11/04/2014 10:23 AM
CafeLand - Bước sang quý 1/2014 kinh tế thế giới tiếp thể hiện sự phục hồi. Tuy nhiên, sự phục hồi này đang vướng phải không ít trở ngại bởi việc thắt chặt chính sách tiền tệ của FED và việc trừng phạt kinh tế của kinh tế của Liên minh châu Âu và Mỹ đối với Nga.

Kinh tế trong nước cũng có sự phục hồi khá tích kích. Tăng trưởng GDP, sản xuất công nghiệp và thương mại khá khả quan; lạm phát chỉ tăng ở mức thấp; tỷ giá ổn định; lãi suất trong chiều hướng giảm. Bên cạnh tín hiệu tích cực đó nền kinh tế cũng biểu hiện một số khó khăn. Sức cầu toàn bộ nền kinh tế suy giảm và tăng trưởng tín dụng chỉ ở mức thấp.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ thể hiện những động thái tích cực trong việc xử lý nợ xấu và đẩy mạnh việc tái cấu trúc, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, hiệu quả đến đâu vẫn là một dấu hỏi lớn. Những bước tiến trong nâng cao hiệu quả cho nền kinh tế chưa đạt được như kỳ vọng. Điều này cho thấy vẫn chưa thể kỳ vọng nhiều vào việc nền kinh tế có thể nhanh chóng thoát khỏi khó khăn. Những dấu ấn phục hồi chưa thực sự rõ nét.

GDP tăng cao nhất trong 3 năm

Tăng trưởng GDP quý 1 của một số năm. Nguồn: GSO

GDP quý 1/2014 ước tăng 4,96% so với cùng kỳ năm 2013, cao hơn mức tăng cùng kỳ của 3 năm trở lại đây. Trước đó, cùng kỳ năm 2012 tăng 4%, năm 2013 tăng 4,89%. Cả ba khu vực đều đạt mức tăng cao hơn mức tăng cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực dịch vụ tiếp tục đóng góp nhiều nhất vào mức tăng trưởng chung.

Tính theo giá trị hiện tại, GDP quý 1 đạt 756.566 tỷ đồng, tính theo giá trị cố định năm 2010 đạt 503.683 tỷ đồng. Điểm đáng lưu ý là khu vực nông nghiệp chỉ còn chiếm tỷ trọng 13% GDP. Những năm trước đó tỷ trong khu vực này thường chiếm tỷ lệ trên 20%. Trong những năm gần đây, tỷ trọng khu vực dịch vụ ngày càng chiếm tỷ lệ cao trong GDP.

Xét về góc độ sử dụng GDP của quý I năm nay, tiêu dùng cuối cùng tăng 5,06% so với cùng kỳ năm 2013 và đóng góp 4,04 điểm phần trăm vào mức tăng chung, trong đó tiêu dùng cuối cùng của dân cư tăng 4,92%, cao hơn mức tăng cùng kỳ một số năm gần đây; tích lũy tài sản tăng 3,24%, đóng góp 0,62 điểm phần trăm; chênh lệch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 0,3 điểm phần trăm do xuất siêu.

Sản xuất công nghiệp phục hồi khả quan

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 3 tháng đầu năm tăng 5,2%, cao hơn mức tăng 5% của cùng kỳ năm trước. Trong các ngành công nghiệp, ngành chế biến, chế tạo tăng khá ở mức 7,3%, cao hơn nhiều mức tăng 5,3% của quý I/2013 và đóng góp 5,1 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất, phân phối điện tăng 9,2%, cao hơn mức tăng 7,3% của cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,6 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

Điểm đáng lưu ý là một số ngành phục hồi rất mạnh như ngành sản xuất Dệt tăng 20,2%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 19,4%; sản xuất trang phục tăng 14%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và quang học tăng 12,6%; sản xuất xe có động cơ tăng 12,3%.

Bán lẻ hàng hóa hóa phục hồi chậm

Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ba tháng đầu năm ước tính đạt 701,4 nghìn tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước, loại trừ yếu tố giá tăng 5,1%. Mức tăng này cao hơn so với cùng kỳ hai năm trước nhưng vẫn ở mức thấp.

Bất chấp khó khăn của nền kinh tế du lịch vẫn tăng 20,3% so với cùng kỳ; khách sạn nhà hàng đạt 85,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,2% và tăng 12,1%; dịch vụ đạt 79 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,3% và tăng 23,5%. Kinh doanh thương nghiệp đạt 530,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 75,5% tổng mức và tăng 8,1%.

Tăng trưởng bán lẻ hàng hóa phục hồi chậm cho thấy sức mua nền kinh tế vẫn chưa phục hồi. Đây cũng là một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế vẫn chưa thoát khỏi khó khăn.

