24/06/2020 3:30 PM
CafeLand - Sau rất nhiều tranh cãi với các ý kiến trái chiều giữa các chuyên gia, giữa các đại biểu Quốc hội, cuối cùng quốc hội đã biểu quyết “khai tử” ngành nghề kinh doanh đòi nợ thuê. Những người ủng hộ thì cho rằng việc cấm này là cần thiết bởi ngành nghề này đang gây ra nhiều bất cập, rủi ro trong xã hội.

Trong khi đó một số quan điểm thì rằng việc Quốc hội cấm là một thất bại từ phía cơ quan nhà nước, lẫn thiết chế xã hội khác trong việc giải quyết các vấn đề tranh chấp.

Cấm kinh doanh đòi nợ thuê

Đã có quy định

“Khi bạn nợ ngân hàng 1 tỷ thì bạn sợ ngân hàng nhưng khi bạn nợ ngân hàng 10 tỷ thì ngân hàng sợ bạn”. Câu nói này cho thấy quyền lực của người đi vay đối với vấn đề trả nợ. Trong rất nhiều trường hợp, ngay cả chủ nợ là các nhà băng cũng không thể thu hồi các khoản cho vay của mình hoặc phải mất chi phí rất cao. Do đó, khi cho vay các ngân hàng thường phải thẩm định rất kỹ khả năng chi trả của khách hàng và thường yêu cầu khách hàng phải có tài sản thế chấp.

Sự khắt của ngân hàng như là một điều đương nhiên để bảo vệ đồng tiền của người gửi. Tuy nhiên, điều này cũng đẩy nhiều người, doanh nghiệp vào cảnh không thể tiếp cận tín dụng ngân hàng với chi phí thấp. Họ phải vay các công ty tín dụng, người dân, thậm chí xã hội đen với lãi suất rất cao. Tất nhiên, đây là những nhóm khách hàng rủi ro do đó khả năng không trả được nợ cũng rất cao.

Chính vì vậy thiết chế quy định về ngành nghề kinh doanh “đòi nợ thuê ra đời’’. Tuy nhiên, đây thường là một nghề “nhạy cảm” nên nhà nước xếp vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Bên cạnh luật Doanh nghiệp, loại hình dịch vụ kinh doanh này còn chịu ràng buộc bởi các Nghị định 96/2016/NĐ-CP quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong đó có quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Dịch vụ này còn chịu quản lý của Nghị định 104/2007/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Ngoài các điều kiện về vốn ban đầu, duy trì vốn trong quá trình kinh doanh, quy định về năng lực hành vi, về hợp đồng pháp lý… các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đòi nợ thuê còn chịu sự giám sát chặt chẽ về an ninh trật tự khi phải do cơ quan công an cấp quận/huyện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Phải có các trách nhiệm: “Tuyển chọn, sử dụng nhân viên dịch vụ đòi nợ phải là người không có tiền án về các tội giết người, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, làm nhục người khác và các tội xâm phạm sở hữu.

Chỉ được hoạt động dịch vụ đòi nợ trong phạm vi pháp luật cho phép và phải có hợp đồng ủy quyền của chủ nợ. Trong thời hạn 03 ngày trước khi thực hiện hợp đồng đòi nợ, phải có văn bản thông báo cho Công an xã, phường, thị trấn nơi tiến hành đòi nợ. Khi thực hiện đòi nợ không được sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực và không được sử dụng các phương tiện làm ảnh hưởng đến trật tự công cộng. Không sử dụng những người không phải là nhân viên của cơ sở kinh doanh thực hiện việc đòi nợ”.

Thực tế hỗn loạn

Như vậy, ngành kinh doanh đòi nợ thuê đã có khuân khổ pháp luật quy định và khá chặt chẽ để bảo vệ người đi vay. Tuy nhiên, thực tế các quy định của pháp luật trong lĩnh vực này đặc biệt là đạo đức kinh doanh không phải lúc nào cũng được các bên liên quan thực hiện và giám sát thực hiện đầy đủ. Rất nhiều trục trặc xuất hiện trong việc cung ứng dịch vụ này thời gian vừa qua.

Ngay trong ngày 21 tháng 6, tại cầu Phú Long, thuộc phường Lái Thiêu, TP Thuận An. Một người đàn ông sinh nằm 1978 đã chạy xe lên giữa cầu Phú Long (giáp ranh TP.HCM và Bình Dương), để lại xe máy, điện thoại và đồ dùng cá nhân rồi nhảy xuống sông Sài Gòn mất tích. Qua điều tra sơ bộ có thể kết luận người đàn ông này vay tiền từ một công ty tài chính, không có khả năng trả nợ dẫn đến tự tử. Rất nhiều báo đã giật tít “Bị giang hồ đe dọa đòi nợ, người đàn ông nhảy sông mất tích”.

Tháng trước, một thầy giáo tuổi đời còn rất trẻ, trú tại huyện Châu Thành thành phố Cần Thơ đã đã uống thuốc độc tự tử. Ban đầu thầy giáo có nhu cầu chi tiêu nên đã vay 5 triệu đồng. Khi chưa kịp hoàn trả, thầy bị áp lãi suất quá hạn. Buộc phải đảo nợ bằng cách vay để trả cho cả gốc và lãi. Sau một thời gian vay mới trả cũ số nợ lên tới 200 triệu đồng. Thầy bị truy bức liên tục, tâm trạng hoảng loạn, sống trong lo sợ. “Xã hội đen” còn đe dọa đến đồng nghiệp và sinh viên của trường mà thầy giáo đang dạy. Mất uy tín, thầy tự tử.

