Việc lãi suất giảm về lý thuyết sẽ tác động tích cực đến thị trường bất động sản. Ảnh: KL
Đợt giảm lãi suất không được chờ đợi
Sau gần 9 tháng giữ nguyên, NHNN đã hạ một loạt các lãi suất điều hành. Việc giảm lãi suất diễn ra trong bối cảnh lạm phát, tỷ giá và lãi suất không còn là một vấn đề nóng và được quan tâm như trước đây. Lạm phát 2 tháng đầu năm chỉ tăng 1,24% so với đầu năm. Trong khi đó tỷ giá trên thị trường tiếp tục ổn định, còn lãi suất tiếp tục trong xu hướng giảm.
Như vậy, dường như việc giảm lãi suất, đặc biệt là trần lãi suất không còn là một yêu cầu cấp bách của nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay. Ngược lại việc tiếp tục áp dụng trần lãi suất lại gây ra không ít băn khoăn cho nhiều người. Cách đây không lâu chính Thống đốc NHNN cho biết sẽ xem xét việc bỏ trần lãi suất để trả lãi suất về với thị trường khi kinh tế vĩ mô ổn định. Việc bỏ trần lãi suất sẽ giúp các ngân hàng tự chủ hơn trong việc huy động vốn mà đó còn như là một thông điệp cho thấy NHNN đang dần điều hành chính sách tiền tệ theo đúng thông lệ quốc tế.
Việc bỏ trần lãi suất đang được các chuyên gia và lãnh đạo ngân hàng kỳ vọng. Trả lời phỏng vấn của Thời báo Kinh tế Sài Gòn ông ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Phương Đông (OCB) và ông Trần Ngọc Tâm, Phó tổng giám đốc NamA Bank bày tỏ sự không hài lòng với quyết định giảm trần lãi suất.
Trong khi việc giảm trần lãi suất còn gây băn khoăn cho nhiều người thì việc giảm lãi suất chiết khấu lại được nhiều chuyên gia ủng hộ. Về mặt lý thuyết giảm lãi suất tái chiết khấu, tái cấp vốn hay lãi suất liên ngân hàng chính là việc nới lỏng chính sách tiền tệ. Điều này phù hợp trong bối cảnh lạm phát giảm và đà phục hồi của kinh tế còn chậm. Việc giảm lãi suất này có tác dụng làm giảm lãi suất cho vay trên thị trường giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận được vốn giá rẻ hơn để đầu tư mở rộng sản xuất. Người tiêu dùng cũng sẵn sàng mua sắm nhiều hơn.
Tuy nhiên, việc giảm 0,5 điểm phần trăm lãi suất cũng khó có tác động mạnh đến nền kinh tế. Chỉ nên xem đây là liều thuốc “an thần”, nhưng nó cho thấy xu hướng lãi suất giảm thể hiện một cách khá rõ ràng và tích cực.
Ảnh hưởng như thế nào đến thị trường bất động sản
Sau cú sốc khủng hoảng kinh tế thì từ năm 2008 đến nay giá bất động sản không ngừng suy giảm và giao dịch đóng băng. Nhiều người kỳ vọng thị bất động sản sẽ phục hồi cùng với những chuyển biến tích cực trong nền kinh tế và thị trường tiền tệ. Trên thực tế số lượng căn hộ được mở bán trong những tháng cuối năm 2013 đã tăng khá mạnh. Giá bất động sản ở phân khúc bình dân không còn giảm và thanh khoản có dấu hiệu được cải thiện.
NHNN kỳ vọng giảm trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng sẽ khiến cho người dân gửi vào ngân hàng với kỳ hạn dài hơn. Trần lãi suất ngắn hạn cũng có tác dụng kéo lãi suất dài hạn xuống. Như vậy, chi phí huy động vốn của doanh nghiệp giảm và sẽ làm cho lãi suất cho vay giảm.
Kỳ vọng trên không phải là không có lý vì hiện nay lãi suất kỳ hạn 1 đến 2 tháng của hầu hết các ngân hàng lớn chỉ từ 5 đến 5,5%, dưới mức trần quy định; lãi suất cho vay kỳ hạn dài hơn nhưng dưới 6 tháng là 6%. Không chỉ có vậy một số ngân hàng cũng đã giảm lãi suất huy động các kỳ hạn dài hơn.
Một yếu tố khác cũng góp phần kéo lãi suất giảm là việc NHNN đã đồng loạt giảm 0,5 điểm phần trăm các lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu và lãi suất cho vay qua đêm. Về lý thuyết nó có tác dụng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng do chi phí vay vốn rẻ hơn.
Việc lãi suất giảm về lý thuyết sẽ tác động tích cực đến thị trường bất động sản. Tuy nhiên, mức độ tác động có thể không lớn bởi lãi suất không phải là yếu tố lớn nhất ảnh hưởng đến thị trường bất động sản. Thực tế, gói 30.000 tỷ lãi suất rất thấp và điều kiện cho vay được nới lỏng nhưng cho đến nay mới chỉ giải ngân được 4%.
Vấn đề lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay là “giá”. Nguồn cung của những phân khúc bình dân phù hợp với nhiều người dân vẫn rất ít. Ở những phân khúc trung và cao cấp dù giá bất động sản hiện nay đã về mức thấp nhất trong nhiều năm qua nhưng vẫn còn quá cao so với thu nhập của phần lớn người dân.