Trong cơn sốt vàng “ảo”, gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất là nhà đầu tư. Thống kê có đến 95% nhà đầu tư thất bại đã phản ánh đúng tình hình thực tế. Họ đã mất vốn, thậm chí bán cả tài sản để lao vào vòng xoáy ma lực này.

Mỗi nhà đầu tư đến với sàn vàng trong những bối cảnh khác nhau, hoặc do được mời gọi, cũng có 1 số tự tìm hiểu và chủ động đến mở tài khoản giao dịch. Xuất phát điểm tuy khác nhưng thường họ có chung một kết cục, đó là thua lỗ.

Trong giai đoạn “nóng bỏng” 2008-2010, nhà đầu tư của các sàn vàng thường từ kênh giao dịch chứng khoán và bất động sản chuyển sang. Những nhân viên môi giới sàn “ảo” tiếp cận và hướng dẫn các nhà đầu tư chứng khoán, bất động sản về kinh doanh vàng tài khoản. Với “máu” đầu tư sẵn có và tình hình không khả quan của các kênh đầu tư khác, họ nhanh chóng tìm hiểu và mở tài khoản giao dịch vàng tại sàn “chui”.


Nhà đầu tư tại sàn giao dịch vàng ACB. Ảnh: SGGP năm 2009

Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, đa số nhà đầu tư lại đến từ mối quan hệ của nhân viên. Có những thời điểm, nhân viên tư vấn lại biến mình thành nhà đầu tư của chính các sàn mà họ đang làm việc. Kiếm không được khách, các nhân viên tự mở tài khoản, tự giao dịch để chạy doanh số, để được hưởng lương. Từ đó, họ trở thành “mồi ngon” của của doanh nghiệp mà họ đang làm việc.

Giá vàng thế giới biến động không ngừng và ngày càng mạnh khiến nhiều nhà đầu tư “say máu”, giao dịch với khối lượng lớn và sử dụng tối đa đòn bẩy tài chính được cung cấp. Kết quả thường là họ nhanh chóng mất hết vốn chỉ trong thời gian ngắn. Với tâm lý “gỡ gạc”, nhiều người lập tức đổ thêm tiền vào để tiến hành giao dịch “trả thù”, khiến cho số thua lỗ tăng thêm. Nhiều người chỉ dừng lại sau khi đã hết vốn và thậm chí là còn nợ nần chồng chất.

Có những câu chuyện rất thương tâm như việc một nhà đầu tư tại Phan Thiết, mặc dù đã mang thai gần đến thời điểm sinh nở, vẫn bỏ toàn bộ số tiền dành dụm để nuôi con vào và giao dịch thua lỗ hết. Chị gọi cho nhân viên và khóc, nhờ nhân viên lên xin công ty trả lại tiền. Nhân viên báo cho quản lý nhóm, cả hai cùng khóc. Không ai có thể giúp gì được cho chị.

Một câu chuyện khác về việc hai vợ chồng cùng giao dịch trên một tài khoản vàng “ảo” với giá trị lớn. Sự mâu thuẫn, bất đồng diễn ra khi mỗi người một ý khác nhau. Đỉnh điểm là khi người chồng giao dịch thua lỗ toàn bộ số tiền trong tài khoản. Kết cục là hai vợ chồng ly dị, tài sản thì đã mất gần hết vào sàn vàng.

Vốn tin tưởng vào sự chững chạc và bề ngoài chỉnh chu của chuyên viên tư vấn tài chính sàn vàng, nhiều nhà đầu tư đã giao tài khoản cho họ giao dịch giúp. Họ không biết rằng nhiều nhân viên thậm chí là sinh viên mới tốt nghiệp và kinh nghiệm duy nhất họ có được là vài buổi học lý thuyết phân tích thị trường tại công ty. Trong cuộc chơi đòi hỏi phải có sự vững mạnh về tâm lý và một hệ thống giao dịch khoa học cộng với kinh nghiệm giao dịch như đánh vàng “ảo”, các nhân viên trẻ này cũng nhanh chóng làm thua lỗ hết số tiền của khách. Tài khoản “cháy”, nhân viên trốn biệt, nhà đầu tư phải ôm trái đắng.