Phở Hòa đường Pasteur quận 3, tuy chẳng vay nợ nhưng vẫn bị tạt sơn, thả gián vào phở ngay lúc có khách hoặc nửa đêm để yêu cầu trả nợ thay cho người thân của mình.

Nhiều vụ việc thương tâm xảy ra gắn với dịch vụ “đòi nợ thuê” đều liên quan đến “xã hội đen”. Điều này làm người dân bất an, dư luận xã hội bức xúc. Mặc nhiên khi sử dụng các biện pháp đe dọa này, các dịch vu đòi nợ thuê đã vi phạm các quy định của pháp luật.

Đại tá Phạm Thật - Phó giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận đánh giá tình trạng này đã gây ra một sự bất an lớn trong dư luận địa phương này. "Chúng đe dọa và sử dụng các hình thức khủng bố, bắt cóc người thân, gây tai nạn…. tạo một nỗi bất an, gây ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình an ninh trật tự tỉnh nhà". Phát biểu này của cơ quan thực thi pháp luật không những chỉ ra một thực tế xã hội mà còn thể hiện sự bất lực của lực lượng công an trước những liên kết của xã hội đen núp bóng dịch vụ đòi nợ thuê.

Cấm là thể hiện sự thất bại

Nhiều vụ đòi nợ theo kiểu “khung bố” thời gian qua đã gây bức xúc trong dư luận. Đặc biệt, khi tình trạng cho vay tiền qua các app trên điện thoại nở rộ gần đây làm việc này ngày càng trở nên nghiêm trọng. Có lẽ vì những lý do này một quyết định được nhiều người cho rằng cực đoan được đưa ra là Luật đã cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Tuy nhiên, xét khía cạnh khác thì việc cấm này là thể hiện năng lực đưa ra các quy định và thực thi chính sách pháp luật chưa cao. Việc cho vay nợ giữa các cá nhân, tổ chức phi tài chính được pháp luật công nhận nhưng lại thiếu công cụ hỗ trợ thu hồi công nợ làm cho việc thực hiện thu hồi nợ khó khăn hơn.

Một câu hỏi cũng không ít người đặt ra là tại sao các chủ nợ, kể cả ngân hàng lại rất ngại khi sử dụng các thiết chế chính thức như tòa án hoặc trọng tài để đòi nợ? Thực ra câu trả lời không khó là do các biện pháp này thường mất thời gian và phí rất lớn. Không chỉ có vậy phương pháp này hiệu quả cũng thường không cao bởi ngay cả khi có bản án thì việc thu hồi nợ cũng vô cùng khó khăn.

Hệ quả, các chủ nợ cá nhân thường sử dụng các công ty đòi nợ thuê. Để thu hồi được nợ thì thực tế các biện pháp cũng phải rất cực đoan như kiểu “xã hội đen”. Đây có lẽ là một lựa chọn tối ưu của chủ nợ vì các biện pháp “nhẹ nhàng” theo luật không hiệu quả và dù chi phí cũng thường khoảng 50% tổng nợ.

Như vậy, có thể thấy ngay việc cấm đòi nợ là một sự thất bại của cơ chế chính thức khi các biện pháp đòi nợ theo luật định không có hiệu quả thực tế với rất nhiều trường hợp. Sâu xa hơn đó là sự thất bại trong việc tạo điều kiện tiếp dụng tiếp cận tín dụng đối với người dân. Nhiều người phải vay nóng với lãi suất rất cao do không thể tiếp cận được tín dụng từ ngân hàng. Họ mất khả năng trả nợ và rơi vào cảnh cùng cực bởi lãi suất quá cao. Việc lãi suất cao này vi phạm quy định của Bộ luật dân sự lãi suất không quá 20%/năm, nhưng thực tế gần như vô cùng hiếm trường hợp bị xử lý.

Việc cấm này cũng phản ánh một hiện thực xã hội là ở Việt Nam “tín dụng đen” đang phát triển mạnh. Nhiều trường hợp vay nợ tín dụng đen để cá độ, bài bạc hoặc sử dụng các mục đích bất chính khác. Đương nhiên những nhóm đối tượng này thì không thể tiếp cận vốn từ ngân hàng. Đối với nhóm đối tượng nay thì việc “cấm đòi nợ” cũng không giải quyết được nguồn gốc sâu xa của bất ổn xã hội.

Tóm lại, việc cấm đòi nợ thể hiện một sự thất bại của nhà nước lẫn xã hội trong việc giải quyết quan hệ dân sự. Việc “cấm” này chắc chắn cũng sẽ không mang lại hiệu quả khi “nguồn cơn” những bất cập trong vấn đề đòi nợ không được giải quyết. Rõ ràng cách đòi nợ gây bức xúc trong dư luận, để lại hậu quả lớn cho nhiều con nợ thời gian qua đều vi phạm các quy định pháp luật nhưng nhiều trường hợp chưa được xử lý. Vậy, liệu việc cấm này có mang lại hiệu hiệu quả hay không hay lại là một thất bại tiếp theo của thể chế?

Vũ Ngọc Bảo
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.