô la Mỹ, vượt mục tiêu cam kết của NHNN là tăng 2% trong năm 2015. Việc tỷ giá tăng có nguyên nhân đến từ bên ngoài là do đồng đô la Mỹ năm vừa qua tăng mạnh so với hầu hết các đồng tiền khác trên thế giới. Bên cạnh đó Trung Quốc cũng phá giá đồng NDT cũng gây áp lực lên việc mất giá của tiền đồng. Nguyên nhân khác đến từ nội tại nền kinh tế Việt Nam. Sự phục hồi của nền kinh tế khiến cho nhu cầu nhập siêu tăng mạnh. Năm 2015 thâm hụt thương mại khoảng 3 tỷ đô la Mỹ, đây là lần đầu tiền trong 4 năm qua Việt Nam nhập siêu. Năm 2015, NHNN đã thực hiện nhiều chính sách tỷ giá quan trọng bằng cách vừa phá giá vừa nới biên độ tỷ giá từ mức +/-1% lên +/-3%.
Một vấn đề khác liên quan đến tỷ giá là trong năm qua NHNN đã giảm lãi suất tiền gửi bằng đô la Mỹ đối với doanh nghiệp và cá nhân đều xuống 0%. Việc giảm lãi suất này nhằm giảm việc tích trữ gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ của người dân và doanh nghiệp để giữ ổn định tỷ giá. Bên cạnh đó vừa qua NHNN cũng buộc phải bán dự trữ ngoại hối để giữ tỷ giá.
Hiện nay việc điều hành tỷ giá của NHNN đang gặp nhiều thách thức. Với việc Trung Quốc sẽ điều hành tỷ giá một cách linh hoạt hơn sẽ ảnh hưởng lớn đến chính sách tỷ giá của Việt Nam. Mới đây NHNN cho biết sẽ áp dụng chính sách điều hành tỷ giá mới trong thời gian tới. Theo đó tỷ giá liên ngân hàng tham chiếu của NHNN sẽ biến động một cách linh hoạt hơn so với trước.
Nợ xấu và tái cấu trúc ngân hàng
Năm 2015 là năm cuối cùng thực hiện đề án tái cấu trúc ngân hàng. Đây cũng là năm mà NHNN mạnh tay hơn trong việc xử lý những ngân hàng yếu kém. Theo đó, có 3 ngân hàng bị mua lại với giá 0 đồng là ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam, OceanBank và GPBank. Lãnh đạo của cả 3 ngân hàng này đều bị khởi tố vì những sai phạm trong cho vay vốn dẫn đến thất thoát tiền của ngân hàng và không thể tự phục hồi.
Ngoài ra, cũng có hàng loạt vụ sáp nhập ngân hàng diễn ra trong năm 2015 như BIDV sáp nhập MHB, VietinBank sáp nhập PGBank, Maritimebank với MDB và Southern Bank nhập về Sacombank. Hầu hết những vụ sáp nhập này nhằm giải cứu những ngân hàng yếu kèm hơn nhằm tránh đổ vỡ hệ thống. Năm 2015 cũng có những diễn biến khá bất ngờ trong hệ thống ngân hàng khi DongAbank, một ngân hàng được xem là khá tốt, bị rơi vào tình trạng kiểm soát đặc biệt và Eximbank bị thanh tra. Đặc biệt, sự kiện đáng chú ý là ông Trầm Bê và gia đình cũng phải ủy quyền toàn bộ cổ phiếu của mình và bên có liên quan tại Southern Bank và Sacombank cho NHNN để khắc phục hậu quả.
Về xử lý nợ xấu, theo báo cáo của NHNN thì tổng số nợ xấu của các ngân hàng về cuối năm về dưới mức 3% như mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, thực tế số nợ xấu này vẫn nằm tại “kho” của VAMC hơn 200.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 5% tổng dư nợ. Bên cạnh đó, con số nợ xấu mà các ngân hàng báo cáo cũng thường khác xa so với thực tế. Nợ xấu trong năm qua tạm gác lại với con số báo cáo đẹp, nhưng đây vẫn được xem là một vấn đề hết sức trầm trọng đối với kinh tế Việt Nam. Việc không xử lý nợ xấu một cách triệt để sẽ để lại những hậu quả khó lường đối với nền kinh tế Việt Nam trong dài hạn.