Tuy nhiên, bên cạnh những thua lỗ do tự bản thân gây ra, đôi khi khách còn phải đối phó với những chiêu trò “bất công” của sàn vàng. Trong hợp đồng được ký kết, thường các sàn sẽ đưa ra những điều khoản để tránh trách nhiệm như lỗi hệ thống, lỗi giá hoặc lỗi đường truyền internet. Khi các sàn tự xác định là có lỗi này, họ có quyền hủy, xóa giao dịch của khách. Khách khó có thể phản ứng lại vì chủ sàn đã đưa tất cả điều khoản bất lợi vào hợp đồng, khách đã ký thì phải chịu. Sàn vàng đóng vai trò “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Mọi khiếu kiện của khách đối với sàn vàng hầu hết là không được giải quyết. Nếu đưa ra pháp luật, nhà đầu tư cũng không được bảo vệ vì đây là ngành nghề cấm, khiếu kiện thường là vô hiệu.

Nhìn chung, hầu hết các nhà đầu tư thua lỗ đều do thiếu sự chuẩn bị cần thiết khi bước vào giao dịch. Họ không hiểu được những rủi ro tiềm ẩn, những mốc lợi nhuận thực tế và không có kiến thức, kỹ năng, tâm lý giao dịch ổn định. Đa số các sàn đều không tư vấn tường tận cho nhà đầu tư về rủi ro họ có thể gặp. Để thu hút khách, các sàn thường chỉ đề cập đến lợi nhuận, đến sự hấp dẫn của giao dịch vàng chứ ít ai đề cập đến mặt trái của nó. Đồng thời, nhà đầu tư bị viễn cảnh làm giàu nhanh chóng làm cho mờ mắt rồi tự gây thua lỗ. Thực tế, không cần sàn vàng giở “chiêu trò” thì nhà đầu tư cũng đã tự thua hết vốn, sớm hay muộn mà thôi.

Tuy đa phần là thua lỗ nhưng việc có nhiều nhà đầu tư tham gia đã giúp hình thành nên cộng đồng những người mong muốn giao dịch tài chính thành công. Họ xây dựng các website, diễn đàn, chia sẻ với nhau về kiến thức, kỹ năng để giảm rủi ro, để dần trở nên chuyên nghiệp hơn, để có thể có lợi nhuận trong tương lai. Các diễn đàn cũng giúp vạch trần chiêu trò của các sàn vàng và cảnh báo với cộng đồng. Nhờ đó, những nhà đầu tư hiện nay đã khó bị lôi kéo, dụ dỗ vào các sàn vàng “ảo” hơn. Tuy nhiên, không phủ nhận rằng vẫn tồn tại những diễn đàn chỉ là nơi do các sàn “chui” lập nên để tìm kiếm khách mà không cung cấp thông tin hay kiến thức hữu ích.

Trong giai đoạn hiện nay, khi nhà nước nghiêm cấm giao dịch vàng qua tài khoản và chưa có khung pháp lý cho ngành nghề này, nếu đã chấp nhận tham gia giao dịch vàng “ảo”, nhà đầu tư phải xác định rõ nguy cơ mất toàn bộ vốn đầu tư. Vốn mất đi có thể do thua lỗ, có thể do chiêu trò của sàn hoặc cũng có thể sẽ bị sung công quỹ nếu các cơ quan pháp luật “sờ gáy” sàn vàng. Quá nhiều các rủi ro đang “rình rập” nhà đầu tư tại các sàn “ảo”. Ở vị trí nhà đầu tư, cần sáng suốt và tham khảo đầy đủ về pháp lý trước khi bước chân vào thế giới vàng “ảo”.

Dương Huy (Một thế giới)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.