Cục trưởng Cục Quản lý nhà & Thị trường bất động sản Nguyễn Mạnh Hà.
Quy hoạch đô thị đang có vấn đề?
Đang phải trực tiếp đi thu gom những khoản nợ xấu khổng lồ lên tới nhiều tỷ USD, trong đó chiếm không ít là tài sản bất động sản, Tổng giám đốc VAMC Nguyễn Hữu Thủy khẳng định: Quy hoạch của Việt Nam nhất là quy hoạch tại 2 thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM mà đặc biệt là ở Hà Nội - quy hoạch hoàn toàn có vấn đề.
Điều này chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy trên thực tế thị trường, “các dự án bây giờ đất bỏ không rất nhiều, chỉ cần đi 1 vòng xe máy quanh khu vực đường vành đai 3 và 4, sẽ thấy ngay mênh mông đất bỏ hoang để cỏ mọc với muôn hình vạn trạng”, ông Thủy dẫn chứng.
Đại diện VAMC cho rằng, nếu các dự án này được hỗ trợ để khởi động trở lại, kết hợp với việc đầu tư kết nối hệ thống cơ sở hạ tầng tiện ích xã hội như: Trường học, bệnh viện, khu vui chơi, giải trí và mua sắm… đảm bảo rằng người mua không phải là thiếu.
Không giống như các nước, khi mà khủng hoảng thì thừa cung là thừa thật. Còn ở Việt Nam hiện nay, lực lượng lao động trẻ sinh sống tại các thành phố lớn chiếm số lượng cực lớn, hầu hết đều có nhu cầu cấp thiết về nhà ở. Do vậy, nhu cầu nhà ở của Việt Nam trong thời gian dài nữa vẫn vô cùng lớn.
Ở góc nhìn tương tự, nhiều chuyên gia khi trao đổi với BizLIVE cũng cho rằng, việc phát triển đô thị, đặc biệt ở các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM đang ngày càng bộc lộ nhiều yếu kém không dễ để khắc phục.
TS. Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Xây dựng nhận định, mặc dù đã có khá nhiều quy hoạch, kèm theo đầy đủ các văn bản pháp luật điều chỉnh nhưng công tác quy hoạch hiện nay đang rất rối loạn, đặc biệt là trong quy hoạch đô thị.
Một chuyên gia uy tín khác về bất động sản cho rằng, chính sự tư duy ý chí trong quy hoạch đô thị đã tạo nên hàng nhiều nghìn dự án đô thị đắp chiếu, nợ đọng bất động sản làm chao đảo nền kinh tế.
Tổng giám đốc VAMC Nguyễn Hữu Thủy cũng thừa nhận, việc xử lý nợ xấu của Việt Nam hiện nay, không thể có 1 câu trả lời chắc chắn được là bao giờ sẽ triệt để.
“Tinh thần của Chính phủ và VAMC là xử lý nợ xấu càng nhanh càng giảm thiệt hại nhất là đối với tài sản bất động sản”, đại diện VAMC bộc bạch.
"Tốt thì đã không phải bán lại cho VAMC"
Liên quan đến vấn đề quy hoạch không phù hợp, tại Hội nghị chuyên đề về bất động sản do AusCham tổ chức sáng 9/9 tại Hà Nội, đại diện VAMC tiết lộ: Hiện VAMC đang có khá nhiều khu đất nhưng nó lại nằm ở những vị trí không thể kết nối được với xung quanh kể cả ở Hà Nội và TP.HCM.
“Không biết Bộ Xây dựng có tính đến phương án điều chỉnh như thế nào cho những khu đất dạng trên (đất nông nghiệp không phải mà cũng không ra khu công nghiệp) để có thể sử dụng được nhằm thu hút đầu tư?”, đại diện VAMC đặt câu hỏi.
Trả lời thắc mắc này, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà & Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng: Đây là 1 thực tế tồn tại nhiều năm qua khi thị trường sốt nóng, người người làm, nhà nhà làm bất động sản, không ai để ý đến việc có kết nối hay không.
“Thậm chí khi thị trường tốt, đến đất Ba Vì còn bán được giá cao nói gì đến đất trong nội thành Hà Nội. Nếu các khu đất đó đã có kết nối hạ tầng thì họ cũng chẳng phải bán lại cho VAMC!”, ông Hà bình luận.
Theo VAMC, hiện có nhiều tòa nhà đang xây với thiết kế hỗn hợp (chung cư, thương mại…). Hiện cả VAMC và nhà đầu tư đang rất quan tâm đến việc liệu có phức tạp trong việc điều chỉnh chức năng của các loại dự án kiểu này không?
Ông Hà trả lời: Đối với những dự án loại này, theo quan điểm của Bộ Xây dựng, các chủ dự án phải phối hợp với thành phố để điều chỉnh quy hoạch hoăc tạo hệ thống hạ tầng hỗ trợ thêm cho dự án. Đây cũng là vấn đề chung của toàn thị trường chứ không chỉ riêng của VAMC.
“VAMC cũng cần thiết phải có các chuyên gia giỏi về bất động sản để có thể khai thác được các khu đất đó và phải sinh lời”, ông Hà nhấn mạnh.
Chính phủ cũng đã cho phép chuyển đổi mục đích xây dựng nếu không phù hợp, chia nhỏ căn hộ hoặc chuyển đổi mục đích đầu tư (chuyển từ văn phòng sang khách sạn, chung cư thành bệnh viện…).
“Cái này hoàn toàn triển khai được, thủ tục cực kỳ đơn giản”, ông Hà tiết lộ. Ví dụ như ở Hà Nội, Bộ Xây dựng và Hà Nội đã thành lập 1 tổ công tác đặc biệt bao gồm toàn bộ đại diện các sở ngành có liên quan để chuyên giải quyết các dự án loại này.
Ở TP. HCM, Bộ Xây dựng cũng yêu cầu mọi thủ tục đều phải rất đơn giản và thông thoáng, và thực tế thời gian qua đã giải quyết được cho nhiều dự án.
-
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an vào cuộc xử lý sở hữu chéo ngân hàng
Bộ Công an phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương có các giải pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng sở hữu chéo, thao túng tại các tổ chức tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng và an ninh tài chính, tiền tệ....
-
Agribank rao bán hàng trăm tỷ nợ xấu của loạt công ty thép, thế chấp bằng đất đai, nhà xưởng
Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) - Chi nhánh An Phú vừa thông báo bán đấu giá toàn bộ khoản nợ trị giá hơn 360 tỷ đồng của Công ty TNHH Thép KDG Việt Nam và CTCP Đầu tư Khang Duy....
-
800 tấn quặng graphite được Agribank mang ra bán với mức giá không tưởng để thu hồi nợ
Đây tài sản thế chấp cho các khoản vay Công ty TNHH Việt Nam Carbon & Graphite và Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Lâm Ngọc tại Agribank Chi nhánh Tây Hồ.