Xuất khẩu hàng hoá tiếp tục khả quan

Xuất nhập khẩu và cán cân thương mại. Nguồn: GSO

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 3 tháng đầu năm ước tính đạt 33,3 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 13,2%). Điểm đáng chú ý là khu vực kinh tế trong nước đạt 10,9 tỷ USD, tăng 9,8%, một mức tăng khá mạnh so với những năm trước; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 22,4 tỷ USD, tăng 16,3%.

Một số mặt hàng xuất khẩu trong quý I đạt mức kim ngạch tăng cao là: Điện thoại các loại và linh kiện đạt 5,4 tỷ USD, tăng 22,7% so với cùng kỳ năm trước; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 1,6 tỷ USD, tăng 24,8%; giày dép đạt 2,2 tỷ USD tăng 25,9%; thủy sản đạt 1,6 tỷ USD, tăng 35,3%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,4 tỷ USD, tăng 23,3%. Tuy nhiên, một số mặt hàng xuất khẩu giảm so với cùng kỳ là: Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 2,2 tỷ USD, giảm 5,5%; dầu thô đạt 1,7 tỷ USD, giảm 8,3%; gạo đạt 626 triệu USD, giảm 8,9%.

Về thị trường hàng hóa xuất khẩu trong quý I năm nay, Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất với kim ngạch ước đạt 5,9 tỷ USD, tăng 22,9% so với cùng kỳ 2013. Tiếp theo là thị trường EU đạt 5,9 tỷ USD, tăng 7,5%; ASEAN đạt 4,7 tỷ USD, tăng 6,4%; Trung Quốc 3,8 tỷ USD, tăng 30,2%.

Nhập khẩu hàng hóa cũng tăng khá mạnh

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu 3 tháng đầu năm ước tính đạt 32,3 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá, tăng 15,5%). Khu vực kinh tế trong nước đạt 13,8 tỷ USD, chiếm 42,6% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu và tăng 9,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 18,5 tỷ USD, chiếm 57,4%, tăng 14,6%.

Một số mặt hàng thuộc nhóm hàng phục vụ gia công lắp ráp hàng xuất khẩu và nhóm hàng nguyên nhiên liệu dùng cho sản xuất như: Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 4,9 tỷ USD, tăng 28,7% so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 4,3 tỷ USD, tăng 4%; điện thoại các loại và linh kiện đạt 2,1 tỷ USD, tăng 23,9%; xăng dầu đạt 2 tỷ USD, tăng 21,6%.

Một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu trong quý I giảm so với cùng kỳ năm 2013 là: Sắt thép đạt 1,5 tỷ USD, giảm 3,6%; thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu 639 triệu USD, giảm 9,8%; xe máy đạt 101 triệu USD, giảm 21,8%.

Quý 1 xuất siêu 1 tỷ USD, bằng 3% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Trong tổng xuất siêu 3 tháng, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 3,9 tỷ USD; khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 2,9 tỷ USD.

Lạm phát tăng thấp nhất trong nhiều năm

Lạm phát đang ở mức thấp. Nguồn : GSO

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3/2014 giảm 0,44% so với tháng trước, tăng 0,8% so với đầu năm và tăng 4,39% so với cùng kỳ năm trước. CPI tháng Ba giảm sâu do nhu cầu tiêu dùng sau Tết giảm và giá các mặt hàng nhanh trở về mặt bằng trước Tết.

CPI tháng 3 năm 2014, đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7 năm 2009 khi so sánh với cùng kỳ và nếu tính trong quý 1 thì thấp nhất kể từ năm 1994 trở lại đây. Việc lạm phát giảm mạnh đã giảm ánh rõ nét sức mua trong nền kinh tế suy giảm và hiệu ứng của việc tín dụng trong thời gian qua chỉ tăng ở mức rất thấp.

Chỉ số giá vàng tháng 3/2014 tăng 3,33% so với đầu năm; giảm 17,97% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 3/2014 giảm 0,07% so với đầu năm và tăng 0,66% so với cùng kỳ năm 2013.

Chỉ số giá nguyên, nhiên, vật liệu dùng cho sản xuất quý I năm nay tăng 0,94% so với quý trước và tăng 2,84% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá xuất khẩu hàng hoá tăng 0,54% so với quý trước và tăng 0,78% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá nhập khẩu hàng hoá giảm 0,15% so với quý trước và giảm 2,68% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đầu tư trong nền kinh tế sụt giảm mạnh

Đầu tư so với GDP và hệ số ICOR. Nguồn: GSO

Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý 1/2014 theo giá hiện hành ước tính đạt 214,8 nghìn tỷ đồng, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước và bằng 28,4% GDP. Trong đó, vốn khu vực Nhà nước 78,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 36,5% tổng vốn và tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước; khu vực ngoài Nhà nước 77,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 36,1% và tăng 6,9%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 58,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 27,4% và tăng 4,4%.

