Dự án đô thị đại học Quốc tế sau gần 10 năm vẫn chỉ là bãi cỏ hoang.
Siêu đô thị vệ tinh
Theo quy hoạch đô thị TP.HCM sẽ phát triển theo mô hình tập trung đa cực, mở rộng về hai hướng chính là Đông và Nam, cùng hai hướng phụ khác là Tây Bắc và Tây – Tây Nam.
Hướng Tây Bắc với hành lang phát triển là quốc lộ 22 (xa lộ Xuyên Á) có điều kiện tự nhiên khá thuận lợi, phát triển các khu đô thị mới, hiện đại đồng bộ với hạ tẫng kỹ thuật, xã hội.
Nơi đây sẽ hình thành nên khu đô thị vệ tinh của thành phố với diện tích hơn 9.000 ha, thuộc địa bàn huyện Củ Chi và huyện Hóc Môn, cách trung tâm thành phố gần 30 km.
Việc phát triển Khu đô thị này được cho là sẽ tạo động lực phát triển khu kinh tế phía Tây Bắc thành phố và các tỉnh lân cận như Long An, Tây Ninh.
Ngay sau khi được quy hoạch, khu đô thị Tây Bắc trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư với hàng loạt dự án có vốn đầu tư lên đến hàng trăm triệu USD. Trong đó, đáng kể nhất là dự án siêu dự án Khu đô thị đại học Quốc tế (VIUT) với tổng vốn đầu tư 3,5 tỷ USD do tập đoàn Berjaya (Malaysia) làm chủ đầu tư. Dự án được cấp phép năm 2008, có diện tích 925 ha tại xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn.
Theo thiết kế, chủ đầu tư sẽ dành trên 100 ha để phát triển thành một trung tâm đào tạo đại học hiện đại bậc nhất Đông Nam Á. Trong đó, ngoài các trường đại học, Khu đô thị sẽ cung cấp thêm 20 trường ở các bậc học từ mẫu giáo, tiểu học đến trung học phổ thông.
Phần diện tích còn lại được quy hoạch thành khu phức hợp, bao gồm khu thương mại, khu dân cư, trung tâm hành chính văn hóa, trung tâm y tế quy mô 15 ha phục vụ chữa bệnh và hoạt động chuyên khoa của các trường đại học, câu lạc bộ thể dục thể thao và giải trí, khu công viên cây xanh…
Năm 2007, thành phố cũng đã cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án xây dựng sân golf của Tập đoàn GS E&C (Hàn Quốc). Theo quy hoạch, GS E&C sẽ xây dựng sân golf 36 lỗ trên diện tích 200 ha tại khu đô thị Tây Bắc thuộc huyện Củ Chi. Tổng số tiền đầu tư cho dự án khoảng 42 triệu USD, dự kiến sẽ hoàn thành sau 3 năm xây dựng.
Một dự án khác cũng có vốn đầu tư khủng là công viên Sài Gòn Safari do Công ty TNHH MTV Thảo Cầm viên Sài Gòn làm chủ đầu tư có diện tích rộng 475ha, được triển khai tại xã Phú Mỹ Hưng và xã An Nhơn Tây (huyện Củ Chi) với tổng vốn đầu tư ban đầu khoảng 500 triệu USD.
Siêu dự án xanh cỏ
Mặc dù được quy hoạch từ khá lâu và có những siêu dự án được cấp phép đầu tư. Song đến nay khu đô thị Tây Bắc vẫn chưa phát triển như kỳ vọng, trong khi các siêu dự án hiện chỉ là những bãi cỏ hoang dại, khiến cuộc sống của hàng ngàn hộ dân bị đảo lộn.
Dự án treo nhiều năm khiến cuộc sống của người dân gặp khó khăn.
Sau gần 10 năm được cấp phép, dự án đô thị đại học quốc tế (VIUT) đến nay chỉ là nỗi thất vọng. Toàn bộ khu vực triển khai dự án vẫn ngập chìm trong cỏ lác, sình lầy.
Không có bất kỳ một bảng tên hay rào chắn nào phân định ranh giới, báo hiệu dự án này từng tồn tại. Con đường đất chạy dọc kênh An Hạ lồi lõm, sình lầy sau những cơn mưa. Nhiều căn nhà của người dân ở đây cũng ọp ẹp, che chắn bằng đủ thứ vật liệu tôn, lá, bạt.
Nhiều người dân ở đây cho biết, dự án bị “treo” suốt nhiều năm khiến cuộc sống của họ chịu nhiều thiệt thòi. Nhà cửa bị xuống cấp không thể xây mới, đường xá hạ tầng không được đầu tư, đất canh tác cũng khó khăn. Nhiều hộ gia đình có con cái đến tuổi lập gia đình muốn tách đất, xây nhà cho con cũng không được.
Dự án công viên Saigon Safari cũng rơi vào tình trạng “đắp chiếu” suốt nhiều năm trời. Năm 2004, chính quyền bồi thường, thu hồi đất của hơn 700 hộ dân để xây dựng dự án. Hiện dự án này vẫn chỉ là một bãi đất trống, không có bất kỳ một hạng mục nào được xây dựng, thú nuôi có chăng chỉ là những đàn bò của người dân.
Trong khi đó, dự án sân golf của Tập đoàn GS E&C (Hàn Quốc) đến nay vẫn chỉ nằm trên giấy.
Trước tình trạng hàng loạt dự án đắp chiếu nhiều năm, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, UBND TP.HCM đã ra “tối hậu thư” cho chủ đầu tư các dự án. Theo đó, nếu chủ đầu tư không đủ năng lực triển khai dự án sẽ bị thu hồi giấy phép đầu tư.
Bí Thư thành ủy Đinh La Thăng trong các cuộc tiếp xúc cử tri tại Củ Chi cũng đã yêu cầu các đơn vị chức năng rà soát, đánh giá năng lực triển khai của các dự án trên địa bàn. Những dự án treo nhiều năm, không có khả năng triển khai sẽ bị thu hồi để đảm bảo cuốc sống của người dân.
-
Loạt dự án nghìn tỷ nằm “bất động” ở TP.HCM sắp có lối ra
Ngày 21/11, UBND TP.HCM ban hành quyết định thành lập Tổ công tác giải quyết các dự án tồn đọng, dừng thi công để triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng nhằm chống lãng phí, thất thoát.
-
Giá vé tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP.HCM là bao nhiêu?
Người dân di chuyển trên tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên sẽ trả giá vé từ 6.000 – 20.000 đồng tùy theo quảng đường mỗi lượt.
-
Nhà thi đấu nằm trên khu “đất vàng” trung tâm TP.HCM khi nào sẽ khởi công?
Dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng tọa lạc trên khu đất đắc địa ngay trung tâm TP.HCM nhưng suốt nhiều năm chưa thể khởi công.