Thâm hụt ngân sách và nợ công
Theo Tổng cục Thống kê, tổng thu ngân sách từ đầu năm đến thời điểm 15/12/2015 ước tính đạt 884,8 nghìn tỷ đồng, bằng 97,1% dự toán năm. Trong khi đó tính đến cùng thời điểm trên, tổng chi ngân sách ước tính đạt 1064,5 nghìn tỷ đồng, bằng 92,8% dự toán năm. Theo con số ước tính thì thâm hụt ngân sách đúng bằng 5% GDP năm 2015. Tuy nhiên, con số chốt sau cùng có thể cao hơn con số này.
Thâm hụt ngân sách trở thành một vấn đề nóng bỏng trong năm 2015 khi nguồn thu đóng góp khá lớn cho ngân sách là đầu thô sụt giảm mạnh bởi giá dầu đang ở mức rất thấp. Trong khi đó, áp lực chi ngân sách rất lớn bởi nhu cầu đầu tư và chi trả nợ cũ tăng mạnh. Việc vay vốn bù đắp bội chi ngân sách năm 2015 trở thành một vấn đề hết sức nan giải. Huy động vốn từ trái phiếu chính phủ gặp nhiều khó khăn bởi Chính phủ chỉ được phát hành trái phiếu có kỳ hạn 5 năm trở lên và lãi suất bị giới hạn ở mức khá thấp. Để giải bài toán này, Chính phủ buộc phải vay vốn trực tiếp 30.000 tỷ đồng từ NHNN và 2 tỷ đô la Mỹ từ Vietcombank. Bên cạnh đó để có nguồn tiền trả nợ cũ Chính phủ cũng đã lên kế hoạch huy động 3 tỷ đô la Mỹ trái phiếu quốc tế để đảo nợ.
Trong những năm qua tỷ lệ nợ công so với GDP tăng rất nhanh và đang dần trở nên rất rủi ro. Bên cạnh đó cơ cấu chi ngân sách khiến nhiều người lo ngại khi chi thường xuyên chiếm tỷ lệ cao trong chi ngân sách và gánh nặng trả nợ ngày càng tăng lên. Trong khi đó, chi cho đầu tư công thường có hiệu quả rất thấp do suất đầu tư cao, thất thoát và “không đúng nơi đúng chỗ”. Cơ chế xin-cho phản ánh qua hiện tượng nhiều tỉnh thành làm dự án để xin tiền từ trung ương bất chấp hiệu quả thực sự của nó.
Tái cấu trúc DNNN còn quá nhiều rào cản
Năm 2015 là năm cuối trong việc thực hiện Đề án 929 về tái cơ cấu DNNN. Vì vậy, trong năm vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước bằng cách đẩy mạnh việc thoái vốn và cổ phần hóa các tổng công ty và tập đoàn.
Kết quả công bố mới đây cho thấy từ năm 2011 đến ngày 10/11/2015 cả nước đã sắp xếp được 471 doanh nghiệp, đạt 90% kế hoạch. Quá trình tái cơ cấu DNNN đã đạt được những kết quả khả quan ban đầu và đang có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, những kết quả này chưa có sự chuyển biến mạnh mẽ về “chất” trong cơ cấu tổ chức quản lý điều hành, quản lý tài chính, cũng như chất lượng lao động, bộ máy lãnh đạo điề hành, năng suất lao động, hiệu quả hoạt động của DNNN... Nguyên nhân là do một số bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp chưa quyết liệt trong chỉ đạo và triển khai thực hiện việc tái cấu trúc. Ngoài ra, sự “chậm chạp” này còn do nhóm lợi ích vẫn còn muốn giữ DNNN để có thể chi phối. Thêm vào đó “vòng kim cô nhà nước” đang cản trở lớn việc nâng cao đội ngũ nhân lực và chất lượng quản trị tại DNNN hay doanh nghiêp nhà nước chi phối.
Nguyên nhân khách quan là do thị trường tài chính chưa thực sự thuận lợi. Sức ì của các DNNN nhà nước hiện nay vẫn còn quá lớn khiến họ khó khăn trong việc tìm được đối tác chiến lược hoặc đẩy nhanh việc cổ phần hóa một cách hiệu quả.