Trong khi phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam chỉ quẩn quanh với thị trường nội địa, khó tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, bị “bào mòn” bởi gánh nặng thủ tục hành chính, và chi phí không chính thức, DNNVV Thái Lan đang được Chính phủ của họ hỗ trợ một cách rất bài bản, cụ thể để nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu, trong đó có thị trường CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam).

Một chương trình giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp Thái Lan tại Việt Nam. Ảnh: MINH KHUÊ

DNNVV được hỗ trợ một cách bài bản

Trong những ngày cuối tháng 3-2016 đến nay, tờ báo The Nation của Thái Lan liên tục đưa thông tin về một số chương trình của Chính phủ Thái nhằm hỗ trợ DNNVV. Theo thông tin được tờ này đăng hôm 4-4, các công ty hàng đầu của Thái Lan sẽ chung tay cùng với Bộ Thương mại Thái Lan tham gia đào tạo và hỗ trợ các DNNVV mở rộng xuất khẩu và đầu tư ra nước ngoài.

The Nation dẫn lời Tổng giám đốc Cục Xúc tiến thương mại quốc tế Thái Lan (DITP) thuộc Bộ Thương mại Thái Lan, bà Malee Choklumlerd, cho biết DITP dự kiến tổ chức lễ ký bản ghi nhớ (MOU) giữa các doanh nghiệp lớn của Thái Lan và Bộ Thương mại nhằm hỗ trợ các DNNVV. Những doanh nghiệp lớn dự kiến tham gia như Berli Jucker (BJC), tập đoàn SCG và Srithai Superware.

Trước mắt, các thị trường mục tiêu được ưu tiên nhắm đến để doanh nghiệp lớn hỗ trợ DNNVV bắt đầu xuất khẩu và đầu tư là các nước láng giềng, đặc biệt là Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam. Theo đó, các doanh nghiệp lớn sẽ giúp DNNVV bằng cách cung cấp thông tin và những đầu mối liên lạc, “mai mối” doanh nghiệp tại mỗi thị trường mà DNNVV Thái Lan muốn đến.

Tờ The Nation cũng trích lời bà Malee Choklumlerd cho biết dự án này sẽ tạo ra các lợi ích win-win, tức cả hai bên cùng có lợi. Bởi vì, các doanh nghiệp lớn sẽ có thêm nguồn cung cấp hàng hóa, còn các DNNVV sẽ có cơ hội mở rộng kinh doanh ra thị trường nước ngoài.

Trước đó, theo một bài viết được The Nation đăng hôm 28-3, việc hợp tác giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ là một chương trình hợp tác công - tư với sự tham gia của nhiều tổ chức như Phòng Thương mại, Ban Thương mại, Liên đoàn các ngành công nghiệp Thái Lan, các ngân hàng thương mại cùng với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Cụ thể, BJC sẽ hỗ trợ DNNVV khai thác thị trường Việt Nam, SCG sẽ hỗ trợ DNNVV tìm cơ hội cung cấp vật liệu xây dựng cho Campuchia vào quí 3-2016. Còn Bangkok Bank đóng vai trò nhà tư vấn và giúp DNNVV có được vốn.

Ngoài ra, DITP cũng tổ chức sự kiện mang tên “Top Thai Brands” tại các nước CLMV để quảng bá các thương hiệu của Thái Lan.

Năm biện pháp hỗ trợ, trong đó lãi suất vay vốn chỉ 4%/năm

Việc doanh nghiệp lớn hỗ trợ các DNNVV là một phần của dự án của Chính phủ Thái Lan mang tên “Pracha Rath” (có nghĩa là Đất nước của người dân - State of People) nhằm xúc tiến đầu tư nội địa cũng như đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Thái Lan.

Cũng theo tờ này, đây là biện pháp thứ tư thuộc dự án Pracha Rath để hỗ trợ DNNVV. Vào ngày 8-9-2015, Chính phủ Thái Lan đã chấp thuận ba biện pháp hỗ trợ đầu tiên nhằm kêu gọi lập một quỹ liên doanh trị giá 2 tỉ baht giữa một số ngân hàng Thái Lan để giảm thuế cho DNNVV và miễn thuế cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Trao đổi với TBKTSG, bà Pitinun Samanvorawong, Lãnh sự thương mại Thái Lan tại Việt Nam đồng thời là Giám đốc mới của DITP tại Việt Nam, cho biết trên thực tế từ khoảng hai năm qua Chính phủ Thái Lan đã có một số chương trình, cũng như hợp tác với khu vực tư nhân để hỗ trợ DNNVV của nước này nâng cao năng lực, đẩy mạnh xuất khẩu. Hiện các chương trình này vẫn được tiếp tục, trong đó có chương trình đang bước vào giai đoạn tiếp theo, nhằm thực hiện chính sách của Chính phủ Thái Lan là đang tăng cường hỗ trợ để DNNVV ngày càng mạnh hơn.

Những chương trình này nhằm hỗ trợ DNNVV xuất khẩu sang các thị trường nói chung, chứ không riêng Việt Nam. Tuy nhiên, hiện kinh tế Việt Nam đang phát triển, nên doanh nghiệp Thái Lan muốn mở rộng kinh doanh, đầu tư ở thị trường này, cũng giống như những gì doanh nghiệp Nhật Bản và Hàn Quốc đang làm, vị lãnh sự thương mại Thái Lan cho biết.