Trước đó, năm 2012 và 2013, vốn đầu tư trong nền kinh tế lần lượt chiếm 33,53% và 30,44% GDP. Như vậy, tỷ lệ đầu tư trong nền kinh tế tiếp tục sụt giảm. Điều này cũng phù hợp với việc tỷ lệ tích lũy tài sản trong nền kinh tế chỉ tăng 3,24% GDP.

Vốn đăng ký FDI quý 1 sụt giảm mạnh

Đầu tư trực tiếp của nước ngoài trong quý 1 thu hút 252 dự án được cấp phép mới, giảm 6%. Tổng số đăng ký mới đạt 2,04 tỷ USD, giảm 38,6% về số vốn so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bổ sung vào 82 dự án đạt 1,28 tỷ USD. Như vậy, tổng FDI đăng ký đạt 3,33 tỷ USD, giảm 49,6% so với cùng kỳ năm 2013. Dù FDI đăng ký sụt giảm nhưng FDI giải ngân quý 1 đạt 2,85 tỷ USD, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2013.

Vốn FDI đăng ký vào bất động sản đạt 228,3 triệu USD, chiếm 8,6%. Trong số 28 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư cấp mới tại Việt Nam trong 3 tháng đầu năm, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với 534,2 triệu USD, chiếm 26,1% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến Hồng Kông (TQ) đạt 264,5 triệu USD, chiếm 12,9%.

Tăng trưởng tín dụng thấp, nợ xấu giảm

Tăng trưởng tín dụng. Nguồn: NHNN và Tổng hợp CafeLand

Số liệu của Vụ Chính sách Tiền tệ (NHNN) cho thấy nếu như tín dụng tháng 1 giảm 0,55% và giảm 0,65% trong tháng Hai thì đến tháng tháng Ba đã tăng khoảng 1,35% so với tháng Hai. Như vậy, tính chung 3 tháng đầu năm tín dụng toàn bộ nền kinh tế tăng 0,01%.

Trước đó, NHNN cho biết tín dụng đến giữa tháng 3 vẫn còn âm 1,05% so với cuối 2013, trong đó tín dụng bằng VND âm tới gần 2%. Điều này cho thấy trong nửa cuối tháng 3, hoạt động cho vay của các ngân hàng đã bứt phá mạnh mẽ. Còn nhớ, năm 2013 tín dụng “đã về đích” gần 12% vào phút chót khi NHNN liên tục đẩy mạnh việc tăng trưởng tín dụng cho kịp chỉ tiêu. Tuy nhiên, 2 tháng đầu năm tín dụng đã bị co hẹp bởi đầu tư trong nền kinh tế giảm và nhu cầu tiền giảm sau Tết Nguyên Đán.

Cũng theo NHNN, những tháng đầu năm các tổ chức tín dụng đã mua khoảng 83% lượng trái phiếu chính phủ phát hành, tương đương khoảng 81.600 tỷ đồng. Số lượng mua ròng trái phiếu Chính phủ của các ngân hàng khoảng 43.000 tỷ, tương đương với 1,09% tăng trưởng tín dụng.

Cũng liên quan tới tín dụng mới đây NHNN cũng đồng loạt giảm các lãi suất chiết khấu 0,5 điểm phần trăm và trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng, lãi suất cho vay một số lĩnh vực ưu tiên thêm 1 điểm phần trăm. Việc nới lỏng chính sách tiền tệ của NHNN được kỳ vọng sẽ hỗ trợ tích cực cho nền kinh tế.

Liên quan đến vấn đề nợ xấu, NHNN cũng chính thức ban hành Thông tư hoãn việc thực hiện phân loại nợ xấu theo Thông tư 02 thêm 1 năm. Chính sách này của NHNN nhằm giảm áp lực nợ xấu cho ngân hàng. Nợ xấu theo báo cáo của các TCTD đã xuống dưới 4% vào cuối năm 2013 và đang tiếp tục xu hướng giảm. Nguyên nhân là VAMC đã khá tích cực trong việc mua lại nợ xấu và ngân hàng cũng tích cực tái cấu trúc lại nợ. Tuy nhiên, báo cáo mới đây của Moody’s cho rằng nợ xấu của Việt Nam có thể trên 15%, còn theo NHNN con số tối đa chỉ khoảng 9%.

Hoàng Nam
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.