“Viên kim cương xanh” có làm nên “đại phong”?
Quảng Bình là một trong những tỉnh nghèo nhất cả nước với thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 33 triệu đồng/năm. Quy mô dân số của tỉnh Quảng Bình cũng chỉ khoảng 700 nghìn người. Đặc biệt, chi ngân sách của tỉnh chiếm đến gần 70% GDP của tỉnh và phần lớn đều được rót từ trung ương. Những con số đó cho thấy Quảng Bình được xem là một trong những tỉnh nghèo nhất trong cả nước. Không chỉ vậy, tỉnh này vẫn còn đang chịu ảnh hưởng khá nặng nề bởi những ô nhiễm môi trường mà Formosa gây ra vào năm 2016.
Dù khó khăn như vậy nhưng tỉnh Quảng Bình vẫn được đánh giá là một tỉnh rất tiềm năng trong phát triển kinh tế du lịch. Tiềm năng du lịch của Quảng Bình được đương kim Thủ tướng đánh giá là “viên kim cương xanh” độc nhất vô nhị. Thực vậy, Quảng Bình được đánh giá là một trong những nơi có bãi biển đẹp nhất thế giới và có kỳ quan tầm cỡ thế giới là các hang động tại Phong Nha – Kẻ Bàng. Trước những tiềm năng to lớn, Thủ tướng cũng đang kỳ vọng tỉnh Quảng Bình sẽ có một “đại phong” về du lịch để thúc đẩy kinh tế đi lên.
Trên thực tế, Quảng Bình đang đón rất nhiều dự án đầu tư về du lịch của các tập đoàn lớn trong nước như Vingroup, Viettel, T&T, Trường Thịnh, FLC… Trong đó, đáng chú ý là siêu dự án khu đô thị du lịch hỗn hợp Dinh Mười của Tập đoàn T&T với tổng vốn đầu tư 28.800 tỉ đồng, dự án TMS Quảng Bình Resort của Công ty cổ phần Toàn cầu TMS, tổng vốn đầu tư 4.835 tỉ đồng...
Chủ tịch Tập đoàn FLC cam kết đầu tư vào Quảng Bình với số vốn khoảng 63.000 tỉ đồng
Theo UBND tỉnh Quảng Bình, tỉnh này vừa phê duyệt các dự án kêu gọi đầu tư giai đoạn 2018-2020 gồm 6 dự án khu nghỉ dưỡng ven biển, 8 dự án khu nghỉ dưỡng sinh thái, 3 dự án trung tâm thương mại được tỉnh kêu gọi vốn, với tổng số tiền mời gọi đầu tư hơn 37.000 tỉ đồng, diện tích đất phục vụ dự án hơn 1.500 ha.
Trong đó đáng chú ý là Tập đoàn FLC dự định sẽ đầu tư tổ hợp dự án khu nghỉ dưỡng, giải trí, biệt thự, sân golf trải dài dọc bờ biển khu vực huyện Lệ Thủy và một số huyện khác có giá trị lên tới 13.000 tỉ đồng.
Những con số thống kê trên cho thấy dường như Quảng Bình sắp “lột xác” nhanh chóng phát triển ngành công nghiệp không khói để trở thành một trong những khu vực giàu có, đáng đầu tư nhất Việt Nam.
Tuy nhiên, thực tế có thể không dễ dàng như vậy. Một vài con số thống kê cho thấy Quảng Bình vẫn còn là một tỉnh rất nghèo với thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt hơn 33 triệu đồng/năm, bằng khoảng 65% so với bình quân cả nước. Ngành du lịch được xem là ngành “mũi nhọn” của tỉnh mới chỉ trong giai đoạn đầu của sự phát triển.
Cụ thể, năm 2017, khách du lịch đến Quảng Bình tăng đột biến lên đến 71% đạt 3,3 triệu lượt. Tuy vậy, trong 7 tháng đầu năm 2018, đà tăng trưởng này không còn được duy trì như trước với lượng khách du lịch chỉ đạt 2,34 triệu lượt và chỉ tăng 16,2%, trong đó khách quốc tế đạt 101 nghìn lượt, tăng 24,7%. Doanh thu từ du lịch trong 7 tháng ước tính khoảng 2.500 tỉ đồng. So với các địa phương như Khách Hòa, Đà Nẵng khách du lịch Quảng Bình mới bằng 20-25%.
Canh bạc FLC
Trong những năm gần đây cái tên FLC nổi lên trong giới kinh doanh bất động sản. Tập đoàn này đã đầu tư hàng chục dự án bất động sản lớn trong cả nước, đặc biệt là các dự án nghỉ dưỡng ven biển.
Cách đây không lâu Tập đoàn FLC gây ra “tiếng vang” rất lớn khi quyết định đầu tư “siêu dự án là” khu du lịch sinh thái Vạn Tường (nằm trên địa bàn các xã Bình Châu, Bình Phú, Bình Hải – Bình Sơn, Quảng Ngãi), với quy mô dự kiến 3.890ha. Thậm chí tỉnh Quang Ngãi còn đề nghị Bộ Quốc Phòng dời vị trí đồn biên phòng đang xây dựng và ứng trước 500 tỉ đồng để giải phóng mặt bằng cho FLC làm dự án.
Và mới đây, một lần nữa FLC gây “choáng” khi đăng ký đầu tư hơn gần 3 tỉ USD vào Quảng Bình.
