19/07/2013 10:24 AM
CafeLand - Nghị định 53 về thành lập Công ty quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) đã chính thức có hiệu lực hơn 1 tuần và nhân sự của công ty này cũng đã hình thành. Trên các diễn đàn báo chí liên tục xuất hiện những bài viết, phân tích đánh giá bình luận của các chuyên gia, các nhà làm chính sách về công ty này. Tuy nhiên, vẫn còn không ít ngộ nhận hoặc chưa hiểu thấu đáo về VAMC. Điều đáng nói trong số đó có không ít chuyên gia và lãnh đạo cấp cao.

Phương pháp xử lý nợ tối ưu vì không dùng ngân sách?

Nghị định về thành lập VAMC đưa ra 2 phương án mua nợ xấu là nguồn vốn bằng phát hành trái phiếu đặc biệt và mua bằng tiền thật theo giá thị trường bằng vốn của VAMC hoặc vay mượn. Tuy nhiên, qua cách thức quy định trong Nghị định và qua lời phát biểu của những lãnh đạo trong Chính phủ cho thấy VAMC chủ yếu mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt. Đã có không ít ý kiến từ các quan chức và kể cả chuyên gia ca ngợi đây là một “phát minh” vì không dùng đến tiền từ ngân sách.

Một câu hỏi đặt ra nếu một phương án ưu việt như vậy thì tại sao rất nhiều quốc gia khác như Nhật Bản, Thụy Sỹ, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc… nơi có nền kinh tế phát triển hơn Việt Nam và chắc cũng có nhiều chuyên gia kinh tế giỏi hơn Việt Nam rất nhiều lại không nghĩ ra? Đây có phải là một phát minh sáng tạo mới chỉ riêng có ở Việt Nam?

Đáng tiếc thực tế lại không phải như vậy. Việc phát minh ra công cụ “trái phiếu đặc biệt” chỉ là một kỹ thuật để trì hoãn việc xử lý nợ đồng thời là công cụ để bơm tiền ra nền kinh tế thông qua việc ngân hàng sẽ được NHNN tái cấp vốn từ trái phiếu đặc biệt. Đây là cách làm tiềm ẩn nguy hiểm rất cao khi nợ xấu được chuyển vào tương lai mà không được xử lý một cách triệt để. Tiền được bơm vào nền kinh tế mang đến những rủi ro tiềm ẩn dài hạn cho nền kinh tế. Ý tưởng “không dùng tiền từ ngân sách” thực tế khó mang lại hiệu quả trong xử lý nợ đồng thời tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

VAMC có thể phải sử dụng đòn bẩy tài chính lớn, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao?

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cảnh báo, để xử lý khối nợ xấu, VAMC có thể phải sử dụng đòn bẩy tài chính lớn, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao. Ông lý giải thêm “Với vốn điều lệ 500 tỷ đồng, giả sử VAMC mua được 50.000 tỷ đồng nợ xấu, đồng nghĩa phải trả cho các ngân hàng thương mại 50.000 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt. Các ngân hàng thương mại cầm số trái phiếu này lên NHNN chiết khấu 50% để xin tái cấp vốn, tức được 25.000 tỷ đồng. Có nghĩa là, tại một thời điểm nào đó, VAMC có thể có một tài sản 25.000 tỷ đồng. Trong khi vốn điều lệ của VAMC chỉ có 500 tỷ đồng. Tỷ lệ đòn bẩy tài chính của VAMC lúc đó là 50/1 - quá nguy hiểm cho một tổ chức tài chính”.

Trên thực tế nếu VAMC mua 50.000 tỷ đồng nợ xấu thì đồng thời công ty này cũng phải ghi nhận một khoản nợ tương đương 50.000 tỷ đồng. Lúc đó đòn bẩy tài chính của VAMC không phải 50/1 như phân tích của ông Hiếu mà thực chất phải 100/1. Tuy nhiên, nhầm lẫn này không quá quan trọng so với tính chính xác của nhận định đòn bẩy tài chính của VAMC quá cao nên cảnh báo nguy hiểm.

Thực tế không diễn ra như nhận định của ông Hiếu vì theo quy định của Nghị định 53 thì VAMC gần như không có trách nhiệm gì với trái phiếu đặc biệt. Trong thời hạn 5 năm nếu nợ vẫn không được xử lý thì ngân hàng trả trái phiếu lại cho VAMC và lấy lại khoản nợ xấu đã bán trước đó. Như vậy, đây không phải là một khoản nợ như chúng ta thường thấy mà chỉ là một món nợ có tính chất tượng trưng. Vậy dù đòn bẩy 50/1, mà thực tế 100/1 và có thể lên cả 500/1 thì cũng không có “nguy hiểm” nào với VAMC.

VAMC sẽ xử lý được 30-70 nghìn tỷ nợ xấu trong năm nay?

Phát biểu trước Quốc hội, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết VAMC có thể xử lý 30-70 nghìn tỷ đồng nợ xấu trong năm nay. Thông tin này được không ít báo chí và kể cả chuyên gia vô tư nhắc đi nhắc lại với một niềm tin vững chắc là nợ xấu sẽ được xử lý trong năm nay. Người viết vẫn chưa hiểu rõ khái niệm “nợ xấu được xử lý” như thế nào?

Nếu quan điểm số nợ xấu được xử lý là số nợ xấu mà VAMC mua từ các ngân hàng thì còn số 70 nghìn tỷ đồng có thể đạt được vì điều này vẫn thuộc phạm vi ý chí của NHNN. Tức là NHNN có thể chỉ định cho một số ngân hàng bán nợ cho VAMC cho đến khi đạt “chỉ tiêu”. Tuy nhiên, xét trên quan điểm tổng thể nền kinh tế thì nợ xấu bán cho VAMC rồi thực chất vẫn là nợ xấu. Nợ xấu chỉ biến mất khi nó thực sự được xử lý để thu hồi được vốn hoặc ít ra chuyển sang dạng vốn cổ phần tại doanh nghiệp. Hiểu theo cách này thì con số 30-70 nghìn tỷ sẽ không thể đạt được. Xử nợ xấu là một quy trình vô cùng phức tạp. Đến nay vẫn chưa có dấu hiệu gì cho thấy Việt Nam sẽ xử lý được nợ xấu một cách thực sự. Do vây, không thể trong vòng 5 tháng tới VAMC xử lý được hàng chục nghìn tỷ đồng nợ xấu.

Hồ Xung
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.