25/04/2014 8:21 AM
CafeLand - Thống kê báo cáo tài chính của 60 doanh nghiệp trong ngành bất động sản đang niêm yết cho thấy tổng số hàng tồn kho đang tương đương với vốn chủ sở hữu. Trong đó nhiều doanh nghiệp hàng tồn kho đang chiếm một tỷ trong rất cao trong tổng tài sản. Với hiện trạng này nhiều doanh nghiệp sẽ còn phải vật lộn với đống hàng tồn kho cùng với gánh nặng nợ vay rất lớn.

Doanh nghiệp trong ngành bất động sản thường có hàng tồn kho cao hơn so với các ngành khác vì vòng quay bất động sản vốn khá chậm. Một dự án bất động sản có thể phải làm 3 đến 5 năm, thậm chí có thể lâu hơn. Hơn nữa, do tính đặc thù của mặt hàng này trong nhiều trường hợp căn hộ hoặc đất nền sau khi bán nhưng vẫn không thể hoạch toán vào doanh thu. Do vậy, hàng tồn kho vẫn hiện diện trên báo cáo tài chính.

Dù vậy, nhìn vào số liệu trên báo cáo tài chính của nhiều doanh nghiệp chúng ta cũng không khỏi giật mình bởi con số hàng tồn kho cứ tăng lên hàng ngày và chiếm một phần rất lớn trong tài sản. Trên thực tế nhiều doanh nghiệp do đầu tư dàn trải và rất nhiều dự án không khả thi. Do vậy, khi bán hàng gặp rất nhiều khó khăn và hàng nghìn tỷ đồng đang bị chôn vùi vào đống hàng tồn kho không biết đến bao giờ có thể bán được có thể mang đến nhiều rủi ro cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp bất động sản có hàng tồn kho lớn nhất là VIN Group (VIC) với 18.992 tỷ đồng, trong đó 99% là bất động sản đang xây dựng để bán. Con số hàng tồn kho này lớn hơn khá nhiều so với vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, con số này cũng không phải quá lớn so với tổng tài sản 75.772 tỷ đồng của tập đoàn này.

Doanh nghiệp bất động sản có hàng tồn kho lớn thứ nhì trên sàn chứng khoán là TCT CP Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) với 7.473 tỷ đồng. Số lượng lượng hàng tồn kho này bằng 60% tổng tài sản và gấp đôi so với vốn chủ sở hữu. Một doanh nghiệp khác cũng có số hàng tồn kho rất lớn là Bất động sản Phát Đạt (PDR). Tính đến cuối năm 2013, hàng tồn kho của PDR đã cao gấp 3,61 lần vốn chủ sở hữu và bằng 90% tổng tài sản.

Ngoài các doanh nghiệp trên thì cũng có một loạt doanh nghiệp khác đang chìm ngập trong đống hàng tồn kho như Đầu Tư xây Dựng Bình Chánh (BCI), Sudico (SJS), Sacomreal (SCR), Quốc Cường Gia Lai, Đầu tư Công nghiệp Tân Tạo (ITA)…

Những doanh nghiệp bất bất động sản lớn đều có những dự án đầu tư “siêu khủng”. Chẳng hạn VIC đang thực hiện rất nhiều dự án bất động sản ở phân khúc “siêu sang” với vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi dự án. Năm 2013, VIC là một trong những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh rất tốt với lợi nhuận đạt 7.149 tỷ đồng, bằng 82% tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn. VIC là một trong những điểm sáng hiếm hoi “cứu vớt” hình ảnh của ngành bất động sản trong năm qua.

KBC của đại gia, đại biểu Quốc hội Đặng Thành Tâm cũng đang sa lầy vào rất nhiều dự án khu công nghiệp với vốn đầu tư rất lớn. Hiện tại, nợ vay của KBC lên tới hơn 7.000 tỷ đồng. Với mức lãi suất 12-13% như hiện nay thì mỗi năm KBC phải trả gần 1.000 tỷ đồng tiền lãi, gần bằng doanh thu năm 2013 của doanh nghiệp này.

PDR sau khi thành công với EveRich 1 đã sa lầy vào EverRich 2, 3. Hàng nghìn tỷ đồng của PDR và của ngân hàng “bảo trợ” đang nằm trong những dự án khủng của doanh nghiệp này. Với nợ vay ngắn hạn và dài hạn lên tới 3.243 tỷ đồng thì riêng lãi suất của khoản vay này mỗi năm lên tới hơn 400 tỷ đồng, gấp 10 lần doanh thu năm 2013 của doanh nghiệp này.

Ngoài 3 doanh nghiệp kể trên thì những đại gia trong thị trường bất động sản như SJS, SCR, BCI, QCG… cũng đang thực hiện những dự án rất lớn. Phần lớn nguồn vốn để thực hiện các dự án của doanh nghiệp này đều là nợ vay. Với việc sử dụng đòn bẩy tài chính lớn này trong khi đó dự án đầu tư kéo dài dẫn đến giá thành của bất động sản ngày càng tăng do lãi suất đang được tính vào giá thành.

Như vậy, nếu tính trạng này kéo dài thì có thể làm cho giá thành bất động sản tăng 10-20% mỗi năm. Giá bất động sản hiện nay vốn dĩ đang ở mức rất cao so với mặt bằng thu nhập. Do đó nếu giá vốn ngày càng tăng có thể giết chết doanh nghiệp một cách dần dần. Đây cũng là lý do khiến nợ xấu tăng mạnh và làm suy yếu sự phục hồi của nền kinh tế.

20 doanh nghiệp có hàng tồn kho lớn nhất trên sàn chứng khoán

Nguồn: CafeLand

Hoàng Nam
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.