16/11/2022 11:31 AM
Không ai muốn trở thành nạn nhân trong một vụ lừa đảo giao dịch bất động sản. Dưới đây là một số lời khuyên hữu ích để tránh lừa đảo khi giao dịch bất động sản.

Sự thật là bạn rất khó để phát hiện ra một người không trung thực. Lừa đảo trong giao dịch bất động sản xảy ra rất phổ biến và có thể xuất hiện ở mọi nơi. Chẳng hạn, những kẻ lừa đảo có thể tiến hành bán cùng một bất động sản cho nhiều người, khiến họ hoang mang không biết ai là người sở hữu hợp pháp của bất động sản này. Đây là một vấn đề có thể xảy ra ở bất cứ đâu trên toàn thế giới và ban cần phải có biện pháp tự bảo vệ mình để tránh “mất tiền oan”.

Nhưng câu hỏi quan trọng nhất là: Làm thế nào để bạn biết bạn đang bị lừa khi mua hoặc thuê một bất động sản? Thực tế là sẽ có một số tín hiệu cảnh báo lừa đảo trong giao dịch bất động sản và những bí quyết mà bạn có thể sử dụng để tránh thiệt hại hoặc giảm mức thiệt hại xuống mức thấp nhất.

1. Đừng vội đưa ra quyết định khi giao dịch bất động sản

Bạn tìm thấy một hoặc một vài bất động sản tiềm năng giá hời và bạn rất muốn quyết định nhanh để không bỏ lỡ mức giá lý tưởng đó. Tuy nhiên, việc phải đưa ra một quyết định giao dịch nhanh chóng có thể khiến bạn không có đủ thời gian để tìm hiểu kỹ lưỡng về bất động sản đó.

Hãy kìm hãm tâm trạng phấn khích và đánh giá thỏa thuận một cách hợp lý nếu giao dịch đó thực sự đáng tin cậy. Một giao dịch mua bất động sản sẽ tốn một khoản tiền rất lớn và vì vậy bạn nên thận trọng trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Hãy bảo vệ tiền của bạn.

2. Xác minh bên còn lại trong giao dịch bất động sản

Đừng chỉ “xem mặt mà bắt hình dong” khi giao dịch bất động sản với ai đó. Bây giờ là thời kỳ hiện đại, hãy tìm kiếm mọi thông tin thông qua internet, nhờ người thân giới thiệu hoặc tìm kiếm một chuyên gia đáng tin cậy để kết nối bạn với người mua/người bán.

Nếu có vấn đề gì xảy ra liên quan đến bên còn lại của giao dịch bất động sản, hoặc là bạn cảm thấy có điều gì đó bất ổn trong thỏa thuận, hãy tạm dừng quá trình giao dịch để tìm hiểu thêm về mọi vấn đề đang tồn tại đó. Cần lưu ý rằng không nên giao dịch hoặc hợp tác với bất kỳ người nào mà bạn không tin tưởng.

3. Đặt câu hỏi trước khi thanh toán

Hãy đảm bảo bạn đã được giải đáp mọi nghi vấn xung quanh bất động sản và những vấn đề liên quan khác. Trước hết, hãy hỏi người bán về nguyên nhân bán nhà. Nếu họ đưa ra một câu trả lời thiếu tính logic, bạn có cơ sở để nghi ngờ mục đích thật sự của họ. Các câu hỏi rất quan trọng vì chúng sẽ phơi bày những sự thật bất thường trong giao dịch bất động sản.

Bạn nên xem xét lại việc tham gia vào giao dịch bất động sản nếu bạn phát hiện ra bất kỳ vấn đề nào không đáng tin hoặc không thể giải quyết được.

4. Không nên thanh toán bằng tiền mặt

Nếu bạn được chủ nhà hoặc người bán yêu cầu thanh toán bằng tiền mặt, thì bạn cần phải theo dõi chặt chẽ giao dịch bất động sản. Không giống như thanh toán qua chuyển khoản ngân hàng, bạn sẽ không thể theo dõi tiền của mình đã đi về đâu khi thanh toán bằng tiền mặt. Yêu cầu này của người bán ít nhiều sẽ đem đến sự nghi ngờ vì mua nhà cần một khoản tiền rất lớn. Những kẻ lừa đảo thường muốn lấy tiền mặt ngay để chúng bỏ trốn và rất khó để nạn nhân truy tra được giấu vết của tài sản sau khi phát hiện bị lừa.

Khi phát hiện ra bất thường, hãy dừng giao dịch để tránh bản thân “sập bẫy” bởi một vụ lừa đảo bất động sản.

5. Đừng vội tin vào những lời quảng cáo thông qua email

Những trò lừa đảo bắt nguồn từ Internet ngày nay không hiếm. Tất cả những tiện ích công nghệ đã giúp cho cuộc sống của chúng ta trở nên dễ dàng hơn rất nhiều, nhưng chúng cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Hãy xác minh lại với nhà môi giới bất động sản của bạn khi bạn nhận được email có vẻ bất thường.

6. Lựa chọn một nhà môi giới đáng tin cậy để tìm kiếm bất động sản

Quan trọng là, bạn nên tìm kiếm sự trợ giúp từ một công ty môi giới và nhà môi giới đáng tin cậy để tránh trở thành “con mồi” trong những vụ lừa đảo trong giao dịch bất động sản. Kinh nghiệm và mạng lưới quan hệ của họ sẽ giúp ích rất nhiều trong việc giảm thiểu khả năng bạn bị thua lỗ trong một giao dịch bất động sản.

7. Kiểm tra trực tiếp bất động sản

Một “cảnh báo đỏ” cho thấy bạn có khả năng đối mặt với một vụ lừa đảo đó là người bán hoặc người đại diện của họ cố gắng ngăn cản bạn kiểm tra tài sản. Nếu không có gì đáng ngờ, thì người bán sẽ rất sẵn lòng cho bạn kiểm tra bất động sản trước khi mua.

8. Đừng tiết lộ mọi thông tin cá nhân

Thông thường, tốt hơn hết là bạn nên hạn chế cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân hoặc thông tin ngân hàng nào qua internet hoặc điện thoại theo nguyên tắc chung, đặc biệt nếu bạn phát hiện ra có điều gì đó không ổn.

Dương Thảo An (Propertypro)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.