Trong đó, cụ thể, từ tháng 9-2015, Thủ tướng Thái Lan công bố một chương trình chung hỗ trợ DNNVV xuất khẩu vào các thị trường trên thế giới, với năm biện pháp để hỗ trợ, trong đó chủ yếu hỗ trợ về vốn vay cho DNNVV với lãi suất 4%/năm và thời hạn vay lên đến bảy năm. Bộ Thương mại Thái Lan là cơ quan đầu mối thực hiện dự án này.

Ngoài ra, trong hai năm qua, Chính phủ Thái Lan cũng triển khai chương trình mang tên “SME-Proactive” nhằm hỗ trợ và tăng cường năng lực cho DNNVV mở rộng xuất khẩu vào thị trường quốc tế. Vào tháng 2-2016, chương trình này đã được triển khai giai đoạn 2 sau khi ngân sách cho chương trình được phê duyệt. Theo đó, DNNVV được hỗ trợ tham gia các hội chợ thương mại quốc tế ở nước ngoài, tham gia các đoàn khảo sát thị trường. Mỗi doanh nghiệp cũng được tự đề xuất để nhận hỗ trợ từ DITP để tham gia các hội chợ ở nước ngoài.

Doanh nghiệp sau khi tham gia các hội chợ này sẽ phải cung cấp thông tin sau hội chợ cho DITP để xem doanh nghiệp có đạt được mục tiêu như kỳ vọng, để từ đó DITP điều chỉnh các hỗ trợ cho phù hợp.
Dự kiến từ ngày 5 đến 8-5-2016, hội chợ bán hàng “Top Thai Brands” được tổ chức tại Trung tâm Triển lãm SECC tại quận 7, TPHCM với 100 doanh nghiệp tham gia. Theo bà Pitinun Samanvorawong, thực tế đây là hội chợ bán hàng Thái lâu nay vẫn được tổ chức tại Việt Nam, nhưng đang có những thay đổi để tạo hình ảnh mới cho sản phẩm, thương hiệu Thái Lan.

Khi được hỏi về dự án các doanh nghiệp lớn hỗ trợ các DNNVV của Thái Lan mở rộng xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, bà Pitinun Samanvorawong cho biết việc hợp tác này đã được thực hiện từ năm 2014.

Trước đó, trao đổi với TBKTSG khi cùng đoàn 37 doanh nghiệp dệt may, da giày đến Việt Nam vào tháng 8-2015, ông Ekachat Seetavorarat, Giám đốc điều hành Văn phòng Phát triển kinh doanh thời trang và phong cách sống thuộc DITP, cho biết có chín doanh nghiệp trong đoàn đã gặp gỡ Công ty Robinsons để nhờ hỗ trợ đưa sản phẩm Thái Lan vào Việt Nam qua hệ thống bán lẻ của công ty này.

Ông Ekachat Seetavorarat cho biết Robinsons là một công ty lớn của Thái Lan và những công ty lớn của nước này thường giúp đỡ các doanh nghiệp nhỏ và trẻ. Những doanh nghiệp nhỏ đã có sản phẩm và thương hiệu của riêng họ, và họ muốn đưa vào thị trường Việt Nam những mặt hàng thời trang dành cho trẻ em, người lớn tuổi, và những người có thu nhập trung bình.

Cũng theo ông này, với việc thành lập thị trường chung ASEAN vào cuối năm nay, đến năm 2016 sẽ có nhiều doanh nghiệp Thái Lan đến Việt Nam (vốn được xem là thị trường hấp dẫn, và có sở thích về thời trang khá giống với người Thái Lan) để mở thêm cửa hàng, hệ thống phân phối, còn về dài hạn có thể họ sẽ mở nhà máy sản xuất tại Việt Nam.

Việc hàng hóa Thái Lan thâm nhập thị trường Việt Nam trên thực tế đã có từ nhiều năm qua, tuy nhiên việc này đang được nhắc đến nhiều hơn khi ngày càng nhiều doanh nghiệp Thái Lan đến đầu tư tại Việt Nam, trong đó có lĩnh vực phân phối, như chuỗi trung tâm mua sắm Robins, hệ thống siêu thị Metro Cash & Carry Việt Nam...

Xin được kết bài viết bằng câu nói của ông Trương Đình Tuyển. Tại một hội nghị về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được tổ chức tại TPHCM hôm 8-3-2016, ông Trương Đình Tuyển, cố vấn cao cấp của Chính phủ trong đàm phán TPP, nói rằng các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Thái Lan, bắt đầu thâu tóm hệ thống phân phối Việt Nam, và qua hệ thống này họ có thể đưa hàng hóa vào đây, tác động lớn đến xã hội.

“Một số doanh nghiệp đã bán lại (hoạt động kinh doanh hiện tại - PV) cho doanh nghiệp FDI vì môi trường kinh doanh bất định. Đây là lỗi của cơ quan nhà nước vì đã không tạo được môi trường kinh doanh có thể tiên liệu được”, ông Tuyển nói.

Thu Nguyệt (TBKTSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.