CafeLand – Đánh giá về triển vọng ngành ngân hàng năm 2017, các chuyên gia cho rằng vẫn còn nhiều thách thức. Nợ xấu vẫn là biến số quan trọng nhất có thể xoay chuyển cục diện của mỗi nhà băng.

Bức tranh lợi nhuận của các ngân hàng năm 2017 vẫn rất khó dự đoán

Đổi thay bất ngờ về lợi nhuận

Nhìn vào bức tranh lợi nhuận của ngành ngân hàng năm 2016, điều ấn tượng nhất là sự đổi ngôi đầy bất ngờ giữa các nhà băng.

BIDV từng đứng đầu ngành ngân hàng năm 2015 với lợi nhuận trước thuế đạt 7.473 tỷ đồng. Với quy mô, tốc độ phát triển cùng những lợi thế riêng, để duy trì “phong độ” và vị trí số một là điều không khó của BIDV. Tuy nhiên, kết thúc năm 2016, ngân hàng gây bất ngờ khi lợi nhuận giảm, không đạt kế hoạch đề ra trước đó.

Cụ thể, năm 2016, BIDV có mức lãi hơn 7.500 tỷ đồng, tăng 7% so với thực hiện năm 2015 song thấp hơn kế hoạch đề ra cho cả năm là 7.900 tỷ đồng. Ngôi vị quán quân vì thế cũng tuột khỏi tay nhà băng này.

Trái lại, đó lại là cơ hội để 2 ngân hàng quốc doanh khác là Vietinbank và Vietcombank vượt lên giành vị trí cao hơn. VietinBank đứng đầu với lợi nhuận ước đạt 8.250 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2015, hoàn thành 104% kế hoạch và là mức lợi nhuận “kỷ lục” cao nhất từ trước đến nay.

Theo sau VietinBank, đứng vị trí thứ hai là VietcomBank. Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này dừng ở con số 8.212 tỷ đồng, đạt 102,7% kế hoạch năm 2016.

Đáng chú ý là sự thay đổi lợi nhuận của BIDV năm qua không phải do ngân hàng này hoạt động yếu kém mà chủ yếu đến từ việc sáp nhập Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB). Gánh nặng nợ xấu, tỷ lệ trích lập dự phòng tăng 63% so với cùng kỳ lên trên 9 nghìn tỷ, chiếm phần lớn lợi nhuận thuần khiến lợi nhuận cuối cùng bị sụt giảm.

Ở khối các ngân hàng thương mại cổ phần, VPBank đã soán ngôi MBBank để trở thành ngân hàng có mức lợi nhuận cao nhất trong hệ thống các ngân hàng cổ phần tư nhân với lãi trước thuế 4.900 tỷ đồng. Tiếp đến là sự vươn lên mạnh mẽ của Techcombank, lợi nhuận tăng gấp đôi năm 2015, lên tới gần 4.000 tỷ đồng. Còn MBBank với kết quả kinh doanh không có sự đột phá nên bị “rớt” lại phía sau.

Mức tăng lợi nhuận thần kỳ nói trên của VPBank và Techcombank có được là nhờ các ngân hàng này đẩy mạnh hoạt động bán lẻ, tích cực cho vay cá nhân, cho vay mua nhà, mua ô tô nhằm phân tán rủi ro.

Một số gương mặt khá ấn tượng khác là TPBank, VIB. Năm qua, hai nhân hàng này có kết quả kinh doanh lạc quan, nằm top trên của Sacombank, Eximbank vốn là những ngân hàng thuộc “đàn anh” của những năm trước.

Lo nợ xấu và trích lập dự phòng

Khép lại năm 2016, nhìn chung hoạt động kinh doanh của các ngân hàng vẫn đầy lạc quan. Tuy nhiên, dù lãi cao lên đến hàng ngàn tỷ đồng thì các chỉ tiêu kế hoạch trong năm nay của các nhà băng lại có phần dè dặt và thận trọng hơn.

Chẳng hạn, năm 2017 Vietcombank đặt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế chỉ tăng 12% so với năm vừa qua là 9.200 tỷ đồng. Các chỉ tiêu khác như tổng tài sản, Vietcombank dự kiến tăng 11%, tín dụng tăng 18%, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 1,5%.

Một số ngân hàng khác như BIDV, ngân hàng Phương Đông, chỉ tiêu lợi nhuận đề ra cho năm 2017 cũng dự kiến chỉ tăng xấp xỉ ở mức 10%.

Lý giải về việc các ngân hàng thận trọng hơn trong việc đưa ra các chỉ tiêu kinh doanh cho năm nay, giới chuyên gia cho rằng điều này xuất phát từ mối lo về nợ xấu và khoản trích lập dự phòng rủi ro hiện nay còn rất lớn. Nhất là các nhà băng phải tái cơ cấu, sáp nhập thêm ngân hàng yếu kém.

Trong một báo cáo mới đây về ngành ngân hàng, Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết, biện pháp chính để xử lý nợ xấu hiện nay là các ngân hàng tự xử lý, chủ yếu thông qua việc trích lập dự phòng. Năm 2017 là năm thứ ba các ngân hàng thực hiện trích lập 20% giá trị trái phiếu sau khi bán nợ cho VAMC. Theo đó, các ngân hàng có số dư trái phiếu đặc biệt lớn tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực của chi phí dự phòng.

Kể từ năm 2011 đến nay, tỷ lệ chi phí dự phòng so với lợi nhuận trước trích lập toàn ngành có xu hướng tăng, nhưng bắt đầu giảm lại từ năm 2016 do một số ngân hàng đã cơ bản xử lý xong nợ quá khứ, giảm trích lập.

Đánh giá về triển vọng ngành ngân hàng năm 2017, các chuyên gia của VCBS cho rằng vẫn còn nhiều thách thức. Mặc dù vậy, cơ hội vẫn dành cho những ngân hàng đã xử lý tốt nợ xấu của những năm trước và có triển vọng tăng trưởng cao.

Trên thực tế, thời gian qua lợi nhuận của không ít ngân hàng bị bào mòn bởi chính việc phải trích lập dự phòng rủi ro. Nếu không giải quyết tốt điều này, đây sẽ là gánh nặng khiến các nhà băng dễ bị quật ngã trên đường thực hiện các kế hoạch, mục tiêu đề ra. Lợi nhuận, vị trí của các ngân hàng trong năm 2017 vì thế vẫn rất khó để dự đoán chính xác.

Thịnh Châu
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.