Tuy nhiên, nhìn vào “lịch sử” thực hiện các dự án của FLC thì chắc sẽ không có nhiều người tin tưởng vào tính khả tín của những cam kết này. Thực vậy, trước đó năm 2015, tỉnh Quảng Bình đã chấp thuận cho Tập đoàn FLC đầu tư vào tổ hợp dự án 10 sân golf. Lúc đó FLC cam kết hoàn thành tiến độ xây dựng trong 3 năm, nhưng đến nay đã 3 năm trôi qua FLC mới hoàn thành được 1 phần dự án FLC Quang Binh Golf Links và mới đưa 18 lỗ golf đầu tiên đi vào hoạt động.
Một trường hợp khác là cách đây 3 năm, FLC triển khai dự án khu công nghiệp FLC Hoàng Long có quy mô 286,82 ha, tại Thanh Hóa nhưng cho đến nay vẫn chỉ là một bãi đất hoang, nhiều hộ dân bị lấy đất vẫn chưa nhận được tiền đền bù giải phóng mặt bằng…
Bên cạnh đó nhìn vào tình hình tài chính của FLC có lẽ cũng không ít người đặt dấu hỏi lớn. Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng tháng 8 vừa qua, giá cổ phiếu FLC đóng cửa ở mức giá 6.450 đồng/cổ phiếu, tương ứng với giá trị vốn hóa thị trường doanh nghiệp này là 4.579 tỉ đồng. Mức giá này chỉ bằng 53% giá trị sổ sách của FLC. Còn nhớ mới chỉ cách đây 1 năm FLC được Công ty Quản lý quỹ UniCap định giá lên đến 9 tỉ USD, tức cao hơn 45 lần so với giá trị vốn hóa hiện này của doanh nghiệp này.
Như vậy, phải chăng nhà đầu tư không nhìn thấy được giá trị “thật” của FLC? Trên thực tế, những nghi ngờ về hiệu quả của FLC không phải là không có cơ sở. Năm 2017, doanh thu tại báo cáo tài chính hợp nhất của FLC đạt được là 11.216 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế là 377 tỉ đồng. Tuy nhiên, chất lượng con số này bị các chuyên gia tài chính nghi ngờ bởi doanh thu tăng đột biến trong quý IV với 8.344 tỉ đồng. Ngoài ra, mức tăng doanh thu này không tương ứng với mức hàng tồn kho của FLC chỉ hơn 1.000 tỉ đồng, tức vòng quay hàng tồn kho của FLC khoảng 10 lần. Đây là mức rất bất thường đối với 1 doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản và dịch vụ như FLC.
Như vậy, với tiềm lực tài chính và quá khứ đó, liệu FLC có làm được các siêu dự án tại Quảng Bình và một số tỉnh khác hay không? Thực tế thời gian qua không ít doanh nghiệp bất động sản “tay không bắt giặc” rất thành công. Họ đã tận dụng khéo léo các chính sách ưu đãi, “quan hệ”, vốn ngân hàng và những cơn sốt của thị trường bất động sản. Các hình thức kinh doanh condotel, timeshare, hợp đồng hợp tác đầu tư… giúp doanh nghiệp huy động được vốn rất lớn từ nhà đầu tư. Doanh nghiệp sẵn sàng cam kết trả lợi nhuận khủng cho người mua condotel nhưng ngược lại bán được những căn hộ, biệt thự với giá rất cao.
Có lẽ FLC cũng không phải là một ngoại lệ. Hiện rất nhiều dự án của FLC đang rao bán căn hộ, biệt thự dưới dạng condotel. Những căn hộ, biệt thự tại dự án FLC Quang Binh Beach & Golf Resort đang được rao bán với mức giá từ 1,4 đến 10 tỉ đồng với mức cao kết lợi nhuận vô cùng hấp dẫn.
Đối với tỉnh Quảng Bình, được các nhà đầu tư “để mắt” đến để biến “viên kim cương xanh” thành “đại phong” có lẽ là một cơ hội hấp dẫn. Tuy nhiên, đây cũng có thể xem là một “canh bạc” lớn bởi kinh nghiệm cho thấy để biến được một vùng đất toàn cát trắng và gió Lào thành một thiên đường nghĩ dưỡng trong mơ như thì cần rất nhiều yếu tố. Việc kỳ vọng một lượng vốn đầu tư lớn gấp 5 lần quy mô kinh tế của tỉnh hay một doanh nghiệp tầm cỡ chỉ như FLC để thực hiện mơ ước đó là một điều khó khả thi.
-
Tân Hoàng Minh muốn nghiên cứu thực hiện dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái quy mô lớn tại Quảng Bình
UBND tỉnh Quảng Bình vừa tổ chức buổi làm việc với các nhà đầu tư đến tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh.
-
Hé lộ thời điểm khởi công khu công nghiệp hơn 2.200 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động ở Quảng Bình
Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp (KCN) Cam Liên có quy mô 450ha, tổng vốn đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng do Công ty TNHH Đầu tư Capella Quảng Bình (thuộc Công ty CP Bất động sản Capella) làm chủ đầu tư....
-
Quảng Bình phê duyệt quy hoạch khu vực phát triển đô thị xã Thuận Đức, thành phố Đồng Hới
UBND tỉnh Quảng Bình vừa ban hành Quyết định số 3718/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch phân khu khu vực phát triển đô thị xã Thuận Đức, thành phố Đồng Hới, tỷ lệ 1/2000.